Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường thép thế giới tuần 51

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 51

Thị trường thép thế giới trong tuần này ít bàn về các diễn biến ở Châu Á bởi sự thay đổi ở khu vực này không đáng kể. Chỉ có hai thị trường được chú ý nhiều nhất đó là Trung Quốc và Nhật Bản. Song sự bất thường về xu hướng giá thép tại Trung Quốc ít nhiều cũng làm nản lòng người mua cũng như các nhà cung cấp.

Trong khi đó, diễn biến tại Nhật chủ yếu là đề cập đến động thái nâng giá thép của các nhà sản xuất theo xu hướng giá phế liệu.

Có lẽ thị trường thay đổi nhiều nhất phải kể đến trong tuần này đó là Mỹ và các nước thuộc khu vực CIS. Song tất cả không bắt nguồn từ nhu cầu trực tiếp mà khách hàng chỉ mua vì tin rằng triển vọng thị trường trong thời gian tới sẽ tốt hơn, giá cũng sẽ tăng cao hơn so với mức hiện tại.

Hiện tượng nâng giá tháng 01 và tháng 02 của các nhà sản xuất cũng phổ biến hơn trong tuần này, giá phế liệu liên tục tăng nóng trong những tuần gần đây khiến nguồn lợi nhuận của các nhà sản xuất bị đe  dọa. Tuy nhiên, người mua vẫn phản ứng khắt khe với động thái này. Do đó mức giá giao dịch thực tế trong tương lai vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn bởi các nhà cung cấp khó thành công với các điều chỉnh nếu không nhận được sự đồng tình từ người mua.

Nhật Bản

Trong tuần này, nhà sản xuất Tokyo Steel đã thông báo nâng giá thép dài thêm 1.000-3.000 Yên/tấn. Động thái nâng giá của nhà sản xuất này được giới thị trường dự đoán từ trước, nhưng mức điều chỉnh có phần thấp hơn so với dự đoán vì thực tế tổng mức tăng giá phế gần đây lên đến 5.000 Yên.

Tuy nhiên, lực mua còn khá non nớt khiến nhà sản xuất này thận trọng với quyết định điều chỉnh giá nhằm tránh làm tổn thương thị trường.

Cũng theo xu hướng này, nhà sản xuất Kyoei Steel cũng thông báo nâng giá thép cây tháng 1 thêm 3.000 Yên/tấn (78 USD) với lý do bù đắp chi phí sản xuất.

Giá thép cây của nhà sản xuất này hiện đang ở mức 60.000 yên/tấn trong khi đó giá bán tại thị trường Tokyo là 59.000-60.000 Yên/tấn (756-769 USD/tấn và tại Osaka là 58.000-59.000 Yên/tấn, cả hai đều giảm 1.000 Yên/tấn so với tháng trước.

Châu Âu

Đồng EUR suy yếu so với USD đang là lợi thế lớn cho các nhà sản xuất khu vực Châu Âu khi thông báo nâng giá thép cuộn tháng 01 thêm 15-30 EUR/tấn.

Nhập khẩu suy yếu dần vì không có khả năng cạnh tranh với  thép nội địa, càng cũng cố lòng tin của các nhà cung cấp về việc điều chỉnh giá.

Tuy nhiên, khách hàng khá nhạy cảm trước xu hướng mới và hiện rất ít ai đặt mua, hầu hết đều muốn chờ diễn biến mới.

Song, với quyết tâm đạt được giá mục tiêu, nhiều nhà sản xuất không ngại găm hàng và hiện đã tạm ngưng các chào bán tháng 02 nhằm chờ lực mua phục hồi trở lại.

Giao dịch HRC gần đây nhất được chốt tại mức 480-490 EUR/tấn xuất xưởng nhưng các nhà sản xuất đang nhắm đến mức giá 500-520 EUR/tấn (651-677 USD/tấn) xuất xưởng. CRC giao ngay đang có giá 530-550 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản và giá cuộn mạ kẽm nhúng nóng là 530-540 EUR.

Tương tự, giới sản xuất thép thanh và thép hình Nam Âu cũng đặt mục tiêu nâng giá thép tháng 01 thêm 30-40 EUR/tấn, nhưng họ đang gặp sự phản kháng quyết liệt từ khách hàng.

Các giao dịch chủ yếu trên thị trường chủ yếu được thực hiện giữa các thương nhân và các nhà phân phối chứ hiếm có sự tham gia của các nhà tiêu thụ trực tiếp.

Triển vọng thị trường còn khá lờ mờ vì kinh tế khó khăn sẽ là lực cản đối với mục tiêu tăng giá, nhưng nếu phế liệu vẫn giữ sức nóng như hiện tại có thể tình thế sẽ đảo ngược.

Giá thép hình cỡ lớn tại thị trường Nam Âu hiện đang được giao dịch ở mức 610-620 EUR/tấn (794-807 USD/tấn) còn thép thanh thương phẩm là 570-580 EUR/tấn.

Tại Anh, quyết định nâng giá thép hình thêm 30 bảng/tấn của nhà sản xuất Celsa có thể sẽ khởi  đầu cho làn sóng tăng giá tại thị trường nước này. Tồn thép của các nhà phân phối đã xuống thấp, do đó nhu cầu có thể sẽ phục hồi trở lại trong tháng 01.

Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi hầu hết các nhà sản xuất thép cuộn trên toàn cầu chưa quyết định nâng giá do nhu cầu quá yếu, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số những nước hiếm hoi đã nhanh chóng có những quyết định tăng giá đối với loại thép này.

Nhu cầu vẫn chậm nhưng lượng tồn xuống thấp cộng với việc phải nhập khẩu phế liệu giá cao ngất ngưởng, các nhà cung cấp HRC, CRC đã nâng giá thêm 10-20 USD/tấn trong tuần này.

Hiện các nhà sản xuất đang chào bán HRC với giá 630-640 USD/tấn, còn giá chào bán từ các nhà dự trữ là 670 USD/tấn. Tuy nhiên giới trong ngành cho rằng giá thép tuần tới có thể được thị trường đẩy lên mức 700 USD/tấn.

Ngoài ra, thép cây và thanh tròn tuần này cũng được một số nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ điều chỉnh giá.

Theo đó, giá thép thanh của Kardermir tăng 38 USD/tấn lên 680 USD/tấn, thép cây của nhà sản xuất này cũng tăng ở mức tương tự lên 639-673 USD/tấn.

Nhìn chung, thị trường thép Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa sôi động, các giao dịch chủ yếu với mục đích trước mắt và rất ít người có ý định tích trữ dù lượng tồn xuống thấp. Do đó, xu hướng tăng giá thép có thể sẽ không ổn định trong dài hạn.

CIS

Như vậy, sau những tuần giảm giá liên tiếp và có dấu hiệu ngưng trệ trong các giao dịch, thị trường phôi thanh CIS trong 02 tuần trở lại đây bắt đầu phục hồi.

Sự phục hồi này trước hết là do tác động mạnh từ giá nguyên liệu thô, mà đặc biệt là phế liệu. Trong những ngày gần đây, giá phế nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng khiến phôi thanh của nước này cũng phải tăng theo, nhờ đó xu hướng càng lan rộng sang các thị trường khác và thị trường phôi thanh CIS là ví dụ điển hình.

Một nguyên nhân thứ đến lèo lái giá phôi tăng đó là nhu cầu từ Bắc Phi, Địa Trung Hải và Iran đang phục hồi. Mặc dù Iran gần đây gặp nhiều khó khăn về tài chính và phải đối mặt với lệnh trừng phạt của EU thông qua ngân hàng trung ương Iran khiến việc mở thẻ tín dụng gặp nhiều khó khăn, đây được cho là điểm đến tiềm năng của các nhà xuất khẩu CIS.

Và lý do cuối cùng góp phần đẩy giá phôi tuần này chạm mức 600 USD/tấn fob Biển Đen đó là nguồn cung khan hiếm. Các nhà cung cấp CIS đã cắt giảm đáng kể lượng cung ứng, và giờ đây hầu hết các nhà sản xuất đều chốt đơn đặt mua tháng 01. Họ sẽ bắt đầu chào bán phôi tháng 02 nhưng số lượng được cho là không nhiều. Nếu phế liệu tiếp tục tăng nóng và nhu cầu tích trữ phôi thanh phục hồi tốt, chắc chắn phôi tháng hai sẽ có mức giá trên 600 USD/tấn fob Biển Đen.

Giá phôi tấm cũng được dự đoán tăng lên trong tháng 01 vì tại thời điểm này không những phế liệu mà quặng sắt cũng được cho là sẽ phục hồi.

Một số nhà sản xuất mới của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không thể duy trì sản xuất do làm ăn thua lỗ, trong khi đó những nhà sản xuất kỳ cựu đã chốt các đơn hàng sản xuất tháng 01.

Các nhà sản xuất đang nhắm đến ngưỡng 500-525 fob Biển Đen nhưng có lẽ mức 500 USD đã là đáy thấp và sẽ chẳng có nhà cung cấp nào muốn giao dịch với mức này.

Các nhà sản xuất thép cuộn Nga và Ukraina cũng đã bán hết thép cuộn tháng 01. Hầu hết đều nhích nhẹ số lượng chào bán trong tháng 02 nhưng đồng thời sẽ tăng 10-20 USD mỗi tấn khi chào bán.

Triển vọng thị trường thép tấm không  rỏ ràng vì nhu cầu tương đối yếu.

Mỹ

Thị trường thép tấm mỏng tại Mỹ diễn ra khá sôi động trong những ngày cuối năm. Các giao dịch chủ yếu là tích trữ vì đa số đều tin rằng giá bán năm mới sẽ tăng lên.

Giá thép cuộn cán nóng tuần này ở mức 690-710 USD/tấn ngắn, cuộn cán nguội giá là 800-810 USD/tấn ngắn và thép cuộn mạ kém nhúng nóng là 810-840 USD/tấn ngắn.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất đang nhắm đến đến mức giá 790 USD/tấn ngắn cho thép cuộn cán nóng tháng 02. Quyết định này được cho là không mấy thông minh bởi giáng sinh và năm mới đang cận kề chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến số lượng đơn đặt mua.

Thị trường nguyên liệu thô

Quặng sắt: Giá quặng tuần này đã phục hồi trở lại sau 1 tuần trượt giảm trước đó, các giao dịch cũng diễn ra sôi động hơn. Đa số khách hàng Trung Quốc đều lo gom hàng tích trữ trước tết nguyên đán vì tháng 01 hoạt động giao dịch sẽ gặp khó khăn bởi ngân hàng ít khi làm việc.

Quặng 62% Fe từ TSI xuất sang Trung Quốc hôm thứ Tư đã tiến đến mốc 134,8 USD/tấn. Trong khi đó, theo bảng giá Platt thì loại quặng này được yết tại ngưỡng 136,75 USD/tấn.

Tuy có một tuần tăng ổn định nhưng khả năng giá quặng sẽ khó cố định ở mức này trong một thời gian dài bởi triển vọng thị trường thép thành phẩm còn rất mờ mịt.

Phế liệu: Giá phế liệu tuần này tiếp tục nhích nhẹ ở hầu hết các thị trường trên toàn câu do nhu cầu rất mạnh.

Tại Nhật, sau những lần điều chỉnh giá của các nhà sản xuất trong nước, phế xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng bắt đầu được các nhà cung cấp đẩy lên mức 33.000-33.500 Yên/tấn.

Trong khi đó, Ấn Độ đang phải đối mặt với khoản tăng khổng lồ của giá phế nhập khẩu do đồng tiền nội địa mất giá. Tính đến thời điểm này, giá phế đã tăng 50 USD/tấn so với tháng trước. Hiện phế vụn tháo dỡ từ container xuất xứ từ Châu Âu được yết tại mức 465-470 USD/tấn (356-360 EUR/tấn) cfr.

Tại Mỹ, phế nội địa cũng tăng 8 USD/tấn so với tuần trước và đây là tuần tăng thứ ba liên tiếp tại thị trường nước này.

Dù đắt đỏ nhưng các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tích cực thu mua. Phế A3 tuần này được khách hàng Thổ Nhỹ Kỳ đặt mua với giá 445 USD/tấn cfr.

Nhu cầu tích trữ trong những ngày cuối năm khiến giá phế liệu tăng cao. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, giá có thể sẽ trở yếu vào tháng 01 hoặc tháng 02, khi các kho dự trữ của khách hàng đã đầy và nhu cầu giảm thấp.