Sản xuất và tiêu thụ thép 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục suy giảm, lần lượt là 20,9% và 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, thép nhập khẩu vẫn 'ồ ạt' tràn vào Việt Nam, riêng thép từ Trung Quốc chiếm tới 54,17% tổng sản lượng thép nhập khẩu…
6 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm giảm tới 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 6/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,012 triệu tấn, giảm 9,52% so với tháng 5/2023 và giảm 16,2% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,161 triệu tấn, giảm 6,41% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ 2022;
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tình hình sản xuất thép thành phẩm năm 2023. Nguồn: VSA.
Tình hình tiêu thụ thép thành phẩm năm 2023. Nguồn: VSA.
Về tình hình xuất khẩu các sản phẩm thép, trong tháng 5/2023 đạt khoảng 1,133 triệu tấn thép tăng 16,43% so với tháng 4/2023 và tăng 52,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 931 triệu USD tăng 14,53% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,383 triệu tấn thép tăng 10,12% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 3,448 tỷ USD giảm 16,21% so với cùng kỳ năm 2022.
Diễn biến lượng và giá thép xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023. Nguồn: VSA.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 là: khu vực ASEAN (34,76%), Khu vực EU (24,68%), Hoa Kỳ (6,77%), Ấn Độ (4,72%) và Brazil (3,36%).
Từ chiều ngược lại, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt hơn 837 ngàn tấn với trị giá hơn 772 triệu USD, giảm lần lượt 18,92% về lượng và 13,54% về giá trị so với tháng 4/2023; so với cùng kỳ năm 2022 giảm lần lượt 34,54% về lượng và 45,01% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 4,606 triệu tấn với trị giá hơn 3,934 tỷ USD, giảm 12,33% về lượng và giảm 29,61% về giá trị.
Diễn biến lượng và giá thép nhập khẩu vào Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023. Nguồn: VSA.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc (54,17%), Nhật Bản (16,01%), Hàn Quốc (8,87%), Ấn Độ (6,74%) và Đài Loan (6,67%).
Đối với tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép, báo cáo của VSA cho thấy, giá quặng sắt ngày 6/7/2023 giao dịch ở mức 112 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng không đáng kể, xấp xỉ 1% so với thời điểm đầu tháng 6/2023. Bình quân giá quặng sắt quý 2/2023 là khoảng 113 USD/tấn, giảm 11% so với quý 1/2023 và giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2023, giá quặng sắt bình quân là 118.3 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kì năm 2022.
Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 6/7/2023 giao dịch ở mức khoảng 230 USD/tấn FOB, tương đương mức giá giao dịch so với đầu tháng 6/2023.
Bình quân quý 2/2023, giá than mỡ luyện cốc giao dịch ở mức 243,8 USD/tấn, giảm 29% so với mức giá bình quân quý 1/2023 và giảm 45% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, mức giá giao dịch bình quân đạt 293,6 USD/tấn, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 6/7/2023 ở mức 375 USD/tấn, giảm 4% so với đầu tháng 6/2023. Như vậy, nửa đầu năm 2023, giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á bình quân đạt 421 USD/tấn, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá cuộn cán nóng (HRC) ngày 6/7/2023 ở mức 571 USD/tấn, CFR Việt Nam, giảm 35USD/tấn so với giá giao dịch đầu tháng 6/2023. Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép…) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Về nguyên nhân sản xuất và tiêu thụ thép sụt giảm, VSA cho rằng do nhu cầu tiêu thụ chậm. Hơn nữa, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu. Dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình tiêu thụ thép vẫn kém và có thể còn nhiều đợt giảm giá nữa.
Giá nguyên liệu sản xuất thép năm 2023. Nguồn: VSA.
Trong khi sản lượng thép trong nước giảm mạnh, thì thép nhập khẩu vẫn đang vào Việt Nam với số lượng lớn. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam trên 4,6 triệu tấn, riêng thép từ Trung Quốc chiếm tới 54,17% tổng sản lượng thép nhập khẩu.
Lý giải nguyên nhân thép nhập khẩu vẫn “ồ ạt” tràn vào Việt Nam, trong đơn kiến nghị gửi đến Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất xem xét xây dựng hàng kỹ thuật, thủ tục kiểm tra chất lượng đối với thép nhập khẩu vào Việt Nam, VSA nêu rõ, hiện nay các các điều kiện nhập khẩu thép rất “lỏng lẻo”, sản phẩm thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn theo Thông tư 06/2020/TT-BKHCN nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Thép nhập khẩu hiện nay đa phần thuế nhập khẩu là 0%, hàng hóa luồng xanh nên được miễn kiểm tra chi tiết về hồ sơ và hàng hóa.
Trước đây, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN, để được thông quan, thép nhập khẩu phải trải qua hai khâu kiểm tra: Kiểm định chất lượng tại tổ chức kiểm định được chỉ định. Sau đó, doanh nghiệp phải đem giấy kiểm định qua Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Sở Khoa học và Công nghệ để được cấp thông báo kết quả đạt chất lượng. Tuy nhiên, ngày 21/9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ quy trình nhập khẩu thép
Vì vậy, việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam được nới lỏng và không có quy trình kiểm tra chất lượng như trước đây dẫn đến việc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, đặc biệt sản phẩm từ Trung Quốc tăng rất nhanh.
VSA cho biết hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các rào cản kỹ thuật được áp dụng rõ ràng tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australai, Anh….
Theo đó, các sản phẩm khi xuất khẩu sang các quốc gia này đều yêu cầu có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu đối với các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Mục tiêu của các giấy phép này là ngăn chặn lượng nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng, tăng cường khâu kiểm soát với thép nhập khẩu.
Trong khi đó, ngành thép Việt Nam đang chịu cảnh thua lỗ, thì lượng thép nhập khẩu vẫn ở mức cao, hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Vì vậy, VSA kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Nguồn tin: VnEconomy