Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường thép trong tuần: Giảm lần thứ 15, thép thô trên thế giới giảm

Tuần vừa qua (22 - 28/8) giá thép trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần thứ 15. Các chuyên gia dự báo đà giảm có thể kéo dài hết quý III.

Giảm lần thứ 15

Vào chiều ngày 22/8, giá thép trong nước đồng loạt giảm với mức dao động từ 200 - 400 đồng/tấn, nhiều thương hiệu thép có mức giá bán xuống dưới ngưỡng 14.000 đồng/kg - đây là mức giảm lần thứ 15 chỉ trong vòng 3 tháng.

Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát, 2 dòng sản phẩm của hãng gồm dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.370 đồng/kg - giảm 200 đồng; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.130 đồng/kg - giảm 300 đồng.

Thương hiệu thép Việt Ý với hiện thép cuộn CB240 ở mức 14.140 đồng/kg - giảm 300 đồng; dòng thép thanh vằn D10 CB300 từ 15.150 đồng/kg giảm 350 đồng xuống còn 14.800 đồng/kg. Hay với thép VAS, với thép cuộn CB240 ở mức 13.940 đồng/kg - giảm 300 đồng; dòng thép thanh vằn D10 CB300 giảm 200 đồng có giá 14.390 đồng/kg.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, giá nguyên vật liệu liên tục giảm, khiến thị trường thép xây dựng chững lại. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thép giảm sút do mùa vụ và giải ngân đầu tư công chậm. Đà giảm của giá thép có thể kéo dài hết quý III/2022.

Hiện, các nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau. Nhiều nhà máy áp dụng một tuần một giá mới và bảo lãnh giá bán trong tuần khiến thị trường bất ổn. Các nhà máy càng khó khăn hơn trong tiêu thụ hàng hóa.

Trong báo cáo đánh giá về triển vọng của ngành thép những tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, nửa đầu năm 2022, hầu hết các DN ngành thép có mức tăng trưởng doanh thu tốt do mặt bằng giá thép cao, tuy nhiên lợi nhuận lại tăng trưởng âm lớn so với cùng kỳ khi giá nguyên liệu tăng phi mã.

Trong năm 2022, VCBS dự đoán doanh thu thuần của HPG sẽ đạt 150.261 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 21.569 tỷ đồng. Con số này sẽ được cải thiện hơn vào năm 2023 với doanh thu thuần 146.261 tỷ đồng và LNST 25.287 tỷ đồng.

"Trong kịch bản nhu cầu nội địa tiếp tục duy trì tiêu cực vào nửa cuối năm 2022 và giá thép thế giới giảm giá mạnh, HPG sẽ phải tiếp tục hạ giá bán dẫn tới triển vọng lợi nhuận kém lạc quan" - VCBS nhận định.

Về phía Công ty chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng tình hình tiêu thụ thép sẽ khả quan hơn trong quý IV khi hoạt động xây dựng thường đẩy mạnh trong quý cuối năm và chi phí xây dựng giảm do giá thép đã giảm mạnh.

Bên cạnh đó, việc nguyên liệu đầu vào đã giảm sâu đang hỗ trợ lớn đối với doanh nghiệp thép trong nửa sau năm 2022. Giá quặng sắt, than luyện cốc và thép phế giảm mạnh, lần lượt giảm 28%, 53% và 45% kể từ đỉnh. Giá HRC (nguyên liệu đầu vào của ngành tôn mạ) cũng lao dốc 35% kể từ mức đỉnh.

Do vòng quay hàng tồn kho của ngành thép thường ở mức 2 - 3 tháng, BSC cho rằng, chi phí sản xuất sẽ giảm tương đối, giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành cải thiện trong quý IV.

Sản lượng thép thô thế giới giảm

Theo VSA, nhu cầu yếu gây áp lực xuất khẩu của Trung Quốc Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, nhu cầu yếu đang ảnh hưởng đến ngành thép khi Trung Quốc chứng kiến xuất khẩu thép bán thành phẩm giảm 3,1% xuống còn 278.000 tấn trong tháng 6 so với tháng 5, giảm lần đầu tiên trong ba tháng.

Sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia báo cáo với Hiệp hội Thép thế giới (worldsteel) là 158,1 triệu tấn trong tháng 6/2022, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù khối lượng tháng 6 vẫn cao hơn mức 1.618 tấn xuất khẩu một năm trước, nhưng nhu cầu ở nước ngoài chậm chạp đã dẫn đến lượng đặt hàng giảm mạnh, khiến xuất khẩu có khả năng giảm mạnh trong những tháng tới.

Tổng lượng xuất khẩu thép thành phẩm của Trung Quốc trong tháng 6 đạt 7,835 triệu tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu hải quan. Tuy nhiên, tổng lượng thép xuất khẩu trong tháng 6 vẫn là mức cao thứ hai được thấy ít nhất kể từ tháng 5 năm 2021.

Khối lượng giao hàng giảm có thể là do nhu cầu quặng sắt thấp trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận thép suy giảm do sự chậm trễ phục hồi kinh tế sau khi Thượng Hải mở cửa trở lại.

Sự sụt giảm này là bất ngờ vì nhiều người kỳ vọng rằng khối lượng vận chuyển sẽ được cải thiện do sản lượng tại các mỏ của Úc tăng lên, cùng với việc đã qua mùa bão.

Trong khi đó, để có thêm sức mạnh đàm phán, Trung Quốc đã thành lập Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc để giúp các nhà máy thép Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn đến giá quặng sắt.

Tập đoàn này nằm ở quận Tây An mới của tỉnh Hà Bắc, và phạm vi kinh doanh đã đăng ký của nó bao gồm khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản (mỏ không phải than), kinh doanh quốc tế và trong nước, cũng như các dịch vụ chuỗi cung ứng liên quan, đầu tư, phát triển công nghệ và nghiên cứu thị trường.

VCBS dự báo giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng giá thấp trong nửa cuối năm 2022 do nhu cầu thép chưa hồi phục do thị trường nhà ở chưa có dấu hiệu ấm lên khi số nhà xây mới liên tục sụt giảm. Các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu; giá nguyên, nhiên vật liệu giảm mạnh trong nửa cuối 2022 hỗ trợ quá trình giảm giá bán.

Bên cạnh đó, thuế tự vệ của Việt Nam với ngành thép và chính sách hủy bỏ hoàn thuế xuất khẩu thép của Trung Quốc đã làm độ tương quan giữa thép thanh xây dựng giữa Trung Quốc và Việt Nam giảm đi đáng kể do đã tạo nên một hàng rào chắn lưu thông thép giữa hai quốc gia.

VCBS kỳ vọng giá thép có thể hồi phục trong nửa cuối 2023 sau khi giảm về mặt bằng giá thấp hơn hiện tại, nguyên nhân đến từ việc các chính sách kích thích cần thời gian để thể hiện rõ tác động giúp vực dậy nhu cầu đang rất yếu của thị trường Trung Quốc.

Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị

ĐỌC THÊM