Mặc dù công suất ngành thép Việt Nam đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước nhưng nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu, trong đó nguồn nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Đáng nói là hiện giá sắt thép thế giới liên tục giảm giá nhưng giá các sản phẩm tại Việt Nam vẫn chưa có động thái giảm.
Lý giải nguyên nhân giá bán thép trong nước không giảm, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa cho biết, giá thép cao là do chi phí đầu vào tất cả các nguyên liệu từ quặng sắt, điện cực graphite, than cốc, thép phế liệu… đều tăng; đặc biệt ngành thép Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu thế giới. Khi giá nguyên liệu thế giới tăng khiến giá thép thành phẩm tăng tương ứng.
Đề xuất thành lập Quỹ Bình ổn giá thép là không phù hợp
Mới đây tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với các DN sản xuất thép, đã có ý kiến đề xuất nên thành lập Quỹ Bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép. Tuy nhiên đề xuất này đã gặp nhiều ý kiến phản đối của chuyên gia kinh tế và của cả DN sản xuất thép.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh phân tích, Quỹ bình ổn là một trong những công cụ vận hành theo Luật Quản lý giá nhưng mặt hàng thép không thuộc danh mục hàng hóa được bình ổn theo luật nên việc đề xuất xây dựng Quỹ Bình ổn giá thép không phù hợp. Theo ông Ánh, thị trường thép đã hoạt động cạnh tranh từ nhiều năm nay thì hiện không có lý do gì mà can thiệp vào thị trường cũng như giá thị trường thông qua những công cụ của Nhà nước, kể cả Quỹ bình ổn. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long nêu rõ, việc giá thép tăng mạnh trong thời gian qua là do Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu Trung Quốc tăng giá, chi phí vận tải cũng tăng vì vậy việc lập Quỹ bình ổn không phù hợp với các nguyên nhân gây ra bất ổn về giá thép. Quan trọng hơn cả đề xuất lập Quỹ bình ổn vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường, không phù hợp với bản chất nguyên nhân làm biến động giá thép trong thời gian qua.
Không chỉ các chuyên gia kinh tế phản đối việc thành lập Quỹ Bình ổn giá thép mà ngay cả DN sản xuất thép cũng không đồng tình việc thành lập quỹ này. Nguyên nhân là do giá thép đang cao, nếu đóng tiền thành lập quỹ thì người tiêu dùng “gánh hết”.
Biện pháp lâu dài và khả thi để bình ổn thị trường sắt, thép trong nước là Chính phủ cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các DN sản xuất thép tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu qua đó hạn chế sự tăng giá thép.
"Theo quy định hiện hành, ngay cả những mặt hàng đang thuộc diện bình ổn giá cũng không được phép lập quỹ, trừ mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chiến lược, liên quan đến an ninh quốc gia. Hiện với ngành thép, việc cạnh tranh đã đầy đủ và không có đơn vị nào chiếm thế độc quyền, việc lập Quỹ Bình ổn giá sẽ vi phạm các cam kết quốc tế chưa kể trái Luật Ngân sách và thể chế định giá trong nền kinh tế thị trường." - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) |
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị