Bất động sản đóng băng, hoạt động xây dựng đình trệ, đã khiến hàng loạt các DN, đại lý kinh doanh thép xây dựng lâm vào tình trạng khủng hoảng do không tiêu thụ được hàng. Thị trường thép xây dựng tiếp tục ảm đạm nhưng...
Thị trường ảm đạm, giá vẫn tăng
Theo thống kê của ngành thép, năm 2011 sức tiêu thụ thép xây dựng liên tiếp giảm mạnh, kể từ quý II/2011 khiến lượng hàng tồn kho lên đến 900.000 tấn, kéo theo hệ lụy khó hồi phục của ngành trong năm 2012.
Tồn kho, thép chất đống, ế ẩm là những tồn tại đang diễn ra ở các đại lý cửa hàng bán thép xây dựng trên địa bàn Hà Nội.
Chị Lục Thị Chi, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và xây dựng Hà Nội, trên đường Phan Trọng Tuệ, đại lý cấp 1 của Nhà máy thép Việt Ý không khỏi buồn bã chia sẻ: Từ đầu năm đến nay hầu hết các DN, đại lý kinh doanh thép xây dựng đều ế ẩm, “chết” theo bất động sản. Cùng thời điểm này những năm trước, mỗi tháng công ty chị bán được cả 100 tấn thì đến nay mỗi tháng chỉ tiêu thụ được 20-30 tấn, lượng tồn kho nhiều, không kịp tiêu thụ dẫn đến tình trạng nợ lương công nhân…
Cùng kinh doanh vật liệu xây dựng như chị Chi công ty của bà Lê Thị Phương, ở Văn Điển cũng nằm trong tình trạng “thoi thóp” vì các công trình xây dựng đang “chìm lắng” chưa trả được tiền hàng. Bà Phương, cho hay: “đến nay, bà vẫn chưa thu hồi được số vốn 100 tấn thép mà công ty xuất cho các công trình xây dựng. Vốn chưa thu hồi được cộng thêm lãi suất ngân hàng cao, công ty bà đang đứng trước vực thẳm khi kinh doanh ngày càng trì trệ, mà mỗi tháng vẫn phải trả ngân hàng đều đặn”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường sắt thép đang diễn ra một nghịch lý. Đó là khi sức tiêu thụ trên thị trường giảm thì giá thép những tháng đầu năm lại liên tục tăng. Trong các tháng 2, 3, 4, trung bình mỗi tháng giá thép tăng 100 nghìn đồng/tấn. Khó khăn chồng chất khó khăn đối với các DN kinh doanh thép.
Anh Hoàng Văn Hải, giám đốc một công ty kinh doanh thép ở Hà Đông, thở dài, cho biết: “Giá thép tăng liên tục, khiến lượng hàng tiêu thụ ngày càng kém. Một số khách hàng quen đã bỏ công ty anh đến các đại lý thép khác mặc dù biết sản phẩm thép đó là chất lượng kém hơn nhưng bù lại giá của những loại thép đó rẻ, phù hợp với túi tiền…”.
Phản ánh về thực trạng thị trường sắt thép ế ẩm này, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng Thái Hoàng, ở Cầu Giấy, cho hay: “Do thiếu vốn nên hầu hết các công trình xây dựng đều phải dừng lại. Nếu thời điểm này năm trước có 10 công trình xây dựng lớn nhỏ, thì đến nay chỉ còn 3… Thị trường xây dựng ọp ẹp, dẫn đến thị trường thép xây dựng chìm theo là điều tất yếu”.
Chịu lỗ vẫn không “xả” được hàng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kinh doanh ế ẩm, nhiều công ty, đại lý kinh doanh thép chấp nhận ngoài việc bán giá gốc, còn khuyến mại thêm công vận chuyển. Nhưng thực tế việc tiêu thụ vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Anh Lê Văn Tiến, Chủ đại lý kinh doanh thép trên đường Giải Phóng kể đầu năm mượn được số tiền lớn của người bà con nên chót lấy hàng với số lượng lớn. Tính đến nay mỗi tháng đại lý của anh chỉ bán được khoảng 10 tấn, mặc dù anh đã dùng đủ mọi cách để kích cầu thị trường như chịu lỗ bán hàng bằng giá nhập ở công ty hay như khuyến mại chi phí vận chuyển…
Đại lý vật liệu xây dựng của anh Lê Xuân Giang ở 234 đường Ngọc Hồi, sau một thời gian kích cầu thị trường bằng các chiêu giảm giá, khuyến mại không hiệu quả, anh đành chấp nhận bán lại hàng chục tấn thép xây dựng với giá thấp, chuyển sang kinh doanh thép ống phục vụ cho việc làm lan can, dậu hoa… Tuy nhiên tình hình không mấy khả quan.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, lý giải việc giá thép tăng là bởi: “Mặc dù thị trường tiêu thụ ảm đạm nhưng giá thép những tháng gần đây liên tục tăng là do giá phôi nhập khẩu tăng cao, cộng thêm việc các DN xăng dầu liên tục tăng giá… nên buộc các DN thép phải tăng giá để bù chi phí đầu vào”.
Cũng theo ông Nghi việc tăng giá ở mức 100 nghìn đồng/tấn của một số DN thép trong thời gian vừa qua là ở mức bình thường. Để bù chi phí đầu vào DN có thể tăng giá thép ở mức 500-700 nghìn đồng/tấn, tuỳ theo chủng loại và thương hiệu.
Các chuyên gia dự đoán thị trường thép những tháng tới sẽ ấm dần lên nhờ các chính sách kích cầu của chính phủ và chính sách giảm lãi suất vay vốn của ngân hàng; mặc dù tính đến nay lượng thép tiêu thụ bị sụt giảm 10% so với cùng thời điểm này năm trước.
Nguồn tin: VEN