Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm qua tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 10%, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 12-13%, trong đó tính đến thời điểm cuối năm, các tín dụng như VND tăng 10,2%; ngoại tệ tăng 18,7%; lĩnh vực sản xuất tăng 15,7%; lĩnh vực phi sản xuất giảm 20%. Để đạt được kết quả trên, các mức lãi suất điều hành đã được điều chỉnh. Từ tháng 9-2011, lãi suất tái cấp vốn tăng lên 15%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng lên 16%/năm. Mặc dù trong tháng 10-2011, lãi suất thị trường liên ngân hàng có áp lực tăng, nhưng tính đến trung tuần tháng 12-2011 lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 14-14,5%/năm; 1 tuần ở mức 15-16%/năm; 2 tuần ở mức 16-17%/năm; 1 tháng ở mức 18-19%/năm.
Lãi suất huy động và cho vay VND luôn ở mức cao. Ảnh: Chí Lâm |
Trở lại những tháng đầu năm đến tháng 9-2011, lãi suất huy động và cho vay VND luôn ở mức cao do nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã "lách" quy định của NHNN nên có lãi suất huy động cao hơn 14%/năm. Lãi suất huy động cao, các DN phải vay vốn với lãi suất khoảng 26-27%/năm, dẫn đến tình trạng nhiều DN bị đình trệ sản xuất. Theo VCCI, tính đến hết năm 2011 đã có gần 50.000 DN phá sản, ngưng hoạt động hay sáp nhập. Và có một thực tế là mặc dù lãi suất của một số chương trình cho vay ưu đãi với một số ngành nghề và ở một số NHTM quốc doanh có tính thanh khoản tốt, đóng vai trò đầu tàu trong việc giảm lãi suất cho vay, nhưng vào thời điểm cuối năm 2011 các DN vừa và nhỏ vẫn phải chịu mức lãi suất trung bình 20-23%/ năm. Hiện nay, nhiều ngân hàng đang trở lại "cuộc đua" lãi suất và trần lãi suất huy động lại tiếp tục được các TCTD "lách", nên đã vượt 14%/năm… Nhiều người nghi ngại, không biết năm nay các ngân hàng sẽ hạ lãi suất cho vay ra sao?
Cùng với lãi suất, năm qua NHNN tăng tỷ giá giữa USD và VND từ 18.932 VND lên 20.693 VND và thu hẹp biên độ giao dịch từ ± 3% xuống ±1%. Sau đó, tỷ giá ngoài thị trường tự do đã có biến động mạnh, một số thời điểm đẩy tỷ giá lên mức 22.000 VND/USD. Tuy nhiên, sau đó áp lực tỷ giá USD/VND đã giảm, thị trường ngoại hối đã ổn định và không gây ra những biến động lớn. Nhiều thời điểm, tỷ giá thị trường tự do giảm thấp hơn so với thị trường chính thức, tỷ giá liên ngân hàng cũng giảm. Sự ổn định trên là do việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kết hợp với thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trong nước, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của tổ chức và cá nhân tại TCTD đã góp phần làm giảm tình trạng đô la hóa, tăng niềm tin vào VND. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2011, với mức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đạt xấp xỉ 19% và tiền gửi tăng khoảng 8% so với đầu năm, cho thấy tình trạng đô la hóa vẫn tồn tại.
Trước thực tế hoạt động của thị trường tiền tệ, việc tái cấu trúc NHTM đã được đặt ra. Đầu tháng 12-2011, việc NHNN đã đồng ý hợp nhất 3 NHTM CP là: Tín Nghĩa, Đệ Nhất và Sài Gòn và một số NHTM khác cũng đang trong tầm ngắm của NHNN để tiếp tục tái cấu trúc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà thị trường chờ đợi ở NHNN là quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được tiến hành một cách minh bạch, công khai, để tạo ra một định chế tài chính mạnh hơn, tạo niềm tin cho người dân gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, ở nước ta, chỉ số lạm phát cùng mặt bằng lãi suất ở mức cao nhất trong khu vực đang chứng tỏ các nhà quản lý chưa hoàn toàn làm chủ được tình hình trên thị trường tiền tệ...
Với kết quả đã đạt được và những tồn tại trong năm qua sẽ giúp các nhà quản lý và hoạch định chính sách đưa ra quyết định, chỉ đạo thị trường tiền tệ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 diễn ra mới đây, lãnh đạo NHNN khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng 14-16%, tín dụng tăng 15-17%. Chính sách tiền tệ vẫn ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, nếu thị trường chưa ổn định, NHNN sẽ chưa bỏ quy định trần lãi suất tiền gửi, thậm chí có thể áp trần lãi suất tiền vay. Lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND và lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ có thể sẽ giữ nguyên như năm 2011. Với điều hành tín dụng, NHNN sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng và dư nợ mua trái phiếu DN phát hành lần đầu trong suốt năm tối đa 15-17%. NHNN sẽ chuyển đổi cơ cấu tín dụng hướng nhiều hơn vào khu vực sản xuất và kiểm soát chặt tỷ trọng dư nợ cho vay với lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý. Đặc biệt, sẽ triển khai toàn diện, đồng bộ đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư của nền kinh tế.
Nguồn tin: (HNM)