Nhận định về tác động của Nghị quyết 11 /NQ-CP và chính sách thắt chặt tiền tệ trong 7 tháng đầu năm 2011, TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và tin học ứng dụng cho rằng nền kinh tế và DN đã chịu sức ép nặng.
Tuy nhiên, do lạm phát vẫn còn ở mức cao và chưa có cơ sở để hạ nhiệt vào những tháng cuối năm, nên trong 5 tháng còn lại, chính sách tiền tệ cũng chưa dễ dàng nới lỏng. Trao đổi của TS Đinh Thế Hiển với DDĐN bên lề hội thảo “Ngân hàng và DN trước tác động của chính sách tiền tệ”, do VCCI và laisuat.vn phối hợp tổ chức mới đây.
- Một cách tổng quan, theo TS, đâu là những đặc điểm cần lưu ý của thị trường tiền tệ trong 5 tháng còn lại của năm 2011?
Theo Nghị quyết 11, tín dụng và cung tiền của thị trường tiền tệ còn khá lớn. Các NH sẽ được phép cho vay ra nền kinh tế khoảng 238 ngàn tỷ đồng, bình quân giải ngân khoảng 47,6 ngàn tỷ đồng/ tháng, gấp đôi tiến độ giải ngân 7 tháng đầu năm 2011. Tổng phương tiện thanh toán (M2) còn lại cũng lên tới gần 300 ngàn tỷ đồng, bình quân M2 tăng thêm đạt khoảng 59,5 ngàn tỷ đồng/ tháng, gấp gần 5 lần tiến độ giải ngân 7 tháng đầu năm 2011.
Do dư địa tín dụng và cung tiền còn rộng, nên trong những tháng còn lại, nguồn cung tiền từ thị trường tiền tệ sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế, và cũng có khả năng việc cung tiền nếu điều tiết hợp lý sẽ không sợ bị phá vỡ các chỉ tiêu của cả năm đã được hoạch định là tăng trưởng tín dụng 20% và M2 15-16%. Đây chắc chắn sẽ là những cơ sở để NHNN nghiên cứu những động thái mới, nhằm kéo giảm lãi suất tín dụng, tiếp sức cho DN và nền kinh tế mà không để tác động tăng vọt CPI và kéo theo lạm phát cao.
- Vậy cụ thể, ông dự đoán NHNN sẽ có những động thái gì nhằm hiện thực hóa những tuyên bố về định hướng giảm lãi suất xuống 17-19%?
Tân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng nói là cần rà soát và điều chỉnh lại Thông tư 13 và Thông tư 19 quy định về hoạt động cho vay của các NH. Tôi cho rằng việc rà soát này có thể dẫn đến những động thái cụ thể như: Có khả năng NHNN sẽ cho tăng tỷ lệ huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng từ mức quy định 20% vốn huy động, lên khoảng 30, thậm chí 40%. Điều này sẽ giúp vốn từ NH lớn chuyển sang NH nhỏ, giúp giảm căng thẳng và điều hòa vốn giữa các NHTM, qua đó lãi suất huy động sẽ hạ nhiệt dẫn đến lãi suất cho vay giảm. NHNN cũng có thể tăng dự trữ bắt buộc đi liền với trả lãi suất cho các khoản dự trữ bắt buộc một cách hợp lý hay xem xét đưa các khoản đầu tư trái phiếu vào tăng trưởng tín dụng để giảm mức cho vay trong những tháng còn lại.
- Việc ổn định tỷ giá thì sao, thưa ông? Nếu lãi suất VND giảm, thị trường ngoại hối sẽ “dễ thở” hơn, bớt căng thẳng và nguy cơ điều chỉnh tỷ giá lên tới 21.500 đồng quy đổi 1 USD như ông từng dự báo cũng sẽ không còn ?
Mặc dù Chính phủ và NHNN đang rất nỗ lực để ổn định thị trường ngoại hối, nhưng vẫn đang tồn tại những khó khăn cơ bản. Nếu những biện pháp để giảm lãi suất VND như tôi vừa dự đoán được đưa ra trong tháng 8, thì cũng khó có kỳ vọng lãi suất sẽ giảm xuống ngay, trong khi NHNN cũng chưa hẳn sẽ chọn giải pháp cung tiền ra trong quý 3, khi CPI tháng 7 vẫn ở mức cao. Và mặc dù tháng 7 kinh tế VN lần đầu tiên xuất siêu sau 28 tháng, nhưng tới tháng 8, với lượng vàng vừa nhập về tiêu tốn mấy trăm triệu USD, nhập siêu cao là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, các yếu tố như FDI chưa cải thiện, dự trữ ngoại hối vẫn khá thấp, cầu USD để trả nợ cuối năm của DN đang tăng lên (do dư nợ tín dụng ngoại tệ cao)..., thì rất khó nói là tỉ giá sẽ ổn định. Trong trường hợp USD phục hồi trên thị trường quốc tế và FDI vào VN không có gì đột phá, tôi dự đoán tỉ giá sẽ lên tới 22.000 VND/USD.
- Mới đây, có thông tin về việc Chính phủ đã phát tín hiệu nới lỏng tiền tệ, đưa bất động sản ra khỏi khu vực “phi sản xuất”. Điều này có tác động tới thị trường tiền tệ và nền kinh tế ra sao ?
Tôi cho rằng chưa có cơ sở để nới lỏng tiền tệ, đó là điều chắc chắn. Nếu nới lỏng tiền tệ lúc này thì hệ lụy cho nền kinh tế, với mức lạm phát khủng khiếp, là rất khó lường. Còn việc đưa bất động sản ra khỏi khu vực phi sản xuất để tạo điều kiện “giải cứu”, cung vốn cho một thị trường tài sản lớn, cần phải nhìn ở nhiều góc độ. Và chưa chắc việc nới lỏng tín dụng cho bất động sản sẽ có thể “kích” được bất động sản ấm trở lại. Lấy ví dụ đơn giản: Khoan bàn về tín dụng cho Cty bất động sản, ta bàn về tín dụng cho khách hàng – đầu ra của bất động sản. Ở VN, nguồn vốn góp cho một dự án bất động sản không chỉ đến từ vay NH, mà phần lớn còn từ vốn góp của khách hàng. Với lãi suất trung bình 22% (không tính lãi suất cho bất động sản), liệu có bao nhiêu khách hàng sẽ can đảm vay tín dụng góp vốn mua nhà, dự án? Và bao nhiêu NH sẽ duyệt xét hồ sơ cho vay tín dụng mua nhà, trong khi nợ xấu NH đang ngày càng tăng? Nếu trả lời được hai câu hỏi đó, sẽ thấy tín dụng cho bất động sản dù được nới lỏng, cũng chưa hẳn đã có tác động hay xoay chuyển lớn đối với thị trường này, cũng như với nền kinh tế nói chung.
- Xin cảm ơn ông !
Nguồn tin: DDDN