Mặc dù năng lực sản xuất của các DN tôn mạ mầu đã đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước nhưng hiện nay DN trong nước đang phải đối mặt với tôn Trung Quốc và một số vùng lãnh thổ chất lượng kém, giá rẻ đang ào ạt nhập khẩu.
Tuy nhiên Bộ Công Thương nên nhìn nhận khách quan trước khi áp thuế chống bán phá giá.
Tôn Việt lao đao với tôn nhập ngoại giá rẻ
Hiện cả nước có khoảng 15 DN quy mô lớn và một số cơ sở sản xuất tôn mạ màu với tổng năng lực sản xuất lên đến gần 1,9 triệu tấn, thế nhưng tiêu thụ nội địa chỉ gần 740.000 tấn, dư thừa trên 250%. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu tôn mạ phủ màu Trung Quốc tăng đáng kể. Cụ thể, trong năm 2013, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là 1.745.950 tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 37% và sản xuất trong nước chiếm 63%, năm 2016 kim ngạch nhập khẩu tôn mạ màu lên đến gần 500.000 tấn. Đại diện Công ty sản xuất và kinh doanh Minh Đức (khu làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì), một trong những DN tiêu thụ sản phẩm tôn mạ mầu cho biết: Tôn mạ mầu Trung Quốc luôn có giá thấp hơn tôn Việt Nam khoảng 30 - 31 %. Giá rẻ nên sức tiêu thụ tôn Việt Nam giảm mạnh.
Sản xuất tôn màu tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: Trần Việt
Tuy nhiên giá rẻ hơn cũng đồng nghĩa tôn mạ mầu Trung Quốc có chất lượng thấp hơn hàng Việt. Vì vậy nhiều cửa hàng trong quá trình tiêu thụ đã “hô biến” tôn Trung Quốc thành tôn Việt Nam. Tại cửa hàng kinh doanh tôn Lan Sáu tại ngõ 171 đường Trường Chinh khi tôi hỏi mua tôn Phương Nam bà chủ báo giá: 68.000 đồng/m2 loại 0,37mm, 72.000 đồng/m2 loại 0,40 mm. Bán tôn giá rẻ là thực trạng chung tại nhiều cửa hàng hiện nay. Thậm chí một số cửa hàng giá còn rẻ tới bất ngờ khi loại loại tôn 0,37 mm chỉ 65.000 đồng/m2, loại 0,40 mm chỉ 70.000 đồng/m2... Và nếu mua nhiều, có xe vận chuyển hàng tận nơi. Trong khi báo giá của công ty Tôn Phương Nam thì tôn 0,37mm là 93.000 đồng/m2, loại 0,40mm là 120.000 đồng/m2…
Cần cân nhắc áp thuế tự vệ
Trước thực trạng tôn mạ nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến các DN và người tiêu dùng, nhằm bảo vệ hàng sản xuất trong nước một số DN tôn thép đã quyết định khởi kiện chống bán phá giá; Đề nghị Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp tự vệ chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ mầu Trung Quốc.
Việc các DN hoạt động sản xuất trong lĩnh vực tôn mạ mầu khởi kiện chống bán phá giá, bảo vệ hàng sản xuất trong nước là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra Bộ Công Thương cần cân nhắc bởi nếu áp thuế chống bán phá giá mức độ cao có thể sẽ khiến người tiêu dùng, DN sử dụng tôn mạ mầu phải mua hàng giá cao. Theo ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam: Mặc dù công suất của các DN sản xuất tôn mạ mầu đã vượt nhu cầu thị trường, thế nhưng sản phẩm này chủ yếu phục vụ thị trường xây dựng, chưa đáp ứng được nhu cầu cho các chuyên ngành nâng cao như sản xuất đồ gia dụng, vỏ thiết bị điện tử gia dụng. Đây là một trong những lý do khiến các DN phải nhập khẩu tôn mạ mầu Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài ra, DN sản xuất tôn mạ mầu Việt Nam quy mô nhỏ vẫn đang phải đối mặt với sự canh tranh của một số DN có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn. “Nếu Bộ Công Thương áp thuế tự vệ cao, lượng tôn nhập khẩu giảm sẽ tạo cơ hội cho DN quy mô lớn ngày càng phát triển còn DN quy mô nhỏ vẫn tiếp tục lẹt đẹt, thua lỗ. Và trong quá trình đó, chịu thiết thòi nhiều nhất không chỉ có DN trong nước mà còn là người tiêu dùng khi phải mua hàng giá cao” - ông Đào Phan Long phân tích.
Thực tế trên cho thấy, khi xem xét việc áp thuế chống bán phá giá, Bộ Công Thương nên cân nhắc mức độ áp thuế sao cho phù hợp với DN sản xuất và DN nhập khẩu. Bên cạnh đó, chính bản thân ngành thép không nên chỉ sản xuất tôn mầu phục vụ xây dựng mà nên đầu tư sản xuất tôn mầu chuyên ngành nâng cao, qua đó góp phần giảm nhập khẩu tôn mầu từ một số thị trường.
Nguồn tin: KT&ĐT