Lượng tôn giả, tôn nhái được cho là đang chiếm đến 20% thị phần, ước tính gây thiệt hại cho là nền kinh tế khoảng 1.300 tỷ đồng mỗi năm.
Hỗn loạn thị trường
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 10 tháng năm 2014, ngành tôn, thép Việt Nam mới phát huy được 60% năng lực và phải xuất khẩu một số lượng lớn (664 ngàn tấn) mới tiêu thụ hết số hàng sản xuất trong nước. Trong khi cũng trong chừng đó thời gian, các công ty thương mại đã nhập về một con số tương đương (khoảng 500 ngàn tấn) tôn các loại, chủ yếu từ Trung Quốc về tiêu thụ trong nước.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp hết sức lo ngại cho “sức khỏe” của doanh nghiệp ngành tôn, thép trong nước khi phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh trong bối cảnh mà thép, tôn ngoại nhập khẩu dễ dàng lợi dụng quy định về thép hợp kim (chỉ có hàm lượng kim loại Bor rất thấp) để trốn thuế và trong tình trạng công nghệ sản xuất tôn, thép trong nước còn lạc hậu, giá thành còn cao.
Con số mà Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý thị trường công bố về tình trạng gian lận thương mại trong lĩnh vực tôn, thép cho thấy tình hình còn nghiêm trọng hơn. Theo đó, trong 10 tháng năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện xử lý tới hơn 80 ngàn vụ vi phạm, xử phạt và nộp ngân sách 325,5 tỷ đồng. Cũng trong 10 tháng năm 2014, cơ quan hải quan đã bắt giữ 64,5 ngàn tấn tôn thép các loại mà các đối tượng vi phạm khi nhập khẩu về Việt Nam đã khai sai tên hàng hóa và mã số HS để gian lận, trốn thuế.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen ngán ngẩm cho biết, trong 10 tháng năm 2014, doanh nghiệp của ông đã giảm 2,6% thị phần do tôn nhái, tôn giả. Việc giảm thị phần tương đương Tập đoàn Hoa Sen sụt giảm sản lượng 45 ngàn tấn, lãi gộp bị mất khoảng 118 tỷ đồng.
“Móc túi” người tiêu dùng
Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, môi trường kinh doanh bị vẩn đục, cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức gian dối vừa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, vừa triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chân chính trong nước, kéo theo sự suy giảm cả ngành công nghiệp tôn, thép và dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế.
Theo ông Vũ, mua phải mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt khoảng 4.000-6.000 đồng. Với một ước tính thận trọng thì khoảng 20% thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái, tương đương khoảng 346 ngàn tấn (tổng sản lượng của ngành tôn năm 2014 ước tính là 1,73 triệu tấn), tính ra mét là 98,8 nghìn mét tôn.
“Lấy bình quân 1 mét tôn cân nặng 3,5kg thì số tiền thiệt hại ít nhất là 4.000 đồng/mét x 98,8 nghìn mét sẽ ra con số là 394 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn cho thấy tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào tới quyền lợi người tiêu dùng”- ông Vũ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép còn chỉ ra rằng, không những người tiêu dùng bị “móc túi”, vấn nạn tôn, thép nhái, giả còn khiến chất lượng các công trình xây dựng không được đảm bảo, có thể đe dọa đến tính mạng con người, vì thế cơ quan nhà nước cần có những biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn, dẹp bỏ vấn nạn này.
Cục Quản lý thị trường cho biết, hiện tượng hàng giả, hàng nhái trong mặt hàng tôn thường được biểu hiện bằng nhiều thủ đoạn như: in nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín trong ngành thép in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; nhập hàng Trung Quốc chất lượng kém rồi in nhãn mác thương hiệu có uy tín tại Việt Nam để tiêu thụ, đặc biệt là gian lận độ dày tôn…
Theo tìm hiểu của PLVN, không phải cơ quan chức năng chưa có nhiều công cụ để kiểm soát chất lượng mặt hàng tôn, thép nhập khẩu. Giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Thông tư liên tịch số 44 quy định về vấn đề này.
“Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát chất lượng đối với mặt hàng này, do việc quy định biên độ co giãn giữa các chỉ số chất lượng của các sản phẩm thép là quá lớn nên cũng là một kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng gian lận về chất lượng khi đưa vào tiêu thụ trong thị trường nội địa. Ngoài ra, việc áp mã để tính thuế đối với mặt hàng tôn nhập khẩu hiện nay và vấn đề ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu cũng còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được xử lý”- ông Trần Việt Hưng, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết.
Nguồn tin: Pháp luật