Tình trạng ngành tôn, thép Việt Nam mấy năm gần đây thực sự ở cảnh “giữa muôn trùng vây”. Xuất khẩu ra nước ngoài thì bị kiện và áp thuế chống bán phá giá, trong khi thị trường nội địa thì bỏ ngỏ cho tôn Trung Quốc hoành hành.
Trong tháng 9 vừa qua, nhiều DN tôn, thép trong nước choáng váng bởi liên tiếp các vụ kiện chống bán phá giá đối với tôn, thép nhập khẩu từ Việt Nam được các nước khởi xướng. Đây đều là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Đã đến lúc doanh nghiệp (DN) phải đồng lòng tìm lại vị trí xứng đáng của mình ở thị trường trong nước, và cũng đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước phải sát cánh cùng DN trong “cuộc chiến” này.
Trong 3 năm gần đây, ngành hàng tôn lạnh và tôn phủ màu của Việt Nam đã tìm được đường ra với các nước trong khu vực, đã được chấp nhận về chất lượng và mẫu mã.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Indonesia bắt đầu áp thuế tự vệ đối với sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam bằng tiền rupial, khoảng 430 USD/tấn tương đương khoảng 50% so với giá bán trong năm đầu tiên, đến năm thứ hai khoảng 371 USD tấn tương đương khoảng 43% so với giá bán và đến năm thứ ba là 312 USD/tấn tương đương khoảng 36% so với giá bán. Với mức thuế này, giá thép Việt Nam lên tới hơn 1.000 USD/tấn, quá cao để có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc và các nước khác.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, Malaysia hiện là một trong ba thị trường xuất khẩu tôn chủ lực hiện nay của các DN trong nước ba năm gần đây, chỉ xếp sau Thái Lan và Indonesia.
Đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) cũng vừa quyết định tạm thời áp thuế chống bán phá giá đối với các nhà xuất khẩu từ Việt Nam dao động 5,68% - 16,45%, áp dụng từ ngày 26-9-2015 đến 23-1-2016. Malaysia hiện là một trong ba thị trường xuất khẩu tôn chủ lực của các DN trong nước, chỉ xếp sau Thái Lan và Indonesia.
Với những diễn biến này, con đường xuất khẩu của các DN đang dần dần hẹp lại. Trao đổi với PV Báo CAND bên lề một cuộc hội thảo về ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, dù chưa nghiêm trọng đến mức mất hết thị trường xuất khẩu, nhưng khó khăn là rất lớn.
Do thị phần trong nước bị thu hẹp đến 20% trong 2 năm vừa qua, hiện 5 DN lớn nhất trong ngành tôn là Tập đoàn CP Hoa Sen, Tôn Đông Á, Tôn Phương Nam, China Steel Sumiki VN và Nam Kim đã coi việc xuất khẩu là thiết yếu nhằm giải phóng hàng tồn. Dự kiến sản lượng sản xuất trong năm nay vào khoảng 2,8 triệu tấn, thị trường trong nước tiêu thụ tầm 1,8 triệu tấn, phần dư ra 1 triệu tấn kia buộc phải tìm đường xuất khẩu.
Khi cánh cửa này cũng dần dần đóng lại, thì lựa chọn duy nhất của các DN là quay trở lại thị trường nội địa, giành lại thị phần xứng đáng từ tôn thép Trung Quốc. Và cuộc chiến này không thể không có sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép, viễn cảnh cho ngành này trong ngắn hạn và dài hạn không hề tươi sáng, khi Việt Nam sát vách Trung Quốc – vốn đang thừa mứa thép sau thời gian kinh tế phát triển quá nóng, giờ chững lại. Thép Trung Quốc đổ dồn sang thị trường các nước khác, nhưng nhiều khu vực như EU, Mỹ… đã nhanh chóng “be bờ, đắp đập”, dựng nên các hàng rào thương mại, hàng rào kỹ thuật để chặn làn sóng này. Chỉ riêng có Việt Nam vẫn đang bỏ ngỏ, và vô tình trở thành vùng trũng, là điểm đến lý tưởng hơn bao giờ hết của các dòng thép giá rẻ này.
Trên thị trường, tôn, thép Trung Quốc được bán dưới nhiều dạng, công khai cũng có, giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam cũng có. Tuy nhiên, đến nay, cả các DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa làm gì để bảo vệ quyền lợi sát sườn của mình.
Trao đổi với chúng tôi, một đại diện Bộ Công Thương cho biết các DN kêu khó rất nhiều, rất muốn tăng thuế, nhưng lại muốn tăng luôn, mà không chịu củng cố chứng cứ để tiến hành điều tra tự vệ thương mại, chống bán phá giá; trong khi các cam kết quốc tế hiện nay không cho phép Nhà nước muốn tăng thuế thế nào thì tăng. Ngược lại, các DN cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước đã chưa làm tròn trách nhiệm khi để tôn, thép giả, nhái bày bán tràn lan mà không được xử lý, cũng như chưa chìa tay ra với DN, hướng dẫn đường đi nước bước để tiến hành các vụ kiện, bảo vệ sản xuất trong nước.
Thành lập đoàn kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phôi thép hợp kim giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhanh, tác động xấu đến sản xuất trong nước. Đáng nói hơn, có thông tin một số DN hiện đang cố tình gian lận, khai sai mã nhập khẩu để hưởng chênh lệch thuế suất. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Hải quan, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam tính đến cuối tháng 9 là hơn 1,135 triệu tấn với trị giá trên 421 triệu USD, tăng đến 290 lần so với cùng kỳ 2014, riêng lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 75% lượng nhập của cả nước. Theo ước tính của Hiệp hội, chỉ trong 2 tháng 8 và 9 năm nay, ngân sách đã thất thu trên 1,89 triệu USD vì DN gian lận khai là thép chứa Crom để hưởng mức thuế 0% hay vì 9%. Dưới sức ép nhập khẩu, hiện các DN Việt Nam chỉ sản xuất khoảng 60% công suất và có thể sẽ còn thấp hơn, gây thua lỗ nặng. Trước kiến nghị này, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép hợp kim chứa Bo, Crom của các DN nhập khẩu, bao gồm số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng. |
Nguồn tin: Công an nhân dân