Niềm tin thị trường thép trong nước đã suy yếu trở lại sau khi HRC và CRC để mất đà tăng. Nhiều thương nhân sợ sẽ có một cuộc khủng hoảng tín dụng vào tháng 06 và các nhà máy đang rất chật vật để kiếm được lợi nhuận.
Một nhà máy ở miền đông cho biết các nhà sản xuất nhìn chung đã quay trở lại tình trạng khó khăn trong tháng này nhưng vẫn không có ý định cắt giảm bớt sản lượng. Ông cho biết các ngân hàng hiện nay không muốn cho vay thậm chí là đối với các nhà máy nhà nước, vì vậy họ phải tiếp tục hoạt động với công suất 100% trong một nỗ lực nhằm duy trì dòng tiền mặt.
Công ty của ông đã bị thua lỗ nặng nề hồi tháng 02 do một lò nung đã bị ngưng hoạt động vì trục trặc kỹ thuật. Nhưng điều này cho thấy tại sao các nhà máy phải tiếp tục hoạt động ngay cả khi bị lỗ vì việc tạm ngưng lò nung sẽ chỉ khiến mức thua lỗ tăng lên mà thôi. “Những ai giảm sản lượng đầu tiên sẽ là người chết trước”, ông nói.
Ông cũng cảnh báo rằng tại những nhà máy trước đây có thể luôn đảm bảo nhận đủ các đơn đặt hàng bằng cách hạ giá xuống bớt nhưng năm nay là rất khó và cho dù họ có giảm giá bao nhiêu đi nữa thì người mua trực tiếp vẫn rất thờ ơ. Nhiều thương nhân cũng giảm bớt năng lực thu mua vì gặp vấn đề về thanh khoản cộng thêm với việc không thể dự trữ quá nhiều. Kết quả là, công ty ông có lẽ sẽ không đạt được doanh số kế hoạch cho đơn hàng tháng 04 mặc dù đang vào mùa tiêu thụ cao điểm.
Ông này dự báo sản lượng thép sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao trong năm nay nhưng do chính phủ không thể thông báo bất kỳ biện pháp kích thích kinh tế thực sự nào nên rốt cuộc một số nhà máy sẽ bị đào thải khỏi thị trường trong 2-3 năm tới.
Trong khi đó, các thương nhân đang phải tập trung vào những vấn đề ngắn hạn. Do nhiều thương nhân phải thanh toán các khoản vay vào tháng 06 và 07 tới nên nhiều vụ vỡ nợ có thể càng gây ảnh hưởng xấu đến thị trường vốn đang rất èo uột. Các thương nhân ở Thượng Hải và Quảng Đông cho biết tất cả họ có thể làm để tránh rủi ro là hạn chế đến mức thấp nhất lượng hàng dự trữ.
Nguồn tin: Satthep.net