Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường tuần qua, hàng hóa đua tăng giá

Hàng loạt mặt hàng từ gạo, thịt, đường, sữa cho tới thép tuần qua đồng loạt tăng giá với biên độ khá lớn. Thực trạng này đang và sẽ kéo theo vô số hệ lụy khác.

Giá thép tiếp tục tăng 300.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, lượng thép vẫn đang còn tồn khối lượng lớn (đến cuối tháng 11 còn khoảng 225.000 tấn). Cụ thể, giá thép cuộn tại thị trường TPHCM lên 12,3 triệu đồng/tấn, thép cây 12,1 triệu đồng/tấn.

Thông tin từ Hiệp hội Thép VN cho thấy, giá phôi thép thế giới hiện đang tăng từ 5 - 10 USD/tấn, lên 470 - 480 USD/tấn, cộng với chi phí vận chuyển, tỉ giá USD tăng nên giá thép bán ra của các nhà máy cũng phải tăng.

Tuy nhiên, lượng thép vẫn đang còn tồn khối lượng lớn (đến cuối tháng 11 còn khoảng 225.000 tấn). Thép nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, Indonesia hiện khoảng 55.000 tấn/tháng, với mức giá bán thấp hơn thép trong nước từ 500.000 - 700.000 đ/tấn.


Doanh số ôtô nội tháng 11 đạt cao nhất từ đầu năm. (Ảnh: VNN)

Ôtô “nội” lập kỷ lục. Tăng gần 500 chiếc so với tháng 10, doanh số của các loại ôtô lắp ráp trong nước tháng 11/2009 đã thiết lập kỷ lục mới với 12.259 chiếc được bán ra. Đây là tháng các thành viên VAMA đạt sản lượng bán hàng cao nhất kể từ đầu năm.

So với cùng kỳ 2008, mức tăng trưởng càng đáng nể khi tăng đến 132% (12.259 chiếc so với 5.286 chiếc). Bên cạnh lý do sức mua cuối năm tăng mạnh thì nguyên nhân về thuế có ảnh hưởng chủ yếu đến đà tăng trưởng của thị trường ôtô “nội” thời gian qua.

Theo lộ trình, từ 1/1/2010, thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ đối với ôtô sẽ tăng trở lại mức cũ là 10% và 12%. Thậm chí tại một số địa phương, lệ phí trước bạ còn có thể tăng lên mức tối đa theo quy định là 15%. Vì vậy, đây là thời điểm nhiều người dân tranh thủ mua xe trước khi thuế và phí tăng trở lại mức cũ.

Sữa nội ’tạm thời’ tăng giá tới... 15%. Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, với việc giá sữa nguyên liệu nhập khẩu, giá đường, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, đáng lý ra mức tăng giá các sản phẩm đợt này phải vào khoảng 35-40%. Mức tăng thực tế từ 6-15% từ nay đến đầu năm 2010 như vậy mới chỉ là “tạm thời”.

Giá gạo tiếp tục nhích thêm. Gạo tẻ thường tại Hà Nội, An Giang và Bến Tre tăng thêm 500đ, hiện ở mức 9.000 đ/kg tại An Giang, 9.500 đ/kg tại Bến Tre và Hà Nội là 10.000 đ/kg. Tại Cần Thơ hiện giá cũng ở mức 9.500 đ/kg ( tăng 300đ), TP. HCM tăng 250đ lên mức 11.000 đ/kg…


Thị trường gạo tuần qua tiếp tục biến động. (Ảnh: baohaugiang)

Tương tự, gạo nguyên liệu tuần qua cũng tăng thêm 800đ tại Bến Tre lên mức 8.800 đ/kg (giá bán buôn), Đồng Tháp tăng 300đ lên mức 7.800 đ/kg, tại Kiên Giang tăng 500đ lên 7.000 đ/kg, tại Tiền Giang tăng 600đ lên mức 8.700 đ/kg.

Thịt và thực phẩm giữ đà tăng giá. Thịt lợn hơi trên 80kg tại An Giang và Bến Tre giá bán buôn tăng thêm 1.000đ, hiện ở các mức giá 32.000 đ/kg và 31.000 đ/kg; theo đó tại Cần Thơ giá bán lẻ hiện cũng đang ở 32.500 đ/kg, Đà Nẵng 35.000 đ/kg. Thịt mông sấn bán lẻ tại Đà Nẵng tăng 500đ lên 65.000 đ/kg, tại Hà Nội tăng mạnh tới 3.000đ lên 55.000 đ/kg.

Giá thịt bò đùi cũng tăng mạnh tại 3 thành phố lớn là Cần Thơ, Hà Nội và TP.HCM với các mức 118.000 đ/kg tại Cần Thơ (tăng 4.500đ), tại Hà Nội là 122.500 đ/kg (tăng 2.500đ), tại TP. HCM là 125.000 đ/kg (tăng 2.500đ).

Giá đường bị đẩy lên cao. Giá thành sản xuất chỉ từ 11.000 - 11.500 đ/kg đường nhưng giá bán buôn của các nhà máy tới 15.500 - 16.000 đ/kg; giá bán lẻ đến người tiêu dùng lên 20.000 đ/kg.

Thị trường đường tiếp tục căng thẳng. Hiện giá đường vẫn đang đà tăng, khiến nhiều người lo ngại, nhất là các đơn vị sản xuất bánh kẹo, sữa... Hôm 10/12, tại chợ Bình Tây (Q.6- TP.HCM), giá đường Biên Hoà tăng thêm 200 đ/kg với giá bán sỉ lên đến 18.600 đ/kg.

Giới kinh doanh đường cho hay, giá đường thế giới hiện chỉ khoảng 600 USD/tấn, tính đầy đủ các chi phí vận chuyển, thuế... thì giá thành nhập khẩu chỉ khoảng 13.000 đ/kg.

Giá đường trong nước hiện nay cao hơn thế giới từ 4.000 - 5.000 đ/kg nên các doanh nghiệp sử dụng nhiều đường nguyên liệu rất muốn nhập khẩu, nhưng đây là mặt hàng muốn nhập phải có quota nên không phải lúc nào cũng được nhập.


Giá đường vẫn căng thẳng. (Ảnh: SGGP)

Theo nhận xét của nhiều người am hiểu thị trường, giá đường trong nước tăng cao ngay cả trong thời điểm nguồn cung dư thừa là do các nhà sản xuất đường cũng như giới kinh doanh vẫn muốn kìm giá để tiêu thụ hết lượng đường dự trữ trước đây với giá cao.

Thực tế là ngay cả khi giá mía nguyên liệu có lên đến 1.000 đ/kg cũng không thể đẩy giá đường lên chót vót như hiện nay. Bởi cứ 10 kg mía nguyên liệu sẽ sản xuất được 1kg đường.

Xuất khẩu là lối thoát cho ngành xi măng. Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tổng số dây chuyền sản xuất xi măng ở Việt Nam năm 2009 là 105, với tổng công suất thiết kế hơn 61 triệu tấn, ước tính sản xuất 50 triệu tấn.

Năm 2008, Việt Nam tiêu thụ xấp xỉ 40,1 triệu tấn xi măng, năm 2009 tiêu thụ khoảng 44 - 45 triệu tấn. Dự báo tiêu thụ xi măng trong năm 2010 sẽ tăng thêm 4 - 5 triệu tấn, lên 48 - 50 triệu tấn.

Tính đến hết năm 2009, Việt Nam đứng trong “top” 10 quốc gia có sản lượng xi măng lớn nhất thế giới (Trung Quốc 1.370 triệu tấn/năm; Ấn Độ 160 triệu tấn/năm; Mỹ 113 triệu tấn/năm; Nhật Bản 68 triệu tấn/năm; Thái Lan 65,7 triệu tấn/năm; Tây Ban Nha 54 triệu tấn/năm, Braxin 52,9 triệu tấn/năm...).

Theo các chuyên gia, sản xuất xi măng là thế mạnh của Việt Nam, do đó việc xuất khẩu là cần thiết, hơn nữa xuất khẩu sẽ là cái van để điều tiết thị trường trong nước.

(Vietnamnet)

ĐỌC THÊM