Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường vật liệu xây dựng: Không tăng giá vào cuối năm?

- Cuối năm thường là thời điểm tăng giá của các loại vật liệu xây dựng (VLXD) do nhu cầu xây dựng tăng.

(Giađình)

Tuy nhiên hiện tại, giá nhiều loại vật liệu đã phá bỏ quy luật này. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng, cuối năm giá vật liệu sẽ không tăng, thậm chí sẽ giảm.
 
Nhiều loại vật liệu giảm giá
 
Thép là một trong những mặt hàng đang giảm giá mạnh.
 

Khác với nhận định của một số chuyên gia, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Hiện tại có một số loại VLXD giảm giá nhưng chỉ mang tính chất tạm thời, phản ánh quy luật cung cầu (cung vượt xa cầu), chứng khoán sụt điểm, gói kích cầu xây dựng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, trong một tháng tới thị trường sẽ có những diễn biến ngược lại do nhu cầu xây dựng sẽ tăng cao và giá thường lên theo cầu”.

Qua khảo sát thị trường VLXD đã có một số loại vật liệu giảm giá trong thời điểm cầu tăng mạnh. Hiện giá thép đã giảm từ 12,3 triệu đồng/tấn xuống 12 triệu đồng/tấn; Gạch ốp tường giảm từ 5.200 đồng/viên giảm xuống 5.000 đồng/viên; Gạch lát nền 400x400x9mm (hộp 6 viên) loại 1: 83.000 đồng/hộp, loại 2: 76.000 đồng/hộp (giảm từ 3.000- 6.000 đồng/hộp); Gạch nung cũng có mức giảm từ 100- 200 đồng/viên, hiện có giá bán từ 950 đồng/viên đến 1.000 đồng/viên; Giá cát sông giảm từ 220.000 đồng/khối, xuống còn 200.000 đồng/khối chở vào tận chân công trình; Cát vàng giảm từ 140.000 đồng/khối xuống còn 120.000 đồng/khối...

Bà Nguyễn Lan Hương, Giám đốc Cty TNHH Khải Minh (chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng) cho biết: “Người kinh doanh VLXD bao giờ cũng mong đến cuối năm vì giá vật liệu thường tăng do nhu cầu xây dựng, nhiều công trình đẩy nhanh tiến độ hoặc đuổi theo tiến độ đã mất hồi đầu năm. Tuy nhiên, cuối năm 2009 này, giá nhiều loại vật liệu đã giảm dù trong tháng 10, sức tiêu thụ các loại VLXD đã bắt đầu tăng lên khoảng 10%. Mức tăng này vẫn thấp hơn so với hồi cuối năm 2008”.

Anh Trịnh Xuân Hoài, chỉ huy trưởng công trình xây dựng khu chung cư mới Đại Kim, Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Cuối năm chúng tôi thường phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng để thanh quyết toán và “nín thở” với giá VLXD nhưng bây giờ thì hoàn toàn yên tâm. Giá vật liệu sẽ không tăng, vì chúng tôi đã có nguồn tin cho biết các loại vật liệu từ giờ đến giữa năm 2010 sẽ không tăng do nguồn cung dồi dào. Để giữ khách, nhiều nhà cung cấp còn thuyết phục chúng tôi ký hợp đồng dài hạn”.

Đến thời điểm này chỉ còn xi măng giữ nguyên giá do chịu sức ép của các loại nguyên vật liệu tăng. Ông Trần Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết: “Giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng VICEM chưa tăng giá do nguồn cung đang vượt cầu, thậm chí nguồn cung sẽ vượt tới 10 triệu tấn vào năm tới do nhiều nhà máy sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động. Do đó, điều chỉnh giá vào thời điểm này rất mạo hiểm. Nên không chỉ trong cuối năm mà vào các năm tiếp theo giá xi măng ít có khả năng biến động”.

Giá giảm, tiêu thụ vẫn gặp khó

Theo các nhà kinh doanh VLXD, bất kể nhu cầu tăng nhưng giá nhiều mặt hàng dù đã giảm nhưng vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ bởi phải cạnh tranh khá gay gắt với các sản phẩm nhập ngoại, liên doanh.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng thép thành phẩm tồn kho khoảng 150.000 tấn. Trong khi đó, trong tháng 10 vẫn có đến 43.000 tấn thép cuộn được nhập khẩu vào Việt Nam với giá bán rẻ hơn từ 500.000- 700.000 đồng/tấn. Điều này gây không ít khó khăn cho khâu tiêu thụ thép của các doanh nghiệp trong nước.  

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: “Giá phôi thế giới đang giảm từ 530 USD/tấn xuống còn 480- 500USD/tấn. Hơn nữa, Trung Quốc- nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, đang thừa phôi, thép phải đẩy mạnh xuất khẩu. Giá thép tại các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia cũng đang giảm mạnh. Do đó, để cạnh tranh được với mức tiêu thụ của thép nhập ngoại, các nhà sản xuất trong nước cần có biện pháp điều chỉnh giá bán hợp lý, đừng để người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm nội vì có hàng ngoại giá rẻ hơn”.

Theo ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBICA), các sản phẩm sứ vệ sinh cung đang vượt cầu hơn khoảng 1 triệu sản phẩm, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do nhiều nhà máy đẩy mạnh sản xuất. Mức độ vượt cầu không nhiều nhưng những sản phẩm này đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm do phải cạnh tranh khá gay gắt với hàng thương hiệu nước ngoài sản xuất ở Việt Nam. Gạch ốp lát cũng trong tình trạng vượt cầu, năng lực sản xuất gạch ốp lát cả nước lên đến 363 triệu mét vuông, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng 240 triệu mét vuông.

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Tổng hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu khiến một số loại thị trường VLXD giảm giá là do xuất hiện quá nhiều các nhà máy tư nhân tham gia vào lĩnh vực sản xuất VLXD. Những sản phẩm mới ra thị trường gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ do chưa có thương hiệu đã hút khách bằng cách giảm giá mạnh. Điều này, không chỉ sản phẩm mới gặp khó mà các nhà sản xuất gạch lát nền, ốp tường, xi măng, thép... có thương hiệu trên thị trường cũng gặp khó khăn do cùng lúc phải cạnh tranh với hàng giá rẻ mới xuất hiện trên thị trường và sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi đã cảnh báo với các nhà sản xuất về tình trạng thừa xi măng tuy nhiên nhiều nhà máy mới vẫn đang được xây dựng. Do đó, thời điểm cuối năm 2009 đầu năm 2010, VLXD sẽ khó có khả năng tăng giá”.

Để không bị “đắm” bởi sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, các nhà sản xuất cần nghiên cứu thị trường, biết mình đang ở vị trí nào để có cách ứng phó linh hoạt. Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế quản lý khối kinh tế tư nhân sát sao hơn, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, để rồi bế tắc trong khâu tiêu thụ và “đắm xuồng”.

ĐỌC THÊM