Từ vị thế của một quốc gia có nguồn tài nguyên lớn, nhưng sau nhiều năm ồ ạt xuất khẩu, đến nay, khi nhu cầu trong nước tăng cao, Việt Nam quay lại nhập khẩu cả chục triệu tấn than đá mỗi năm và có thể lên đến 100 triệu tấn vào năm 2030.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo, giải trình ý kiến với các cơ quan liên quan về kế hoạch xuất khẩu than năm 2019 của Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.
Đầu năm đã nhập khẩu hơn 4,2 triệu tấn than đá
Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến 15-2, cả nước nhập khẩu gần 4,2 triệu tấn than đá, tổng trị giá đạt gần 446 triệu USD. Kết quả này tăng tới gần 2,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tốc độ tăng trưởng tới 157%. Trong khi tốc độ tăng trưởng về kim ngạch cũng lên đến 133% với con số tuyệt đối tăng thêm gần 255 triệu USD.
Tốc độ tăng trưởng về sản lượng cao hơn kim ngạch cho thấy trị giá bình quân mỗi tấn than nhập khẩu năm nay thấp hơn cùng thời điểm này của năm 2018. Đáng chú ý, riêng trong tháng 1, lượng nhập khẩu than đá các loại đã hơn 3 triệu tấn, tháng có sản lượng nhập nhiều nhất từ trước tới nay.
Trên thực tế, hoạt động nhập khẩu than đá của Việt Nam tăng nhanh khi hàng loạt nhà máy nhiệt điện than ào ạt ra đời như Mông Dương, Uông Bí, Cẩm Phả (Quảng Ninh), Duyên Hải (Trà Vinh), Vĩnh Tân (Bình Thuận)…
Với xu thế này cộng với nguồn than trong nước đang ngày một cạn kiệt không khó để thấy rằng câu chuyện nhập khẩu than sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo quy hoạch ngành Than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 (theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14-3-2016), nhu cầu than dành cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và lên đến 131,1 triệu tấn vào năm 2030.
Tuy nhiên, cũng trong quy hoạch này, sản lượng khai thác than trong nước được tính toán chỉ đạt từ 47 đến 50 triệu tấn vào năm 2020 và 55 đến 57 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi nguồn than khai thác còn phải dành cho nhiều lĩnh vực khác như luyện kim, xi măng, phân bón và hóa chất, các đối tượng tiêu thụ khác. Riêng 4 nhóm đối tượng này cũng được ước tính cần 25,5 triệu tấn than vào năm 2030.
Như vậy có thể thấy, tổng nhu cầu sản lượng than cả nước vào năm 2030 lên đến gần 157 triệu tấn, trong khi năng lực khai thác trong nước chỉ được tối đa 57 triệu tấn, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải nhập khẩu tới 100 triệu tấn than vào năm 2030.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2009 đến trước năm 2013, bình quân hằng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 19 triệu tấn than đá các loại và gần như không nhập khẩu mặt hàng này. Xuất khẩu than đá các loại năm 2013 là 12,8 triệu tấn và đến năm 2018 chỉ còn xuất khẩu gần 2,4 triệu tấn. Tính cả giai đoạn 2013-2018, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 27,7 triệu tấn.
Trong khi đó, năm 2013, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu than đá với con số gần 2,3 triệu tấn. Trong giai đoạn 2013-2018, với tốc độ tăng bình quân phi mã lên tới 48%/năm, đến năm 2018, sản lượng than nhập khẩu của Việt Nam đã lên tới gần 22,9 triệu tấn. Tính cho cả giai đoạn 2013-2018, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 63 triệu tấn.
Về thị trường nhập khẩu, từ năm 2013 đến nay, Việt Nam nhập khẩu than đá các loại từ các thị trường lớn như Indonesia, Australia, Nga và cả thị trường Trung Quốc. Trong đó, sản lượng nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Indonesia với sản lượng năm 2018 lên tới 11,2 triệu tấn.
Xin xuất khẩu 2 triệu tấn than
Đại diện EVN cho hay, tổng nhu cầu than cho phát điện trong năm 2019 theo kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia là 54 triệu tấn.
Trong đó, than sản xuất trong nước là 43,4 triệu tấn và than nhập khẩu là 10,68 triệu tấn. Đối với than nhập khẩu, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đã chủ động lập kế hoạch và ký các hợp đồng mua bán than để có thể đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than cho sản xuất của các nhà máy.
Tuy nhiên, với sản xuất trong nước, theo báo cáo của TKV và Tổng công ty Đông Bắc: Tổng khối lượng than của hai đơn vị này cho sản xuất điện trong năm 2019 chỉ đạt 37,21 triệu tấn, thấp hơn 6,19 triệu tấn so với nhu cầu (tương ứng khoảng 12,5 tỷ kWh điện).
Đối với lượng than thiếu hụt do TKV và Tổng công ty Đông Bắc không cung cấp được, EVN kiến nghị, cho phép chủ đầu tư các NMNĐ than chủ động tìm kiếm các nguồn than hợp pháp trong nước và NK để trộn hoặc đốt trực tiếp cho các nhà máy.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công Thương có giải trình với các cơ quan liên quan về kế hoạch cho phép Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc xuất khẩu 2 triệu tấn than.
Cụ thể, Bộ Công Thương đưa ra kế hoạch xin Chính phủ cho xuất hơn 2 triệu tấn than trong năm 2019 do TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện. Số than này chủ yếu là than cám loại 1, 2 và 3 với khối lượng 1,32 triệu tấn, cùng hơn 700.000 tấn than cục.
Cùng với kế hoạch xuất khẩu than, Bộ Công Thương cho biết kế hoạch nhập khẩu than của hai ông lớn kể trên dành cho mục tiêu sản xuất điện năm 2019 sẽ là 8 triệu tấn. Chủng loại than nhập là than antraxit chiếm khoảng 18% (chủ yếu được nhập từ Nam Phi), than bán antraxit là 39% (Nga và Úc); còn lại là than bitum và á bitum từ Úc, Indonesia và Nga.
Bộ Công Thương khẳng định, so sánh loại than xuất khẩu và nhập khẩu là khác nhau, loại than mà Việt Nam xuất khẩu không phải loại đang phải nhập khẩu nên việc xin xuất khẩu than là phù hợp với quan điểm phát triển của ngành.
Bộ Công Thương lý giải, năm 2017 - 2018, kế hoạch của TKV và Tổng công ty Đông Bắc sẽ xuất khẩu hơn 4 triệu tấn than, bao gồm 2 triệu tấn than cục, than cám loại 1, 2, 3 sang Nhật, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Hơn 2 triệu tấn than cám mà trong nước ít sử dụng cho Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hiện chỉ xuất được hơn 50.000 tấn than cám của Công ty Vàng Danh - Uông Bí, còn TKV và Tổng công ty Đông Bắc hai năm qua không xuất khẩu được, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của doanh nghiệp.
“Cân đối nhu cầu than hiện nay, giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ dư thừa than cục, than cám loại 1,2,3 khoảng 2,1 triệu tấn. Đây là loại than chỉ có ở Việt Nam, sử dụng phù hợp cho công nghệ luyện thép chất lượng cao (thép không gỉ) của Nhật Bản, Hàn Quốc”, văn bản của Bộ Công Thương nêu rõ.
Bộ Công Thương dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2018 Việt Nam nhập khẩu hơn 23,78 triệu tấn than, trong đó chủ yếu là bitum, á bitum cho sản xuất điện, không có chủng loại than cục, than cám 1,2,3 nêu trên.
Trong khi hai đầu mối nhập khẩu chính là TKV và Tổng công ty Đông Bắc chỉ nhập số lượng chính thức ít ỏi thì hầu hết lượng nhập than là của các đơn vị khác là các công ty nhiệt điện, luyện kim cán thép lớn như Formosa cũng đều được phép nhập khẩu theo kênh riêng.
Lý lẽ Bộ Công Thương đưa ra là như vậy, những điều quan trọng là hiệu quả kinh tế, xã hội của việc xuất khẩu, nhập khẩu than như thế nào thì chưa rõ ràng. Đây là điều các nhà quản lý cần tính toán đảm bảo hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường trong lĩnh vực này.
Nguồn tin: Công an nhân dân