Các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và Hiệp hội Thép Việt Nam vừa gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, kêu cứu về nguy cơ đình hoãn sản xuất do không mở được thư tín dụng (L/C).
Nguyên nhân là do thép phế liệu, nguyên liệu chủ yếu của các nhà máy sản xuất phôi, bị ngân hàng từ chối ưu tiên đảm bảo ngoại tệ.
Có tiền, ngân hàng vẫn… quay lưng
|
Có tiền cũng không mở L/C được vì thép phế ngoài danh mục ưu tiên về ngoại tệ. (Ảnh: VNN) |
Đã hai tuần nay, ông Vũ Hồng Khanh, kế toán trưởng Công ty Cổ phần Thép Đình Vũ chạy “long tóc gáy” nhằm xoay sở 4,5 triệu USD nhập khẩu thép phế liệu về sản xuất.
Nhưng mọi cánh cửa đều đóng.
Ngân hàng lắc đầu chìa cho ông xem danh sách không ưu tiên ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, trong đó có mặt hàng thép phế liệu. Gom USD chợ đen cũng ngày càng khó, nhất là sau vụ xử lý một công ty TNHH tại Hà Nội mua bán ngoại tệ trái phép hôm 15/7.
Vậy là, dù có tiền trong tay, Đình Vũ vẫn không kiếm đâu ra đủ ngoại tệ, thậm chí chỉ 15% ký quỹ để mở L/C cho lô nguyên liệu thép phế liệu tháng tới. Không còn “cửa” xoay ra ngoại tệ cũng đang làm ông Phạm Quốc Hoàn, Công ty Cổ phần Thép Vạn Lợi đau đầu. “Nếu vẫn không nhập được thép phế, chẳng bao lâu, Vạn Lợi sẽ buộc phải ngừng sản xuất”, ông Hoàn bức xúc.
Thực tế, chuyện căng thẳng ngoại tệ không phải bây giờ mới diễn ra và không chỉ với các doanh nghiệp sản xuất phôi thép. Nhưng trước nay, các doanh nghiệp nhập khẩu ít nhiều vẫn “lách” được nếu chấp nhận “chung chi” ngoài giá niêm yết các phụ phí dưới dạng hợp đồng dịch vụ, phí quản lý tiền mặt hay phí tư vấn…
Tuy nhiên, cách đây hai tuần, NHNN đã có công văn tới các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ đạo việc mua bán ngoại, không cho phép các NHTM được dùng bất cứ hình thức nào khiến giá USD vượt trần niêm yết. Không chỉ thế, công văn này còn đưa ra danh mục các mặt hàng theo cấp độ được, không được ưu tiên đảm bảo ngoại tệ và không đảm bảo ngoại tệ.
Thép phế liệu thuộc nhóm không ưu tiên đảm bảo ngoại tệ, lại thêm việc cấm thu phụ phí bán USD nên dù có chấp nhận “chung chi”, không NHTM nào chịu mở L/C cho Đình Vũ kể cả khi hợp đồng nhập thép phế liệu đã ký xong xuôi.
“Giờ có tiền cũng chịu. Cứ tình hình này, thì trong 2 tháng tới chắc chắn chúng tôi sẽ phải ngồi chơi xơi nước. Như mấy năm trước thì chắc sẽ cầm cự được đến khi nguồn cung ngoại tệ dễ thở hơn, nhưng khó khăn năm ngoái cộng dồn với năm nay khiến chúng tôi quá tải mất”, ông Khanh lo lắng.
Có thể ngưng sản xuất, phá sản
Công suất sản xuất phôi thép năm 2009 đạt khoảng 4,5 triệu tấn, đáp ứng 60% phôi thép trong nước. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết, 6 tháng đầu năm mới nhập 980.000 tấn thép phế trong khi nhu cầu cả năm cần 2 triệu tấn.
Hiện mới có duy nhất thép Thái Nguyên luyện được phôi từ quặng, nhưng cũng chỉ được 45-50% nguyên liệu. Các doanh nghiệp sản xuất phôi còn lại đều phụ thuộc chủ yếu vào thép phế liệu nhập khẩu, bởi trong nước chỉ đáp ứng được 10-20%.
Vì thế, việc không được ưu tiên dành ngoại tệ cho nhập khẩu thép phế đồng nghĩa với việc các nhà máy sản xuất phôi thép không có nguyên liệu để sản xuất.
Đó là lý do trong đơn gửi lên Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất phôi không ngần ngại khẳng định, đây là nguy cơ lớn gấp nhiều lần những khốn đốn vì khủng khoảng kinh tế và một số bất cập về chính sách thuế trước đó.
“Nó có thể gây phá sản hàng loạt các công ty trong lĩnh vực sản xuất phôi thép từ thép phế liệu. Hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào ngành này không có khả năng trả nợ; hàng chục nghìn lao động mất việc và ngành sản xuất phôi của Việt Nam lại trở về với con số không”, đơn kiến nghị viết.
“Lợi anh thương mại, hại anh sản xuất”
|
Nguyên liệu cho sản xuất phôi nội địa xếp dưới ưu tiên đảm bảo ngoại tệ phôi ngoại. (Ảnh: VNN) |
Thực tế khó khăn về ngoại tệ không chỉ xảy ra với sản xuất phôi thép. Tuy nhiên, điều làm các doanh nghiệp “không phục” quy định của NHNN nhất, chính là sự vênh nhau giữa các văn bản.
Theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ, sản xuất phôi thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và về nguyên tắc là công nghiệp thượng nguồn được ưu tiên bảo hộ. Thế nhưng, sản xuất lại nằm ngoài danh sách ưu tiên. Trong khi cán thép vốn không được khuyến khích đầu tư thì phôi thép và thép thành phẩm lại được ưu tiên đảm bảo ngoại tệ để nhập khẩu.
Thay mặt các thành viên, ngày 9/7, Hiệp hội Thép đã có công văn gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, NHNN và Bộ Công thương phản đối quy định này và tiếp tục “nhắc lại” trong công văn gửi ngày 14/7 mới đây.
Dường như quá sốt ruột trước tình trạng “có tiền mà vẫn phải ngồi chơi xơi nước” và sự “vênh nhau” của chính sách, ngay cùng ngày (14/7), 5 doanh nghiệp thép là Vạn Lợi, Thép Việt, Đình Vũ, Hòa Phát và Thép Sông Đà cũng đã cùng nhau gửi kiến nghị “vượt cấp” lên thẳng Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đưa thép phế liệu vào nhóm ưu tiên số 1 về ngoại tệ.
“Hòa Phát chưa đến nỗi khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn đứng đơn kiến nghị lên Thủ tướng vì chỉ thị của NHNN không đúng đắn. Thép phế là “đầu vào” sản xuất lẽ ra phải được ưu tiên hơn thành phẩm chứ”, ông Dương, Tổng Giám Đốc Công ty CP Thép Hòa Phát – một trong 5 doanh nghiệp kiến nghị thẳng thắn bộc lộ.
Nhìn xa hơn, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội lo ngại, nếu không thay đổi, quy định này sẽ tạo điều kiện cho thép Trung Quốc và ASEAN tràn vào thị trường Việt Nam, đè bẹp thép nội.
“Tôi đã thắc mắc lên Thứ trưởng phụ trách cơ khí của Bộ Công thương, Lê Dương Quang nhưng chính anh Quang cũng lắc đầu không biết vì sao. Quy định ưu tiên anh buôn bán thương mại, kích cầu cho thép ngoại hơn là anh sản xuất trong nước”. ông Cường cho biết.
Hiệp hội Thép cũng đề nghị NHNN điều chỉnh lại quy định này, trong đó nêu rõ thép thành phẩm là thép nào, bởi riêng thép thành phẩm hiện nay trong nước đã sản xuất và đáp ứng 100% nhu cầu về thép xây dựng, thép tấm, thép lá cán nguội, tôn mạ...
“Chỉ nên ưu tiên cấp ngoại tệ cho nhập khẩu thép tấm cán nóng, thép chế tạo cơ khí, thép phế và một số loại thép đặc biệt trong nước chưa sản xuất được để khuyến khích sản xuất trong nước”, ông Cường nói.
(Vietnamnet)