Trong những năm gần đây, cùng với việc tăng cường đầu tư mới và đầu tư mở rộng cho ngành công nghiệp sản xuất thép, tỷ trọng sản xuất thép của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh, đưa nước này trở thành nước đứng thứ 10 thế giới về sản xuất thép vào năm 2010.
Nhà máy liên hợp sản xuất thép đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ Kardemir bắt đầu hoạt động năm 1939 và đây là lần đầu tiên nước này sản xuất thép. Nhà máy Kardemir chuyên sản xuất thép tấm lớn và cũng là sản xuất thép lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, ngành công nghiệp sắt thép Thổ Nhĩ Kỳ có 19 lò luyện bằng hồ quang điện và 3 khu liên hợp, sử dụng gẩn 30.000 lao động. Tổng công suất thiết kế 42,7 triệu tấn hàng năm, trong đó 35,4 triệu tấn chiếm 72,6% là sắt thép phục vụ chủ yếu cho xây dựng; 13,3 triệu tấn chiếm 27,4% là thép tấm.
Năm 2010, sản lượng sắt thép của nước này là 29,1 triệu tấn. Về chủng loại, 74,9% trong tổng sản lượng là thép cây và 25,1% là thép tấm. Về quy trình và công nghệ sản xuất, 72% được sản xuất từ các lò điện, 28% là các lò oxygen. Mức sản xuất thép tính theo người của nước này đạt 341 kg/người.
Năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ 10 về sản xuất sắt thép với sản lượng 29,1 triệu tấn, tăng 14,6% so với năm 2009. Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới với sản lượng 626,7 triệu tấn. Tiếp theo là Nhật Bản và Mỹ với mức sản lượng lần lượt là 109,6 và 80,6 triệu tấn. Sản lượng của Nga là 67 triệu tấn và Ấn Độ là 66,8 triệu tấn.
Sự phát triển mạnh mẽ có ngành sắt thép đã tác động trực tiếp đến sản xuất các mặt hàng từ sắt thép. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất đáp ứng được nhu cầu các mặt hàng sắt thép trong nước. Sắt thép công nghiệp, cơ khí và thép ống, đồ dùng nhà bếp được sản xuất ngày một nhiều và đa dạng mẫu mã, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Gang của Thổ Nhĩ Kỳ có thể dùng cho sản xuất kim loại hợp kim và phi hợp kim để làm các sản phẩm đúc. Các lò đúc hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân và tập trung tại các khu vực Istanbul, Kocaeli, Bursa, Eskisehir, Bikesik, Izmir và Ankara. Các lò đúc có quy mô nhỏ gia đình tại nhiều địa phương trong cả nước.
Trong những năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ trong ngước cũng như xuất khẩu tăng mạnh cộng với các chính sách tích cực của chính phủ đã tạo đà cho viêc gia tăng đầu tư và sản xuất các sản phẩm đúc và xuất khẩu. Các cơ sở sản xuất đã chú trọng nâng cao công suất bằng việc sử dụng các công nghệ mới để giảm chi phí sản xuất và tạo sản phẩm chất lượng cao. Đây đang là giai đoạn mở rộng sản xuất nhằm đạt các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất và sản phẩm.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có ngành sản xuất sắt thép. Xuất khẩu mặt hàng này suy giảm mạnh trong các năm 2008 và 2009. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhờ sự hồi phục của nền kinh tế nói chung, xuất khẩu và tiêu thụ sắt thép và các sản phẩm đều tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Ngoại thương Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2010, xuất khẩu các sản phẩm sắt thép của nước này đạt 13,6%, tăng 12%. Trong đó, xuất khẩu sắt thanh và sản phẩm đạt 5,1 tỷ USD, đứng đầu trong các nhóm sản phẩm; xuất khẩu phôi thép đạt 1,9 tỷ USD; xuất khẩu ống thép đạt mức khá cao 1,4 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác là thép tấm đạt 1,1 tỷ USD, thép cấu kiện đạt 923 triệu USD.
EU là nước nhập khẩu thép và các sản phẩm lớn nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp đến là Trung Đông và vùng Viễn Đông xếp thứ. Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng thị trường xuất khẩu sắt thép và các sản phẩm sang Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với tỷ trọng xuất khẩu 9%, I-rắc với tỷ trọng 7%, Ả Rập Xê Út tỷ trọng 6%, Iran và Ai Cập đều với tỷ trọng 5%.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ là nước xuất khẩu thép với trị giá lớn vào Mỹ sau Canada, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Do khủng hoảng tài chính thế giới, xuất khẩu của nước này sang Mỹ giảm 73% năm 2009, chỉ đạt 205 triệu USD so với mức 785 triệu USD năm 2008.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng cường đầu tư mới và đầu tư mở rộng cho ngành công nghiệp sản xuất thép khiến tỷ trọng sản xuất thép của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh, vượt quá nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do đó, các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang tìm cách đẩy mạnh và mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới.
Nguồn: .stockbiz