Nếu như trước đây, thị trường Thép trong nước luôn trong tình trạng “yếu thế” so với thép Trung Quốc, thì nay nhiều doanh nghiệp thép trong nước đã vươn lên và giành lại thị phần của chính mình.
Lợi nhuận tăng
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), câu chuyện thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam, tôi khẳng định đây không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam mà thực chất diễn ra rất gay gắt tại thị trường các nước Đông Nam Á. Trung Quốc hiện là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm 48% sản lượng thép của thế giới.
Nhiều doanh nghiệp thép Việt đã dần chiếm lĩnh thị trường nội địa |
Năm 2013, theo thống kê, Trung Quốc sản xuất khoảng 780 triệu tấn trên năng lực sản xuất là 1,3 tỷ tấn.
Như vậy, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự mất cân đối giữa cung và cầu tại thị trường nội địa, từ đó phải tìm cách xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước khu vực, trong đó có Việt Nam là nước nằm ngay cạnh rất thuận lợi cho việc vận chuyển.
Đây chính là chính sách chung của Trung Quốc trong việc xuất khẩu thép sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Để thâm nhập vào các nước trong khu vực ASEAN, thép Trung Quốc sẽ hạ giá đủ để cạnh tranh với thép nội địa của các nước trong khu vực.
Tại Việt Nam, một thời gian dài, thép Trung Quốc đã giữa vị trí ưu thế nhờ giá rẻ và nguồn cung lớn. Tuy nhiên, thị trường đang dần có những chuyển biến tích cực khi ngành thép vẫn có những doanh nghiệp thép vươn lên hoạt động rất tốt như Tôn Hoa Sen, Liên doanh thép Việt-Úc, Việt-Nhật, thép Hòa Phát…
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thép cán toàn ngành tính chung 4 tháng đầu năm 2014 đã đạt 1,08 triệu tấn, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2013, còn lượng thép thanh, thép góc sản xuất toàn ngành 4 tháng đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ.
Lượng sắt thép xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm cũng đạt 874 ngàn tấn với giá trị xuất khẩu 651 triệu USD, tăng gần 20% về lượng và tăng 8,6% về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2013.
Ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (HSG) xác nhận, trong năm tài chính 2012-2013, HSG đạt 11.760 tỷ đồng doanh thu, 581 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST), lần lượt tăng 17% về doanh thu và 58% về lợi nhuận so với niên độ trước.
Với Hòa Phát (HPG), doanh thu năm 2013 là 19.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tức tăng gần gấp đôi năm ngoái. Nam Kim Group (NKG) gây bất ngờ khi công bố doanh thu năm 2013 tăng hơn 59% và lợi nhuận vượt kế hoạch. Một số như Công ty Đầu tư Thương mại SMC (SMC) tuy lợi nhuận không như mong đợi nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng doanh thu.
Cuộc chiến thị phần giữa các ông lớn
Trở lại câu chuyện thép trong nước, theo ông Hồ Nghĩa Dũng cho hay, có thể khẳng định, giá thành của các doanh nghiệp thép trong nước hiện tại cũng khá cạnh tranh và không cao. Thực tế các doanh nghiệp thép của chúng ta đã đầu tư và hiện đại hóa trang thiết bị để sản xuất những sản phẩm có giá thành cạnh tranh được với thị trường trong nước, khu vực và thế giới.
“Đối với thép Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ vào Việt Nam cũng có một số biểu hiện gian lận về thương mại mà VSA cùng các doanh nghiệp thép đang phối hợp với các cơ quan chức năng tìm giải pháp để giải quyết vấn đề này”, ông Dũng nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư SMC, khó khăn hiện tại của ngành thép là khó trong lĩnh vực thép xây dựng. Còn với những sản phẩm thép mà lâu nay Việt Nam phải nhập khẩu sức cầu vẫn nhiều.
Theo thống kê từ VSA, trong năm 2013, dù sản lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm thì ở mảng thép mạ kim loại, tôn lại tăng 36%, hay ống thép tăng 20%.
Nắm bắt được điều này, nhiều doanh nghiệp đã chuyển dần sang vừa phân phối vừa sản xuất gia công các loại thép dẹt gồm thép lá, cắt tấm, xả băng thép cán nguội theo yêu cầu khách hàng.
Hiện SMC đã có 4 nhà máy đặt tại TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng sản lượng hơn 200.000 tấn/năm.
Công ty cổ phần Thép Pomina (POM) cũng đã đầu tư 300 triệu USD xây Nhà máy Pomina 3 vì chiến lược hội nhập. Nhà máy Pomina 3 hiện là nhà máy luyện thép hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á.
Nhà máy này cho công suất 1 triệu tấn thép/năm, 1 triệu tấn phôi/năm sẽ giúp POM tạo uy thế và nâng cao cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Tương tự, từ khi có Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, sản lượng tiêu thụ của HSG trong 4 niên độ gần đây (từ 2009 - 2013) đều tăng lần lượt 64%, 45%, 29% và 32%.
Doanh thu tăng lần lượt 73%, 67%, 23,5% và 17%. Thị phần tôn mạ của HSG luôn ở vị trí dẫn đầu. Trong năm 2013 - 2014, khi các dây chuyền thuộc giai đoạn 2 của nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ đều đưa vào vận hành.
Ông Vũ Văn Thanh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, doanh thu của HSG dự kiến sẽ tăng thêm 19% lên 14.000 tỷ đồng. Hoa Sen phấn đấu đạt doanh thu 1 tỷ USD giai đoạn 2015-2016.
Nhờ đưa vào vận hành Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát giai đoạn 2 (10/2013) mà sản lượng thép của Hòa Phát đã tăng trưởng mạnh, vượt Pomina để dẫn đầu toàn ngành. Thị phần của Hòa Phát cũng liên tục tăng, từ 14,5% (9/2013) lên 14.8% (10/2013) và 15,2% (cuối 2013).
Các chuyên gia dự báo, với năng lực sản xuất 1,15 triệu tấn thép/năm, 1,1 triệu tấn phối/năm cộng thêm hệ thống đại lý được phát triển mạnh, thị phần của Hòa Phát có thể sẽ tăng lên 18-20% trong năm 2014.
Thực tế, với quy trình khép kín, với công nghệ sản xuất lò cao, giá đầu vào thấp, Hòa Phát rất có lợi thế trong cạnh tranh sản phẩm. Theo ước tính, giá của thép Hòa Phát đang thấp hơn 5-10% so với các đối thủ.
Tại đại hội cổ đông diễn ra vào tháng 3/2014 vừa qua, trả lời cổ đông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, doanh thu thép thường chiếm khoảng 80% tổng doanh thu tập đoàn, với các sản phẩm gồm thép xây dựng, ống thép, than cốc, khoáng sản...
Đại diện HPG cho biết, nhu cầu thép 2014 tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng từ 2 đến 5% và HPG cũng dự kiến tăng trưởng sản lượng từ 700 nghìn tấn lên 720 nghìn tấn trong năm nay. Dự báo nhu cầu thép sẽ tăng lên trong khoảng 2020 - 2025.
Trong 3, 4 năm tới chắc chắn HPG vẫn tăng trưởng ngành thép, lãnh đạo HPG khẳng định. Đồng thời, HPG sẽ phát triển "bằng 2 chân", cả trong nước và xuất khẩu.
Lãnh đạo HPG cho biết vừa mua nhà máy ống thép tại Đà Nẵng và đang trong quá trình hoàn thành thủ tục. Hòa Phát hiện có nhà máy sản xuất ống thép lớn nhất Việt Nam.
Cơ hội thống lĩnh thị trường
Theo các chuyên gia, đẩy mạnh xuất khẩu là cách để các doanh nghiệp thép giảm rủi ro từ cạnh tranh thị trường nội địa và duy trì đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Tuy nhiên, để có thể giành được thị phần ưu thế trong thị trường nội địa, thì các doanh nghiệp thép cần phải tổ chức lại thị trường, tái cơ cấu sản xuất để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, Hiệp hội đã có kiến nghị quan trọng là Chính phủ phải tạo ra được thị trường cho thép bằng cách phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, thị trường cơ khí chế tạo sử dụng nhiều thép. Khi Chính phủ thực hiện thành công những giải pháp này chính là tạo ra cơ hội tốt cho thị trường thép phát triển.
Một vấn đề khác quan trọng khác là cần tập trung quản lý phát triển ngành thép theo đúng quy hoạch, đặc biệt là việc thực hiện quy hoạch; trong đó lưu ý tới sự phối hợp tốt với các địa phương để thực hiện các danh mục dự án cho phù hợp.
Vấn đề vô cùng quan trọng nữa là trong xu thế hội nhập vẫn cần có những giải pháp về hàng rào kỹ thuật hợp pháp, hợp lý để bảo vệ sản xuất trong nước và khuyến khích sản xuất chống gian lận thương mại trong quan hệ mua bán đối với các doanh nghiệp nước ngoài, qua đó tạo ra sự lành mạnh cho thị trường thép, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất trong thời gian tới.
Ngoài ra, có thể thấy dù xuất khẩu hay trên sân nhà, các doanh nghiệp thép lớn của Việt Nam đã và sẽ chiếm lĩnh thị trường thép.
Đặc biệt khi Việt Nam gia nhập vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội xuất khẩu thép sang thị trường sang Mỹ, Canada, Chile, Mexico sẽ cao hơn do hưởng thuế suất bằng 0%.
Nguồn tin: VTC