Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thời điểm nào lãi suất sẽ hạ?

Tình trạng vượt trần lãi suất đang tái diễn khiến những hoài nghi về tuyên bố giảm lãi suất xuống 10% cuối năm nay tăng lên. Tuy nhiên, nếu xử lý được vấn đề thanh khoản thì LS kỳ vọng có thể bị ép xuống.
 
Thanh khoản vẫn căng
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP, tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất ở thời điểm thích hợp. Đây là mong muốn của toàn xã hội. Tuy nhiên, đà giảm của lãi suất đang bị cản, bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn căng thẳng.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc chi nhánh của một ngân hàng quốc doanh cho rằng: “Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có giảm, thì việc đưa lãi suất huy động xuống dưới 10% trong năm nay cũng khó khả thi, bởi tiền đề quan trọng nhất để hạ lãi suất là thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện vẫn còn căng thẳng. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều ngân hàng liên tiếp tung ra các đợt khuyến mãi, tiếp tục lách luật, đi đêm với khách hàng với lãi suất huy động lên tới 18-19%/năm. Đó là lý do tại sao từ đầu năm đến nay, huy động vốn của nhiều ngân hàng nhỏ vẫn tăng đều đặn. Nếu tình trạng này không được xử lý nghiêm, rất khó hạ lãi suất”.
 
Vị giám đốc này còn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát một phần từ nhu cầu tự cứu mình của các ngân hàng, song một phần xuất phát từ tuyên bố “không để ngân hàng nào phá sản” của NHNN. Điều này khiến một số ngân hàng này “vững tin” tìm cách lách luật. Vì vậy, để đưa lãi suất huy động về 10% vào cuối năm, NHNN cần xử lý nghiêm khắc hơn tình trạng vượt rào lãi suất và đưa ra lộ trình giảm lãi suất cụ thể để các ngân hàng chuẩn bị.
 
Với tình hình thanh khoản của hệ thống hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng nhận định: “Rất khó dự báo thời điểm nào lãi suất sẽ hạ, bởi ngay cả khi lãi suất đang ở mức cao như hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn trong tình trạng căng thẳng thanh khoản”.
 
TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, muốn giảm lãi suất, cần giảm lạm phát và giải quyết căng thẳng thanh khoản của hệ thống. Theo đó, để giải quyết thanh khoản, NHNN nên tiếp tục tái cấp vốn trên thị trường mở (OMO) và sớm tiến hành sáp nhập các ngân hàng yếu kém, điều trị dứt điểm, không để lây lan thanh khoản cho toàn hệ thống.
 
Trong khi đó, NHNN dù không đưa ra những tuyên bố trực tiếp nào về xử lý tình hình trên, song qua việc hạn chế bơm tiền trên thị trường mở và tiếp tục duy trì trần lãi suất, có thể thấy đơn vị này đang tiếp tục tạo sức ép về thanh khoản cho các ngân hàng gặp khó khăn để các ngân hàng này buộc phải tự tái cấu trúc.
 
Có thể “ép” được lãi suất
 
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, nếu mục tiêu lạm phát ở mức 9-9,5% đạt được vào cuối năm 2012, cùng với xử lý tốt vấn đề thanh khoản, lãi suất huy động có thể giảm xuống  10%/năm vào cuối năm.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: “Lãi suất thời gian tới tất nhiên sẽ phải hạ. Giống lạm phát kỳ vọng, chúng ta cũng có thể ép lãi suất kỳ vọng xuống”.
 
Về vấn đề thanh khoản, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Thống đốc NHNN đã xác định được các nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 là: đảm bảo tính thanh khoản, giữ giá trị VND và hạ lãi suất cho vay. “Khi đã phát hiện ra vấn đề, tôi tin rằng, sẽ xử lý được. Tuy đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế Việt Nam sẽ vững vàng vượt qua thử thách”, ông nói.
 
Trên thực tế, một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank… đã bắt đầu giảm lãi suất xuống 1-2%/năm cho một số khách hàng. Theo đó, mức lãi suất cho vay thấp nhất là 14,5-16%/năm. Agribank cũng áp dụng lãi suất cho vay 14%/năm với một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, rất hiếm doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận vốn với mức lãi suất này.
 
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng tán thành với cách làm của NHNN là để các ngân hàng yếu kém đuối sức rồi mới xử lý. Tuy nhiên, không nên để tình trạng yếu thanh khoản kéo dài, lây lan cả hệ thống và khiến nền kinh tế sẽ ngày càng đình trệ. 
 
Trong một diễn biến khác, nhiều ngân hàng nước ngoài như ANZ, HSBC cũng cảnh báo Việt Nam không nên vội vàng hạ lãi suất, nới lỏng tiền tệ, vì điều này có thể làm thị trường méo mó, đẩy lạm phát quay lại.
 
Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, NHNN nên tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát trong năm 2012, trên cơ sở lắng nghe tín hiệu thị trường.

Nguồn tin: Báo đầu tư

ĐỌC THÊM