Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thời "tiền mặt là vua!"

Trong thời kỳ khó khăn, nhà đầu tư đều chuyển sang trạng thái phòng thủ: giữ tiền mặt hoặc chuyển sang kênh cất giữ an toàn hơn như vàng, ngoại tệ. Nhưng khi hai kênh đầu tư này bị “khóa một chiều” theo quy định của NHNN, chứng khoán có thể coi là nơi gửi gắm niềm tin?
 

Bất chấp những khó khăn của thị trường chứng khoán hiện nay, những cổ phiếu giá rẻ nhưng trả cổ tức hấp dẫn vẫn được các nhà đầu tư tìm kiếm

Đầu tư hưởng cổ tức

Mặc dù luồng tâm lý lo ngại chứng khoán có thể sụt giảm sâu hơn, nhiều nhà đầu tư vẫn tìm kiếm nguồn sinh lợi trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là những cổ phiếu giá rẻ nhưng trả cổ tức hấp dẫn. Cổ phiếu APC của CTCP Chiếu xạ An Phú đang giao dịch ở mức giá 13.000 đồng, trả cổ tức 20%/năm, tương đương lãi suất 15,3% (cổ tức/trên thị giá). Quan điểm đầu tư tích cực thể hiện ở 2 điểm mấu chốt: vừa được cổ tức (tương đương lãi suất tiền gửi ngân hàng 1 năm) và khả năng hưởng chênh lệch giá trong tương lai khi thời điểm mua vào là lúc thị trường ảm đạm. Giá cao nhất trong vòng 52 tuần của APC là 26.000đ/cổ phiếu và không quá lạc quan nếu kỳ vọng giá APC sẽ đạt 17.000đ/cổ phiếu khi thị trường hồi phục. Thêm vào đó, doanh nghiệp này sắp đưa vào hoạt động nhà máy mới ở KCN Bình Minh - Vĩnh Long vào tháng 5/2011. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế (LNST) năm 2011 tăng 36% so với năm 2010 là yếu tố tích cực nâng đỡ giá cổ phiếu và “an ủi” nhà đầu tư dài hạn trong giai đoạn khó khăn. Tương phản với quan điểm này, nhiều nhà đầu tư không thích hình thức đầu tư theo cổ tức vì sẽ ảnh hưởng tới giá tham chiếu điều chỉnh. Theo quy định của sàn HOSE và HNX, vào ngày giao dịch không hưởng quyền, các cổ phiếu được hưởng cổ tức tiền mặt X đồng/cổ phiếu, sẽ bị trừ đi tương ứng X đồng/cổ đồng trong giá tham chiếu. Bằng lối suy nghĩ này, họ sẽ mua và bán cổ phiếu trước ngày không hưởng quyền để hưởng chênh lệch giá hơn là đợi cổ tức về (vì giá cổ phiếu thường tăng khi có tin cổ tức). Cho dù cả hai trường phái này có thể kiếm lợi nhuận nhưng sự khéo léo sẽ thuộc về trường phái thứ hai. 

Chính sách cổ tức

Nhiều nhà đầu tư rất quan tâm các cổ phiếu trả cổ tức cao 20-30% năm vì cho rằng doanh nghiệp làm ăn tốt, không để cổ đông bị thiệt, trên hết là có luồng thu nhập tiền mặt. Chính sách cổ tức bằng tiền mặt là một điểm gây tranh cãi nếu doanh nghiệp “hết lòng” với cổ đông. Trường hợp CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP) xin ý kiến cổ đông trả cổ tức tiền mặt năm 2010 với lợi tức rất hấp dẫn 5.500 đồng/cổ phiếu/năm. Ngoài ra, DXP sắp chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 2:1 và điều chỉnh giá cổ phiếu DXP về mức 29.700đ/cổ phiếu. Lợi nhuận trên vốn cổ phần (EPS) năm 2010 là 14.000 đồng, với mức trả cổ tức như trên, DXP chọn hình thức cân đối giữa lợi ích cho doanh nghiệp và cổ đông, 60% lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và 40% còn lại chia cho cổ đông. Trái ngược với DXP, nhiều doanh nghiệp tỏ ra thận trọng hơn với việc chia cổ tức tiền mặt lớn, ảnh hưởng giảm vốn lưu động và không tái đầu tư sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất vay ngân hàng rất cao 20-25%/năm như năm 2011. Họ thường ấn định mức cổ tức tiền mặt thấp, dưới 15%/năm, chia thưởng cổ phiếu nếu thặng dư vốn lớn như trường hợp CTCP Xây dựng và Địa ốc Hòa Bình (HBC), chấp nhận pha loãng cổ phiếu 25% để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Hơn thế nữa, doanh nghiệp này khôn ngoan đưa ra phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn, nhằm tránh lãi suất cao nếu huy động bằng trái phiếu hay khó tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Ở góc độ khác, thông tin không rõ ràng giữa việc thưởng cổ phiếu và trả tiền mặt khiến cho thị trường bị sai lệch. Ví dụ trường hợp Licogi16 (LCG) trả cổ tức 70%, không nói rõ cổ phiếu hay tiền mặt, giá cổ phiếu tăng trần. Nếu LCG phải trả cổ tức bằng tiền mặt 7.000đ/cổ phiếu, số tiền thanh toán cổ tức lên đến 262,5 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận trước thuế năm 2010, chênh lệch lớn gấp 10 lần so với khoản tiền mặt có thể trả, 24 tỷ đồng, cho thấy rõ tính thiếu khả thi của phương án chi trả (theo BCTC cuối năm 2010). Do vậy, nhà đầu tư nên thận trọng xem xét thông tin về trả cổ tức trong thời điểm hiện nay, nếu không muốn dính “bẫy” cổ tức cao đột biến.

Tấn công hay phòng thủ

Điểm mặt trên TTCK Việt Nam hiện nay có tới 68% số lượng cổ phiếu ở mức giá trên dưới 1x trong tình trạng dư cung, tương phản với lịch sử giá đã từng tăng đến 4x-5x. Liệu đây có phải là cơ hội mua vào hay nên đứng ngoài thị trường giữ tiền mặt? Thách thức luôn đi kèm với cơ hội, các doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào không ngồi im ở trạng thái phòng thủ mà chuyển sang tấn công: đầu tư mua cổ phiếu quỹ khi có nhiều quan điểm cho rằng thời điểm này là “đáy” của TTCK và kịch bản lạm phát năm 2008 đang lặp lại. Các doanh nghiệp đã hoặc lên kế hoạch đầu tư cổ phiếu quỹ như: VOS đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu quỹ với giá dưới 8.000đ/cổ phiếu, HSG đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá dưới 15.000đ/cổ phiếu, hay PVGas mua 6 triệu cổ phiếu PGD ở giá 3x. Mua cổ phiếu của chính công ty đó giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả cổ tức tiền mặt, và nhìn xa hơn nữa, công ty có thể ghi nhận khoản thu nhập tài chính khá tốt nếu thị trường hồi phục trong thời gian gần. Kinh nghiệm trong năm 2008 trong việc Ngân hàng Sacombank mua vào gần 18 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá gần bằng giá trị sổ sách 13.000đ/cổ phiếu khi thị trường sa sút nhất. Thời điểm STB hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư này vào 1 năm sau ở mức giá gấp đôi cho thấy sự linh hoạt đón đầu với thách thức vẫn tốt hơn sự phòng vệ thụ động.

Thoái vốn và cơ cấu danh mục

Các quỹ đầu tư, tổ chức lớn không còn lựa chọn khả dĩ hơn ngoài việc “đảo hàng” hơn là ngồi im nắm giữ dài hạn trong giai đoạn này. Hoạt động này rất phổ biến trước sức ép của các cổ đông vì các tổ chức này không muốn nhìn giá trị tài sản giảm từng ngày. Điển hình như CTCK Thăng Long đăng ký vừa mua vừa bán 1,2 triệu cổ phiếu MCG, quỹ SSIAM lướt sóng 1.35 triệu cổ phiếu HVG.

Các doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào đang đầu tư mua cổ phiếu quỹ khi có quan điểm TTCK đang ở “đáy” và kịch bản lạm phát năm 2008 đang lặp lại

Cho dù đây là thời điểm bất lợi nhất để thoái vốn vì nhiều cổ phiếu giảm mạnh về mệnh giá, nhiều khoản đầu tư tài chính chỉ hòa vốn và thậm chí lỗ nếu tính thêm chi phí vốn. Các tổ chức buộc phải lựa chọn nếu muốn tích trữ lượng tiền mặt để đón đầu các cơ hội đầu tư lớn như IPO VietnamAirlines, MobiFone hay các đợt phát hành riêng lẻ. Quỹ VFMVF1 thông báo sẽ tăng tỷ lệ tiền mặt của quỹ từ 6% lên 10-15% bằng việc bán ra danh mục cổ phiếu có lãi để chờ đón cơ hội đầu tư và kể cả khi thị trường xuống đáy thấp hơn. Hay trường hợp khác, FPT Capital bán thỏa thuận 9,11 triệu cổ phiếu OGC ngày 10/03 với mức giá tham chiếu không cao hơn 2x. Tại sao quỹ này không thoái bớt OGC tại thời điểm “làm mưa, làm gió” ở mức 4x cuối năm 2010? Đứng trước cơ hội đầu tư hấp dẫn trong điều kiện nguồn vốn hạn chế, nhiều tổ chức phải đánh đổi giữa việc tiếp tục nắm giữ khoản đầu tư hay lựa chọn cơ hội khác khả quan hơn, đặc biệt có thể thương lượng mua với giá thấp như hiện nay.

Đối với trường hợp CTCP Xây lắp Dầu khí (PVX), việc thoái vốn khỏi các công ty con (sau khi các công ty niêm yết trên sàn) đóng góp khoản thu nhập tài chính đáng kể (281 tỷ đồng), chiếm 35 % lợi nhuận năm 2010, tạo ra sự đột biến so với năm 2009. Trong tháng 3 năm 2011, PVX đăng ký bán 11,14 triệu cổ phiếu PSB nhưng mua vào 5.57 triệu cổ phiếu PTL, cho thấy rõ mục tiêu cơ cấu danh mục đầu tư. Lợi thế của PVX là góp vốn vào công ty thành viên của PetroVietNam chỉ ở mệnh giá 10.000 đ/cổ phiếu, tuy nhiên, nếu thoái vốn tại thời điểm này không đem lại lợi ích nhiều cho cổ đông. Nhìn chung, tình hình thị trường khó khăn sẽ kéo theo dự báo thu nhập tài chính giảm sút mạnh của PVX nói riêng và các công ty đầu tư tài chính nói chung.

Nguồn: DDDN

ĐỌC THÊM