Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thống đốc NHNN: Áp dụng biện pháp hành chính càng lâu, bất cập càng lớn

Giảm lãi suất là vấn đề được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh trong phần hai cuộc phỏng vấn của TBKTSG. 

Ông khẳng định sẽ dần tháo gỡ các biện pháp hành chính kể cả trần lãi suất và sửa đổi hàng loạt qui định bất cập, không còn phù hợp thực tế. Ông cho biết:

- Thông điệp của NHNN là từ cuối tháng 9 trở đi lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ở mức 17-19%/năm. Nói như vậy không phải hô khẩu hiệu, mà nói là làm. Cái gì làm được thì phải khẳng định làm được. Cái gì chưa làm được thì tìm biện pháp giải quyết, chứ không thể nói mà không làm. 
Phân tích dữ liệu và thực trạng trong toàn hệ thống ngân hàng, đến nay chúng ta không thiếu vốn. Đầu năm ngân hàng không những thiếu vốn, mà thiếu cả thanh khoản.
Thưa ông điều gì cho thấy ngân hàng không thiếu vốn?

Các biện pháp nào có thể được NHNN sử dụng để điều hòa vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu
Để điều hòa vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, NHNN có thể áp dụng những biện pháp khác nhau. Trước hết chúng tôi sẽ rà soát lại những quy dịnh trong thời gian qua giữa thị trường một (huy động vốn từ dân cư, doanh nghiệp) và thị trường hai (liên ngân hàng) có còn phù hợp. Nếu các quy định này cản trở sự luân chuyển vốn thì sẽ được gỡ bỏ hay tạm thời không áp dụng nữa, Trước đây nhằm kiềm chế tăng trưởng tín dụng quá nóng, NHNN có quy định một số tỷ lệ về vốn và sử dụng vốn trên cả hai thị trường, nhưng lại thiếu kiếm soát cụ thể. Thực tế này gây áp lực buộc các tổ chức tín dụng phải đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư bằng mọi giá, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh và lãi suất tiết kiệm càng cao.
Hiện nay nhiều tổ chức tín dụng thừa vốn, song không thể điều hòa cho các tổ chức tín dụng khác vì vướng các tỷ lệ quy định như trên. Họ cũng không dám hạ lãi suất tiền gửi vì e ngại bị rút vốn, giảm thị phần.
Ngoài ra, NHNN cũng có thể tăng dự trữ bắt buộc đi liền với trả lãi suất cho khoản dự trữ bắt buộc ở mức hợp lý. Khi đó NHNN sẽ rút một lượng tiền lớn từ các tổ chức tín dụng, đồng thời sử dụng nguồn vốn này để tái cấp vốn cho những ngân hàng đang thiếu vốn và còn dư địa để tăng trưởng tín dụng. Biện pháp này sẽ không gây áp lực lên lãi suất đầu vào của các tổ chức tín dụng. Nói cách khác, NHNN có thể điều hòa vốn mà không cần phải tăng thêm tiền trong lưu thông, không làm tăng lãi suất. Bên cạnh đó, tùy theo diễn biến của tình hình, chúng tôi có thể phát hành tín phiếu NHNN với lãi suất thích hợp để mua lại lượng vốn thừa của một số ngân hàng, dùng nó tái cấp vốn cho các ngân hàng thiếu vốn. Các giải pháp nói chung sẽ rất linh hoạt.

- Căn cứ trước tiên là lãi suất tiền đồng thị trường liên ngân hàng đã ổn định ba tháng nay. Hiện nó dao động từ 12 đến 15%/năm tùy kỳ hạn. Lãi suất qua đêm gần đây thậm chí có thời điểm dưới 10%/năm. Dưới góc độ quản lý, tôi cho rằng mức lãi suất liên ngân hàng như thế là hơi thấp.
Theo ông lãi suất liên ngân hàng cần phải cao hơn?
- Nếu theo đúng ý đồ quản lý của NHNN, tất cả các mức lãi suất đó phải cộng thêm khoảng 1%/năm mới hợp lý.
Vừa qua chúng ta mua vào một lượng ngoại tệ khá lớn và đẩy vào lưu thông một lượng tiền đồng cũng tương đối lớn. Để cân bằng NHNN đã hút về một lượng tương ứng qua thị trường mở. So sánh giữa lượng tiền hút vào – bơm ra, phần bơm ra vẫn nhiều hơn. Nhờ đó thanh khoản ngân hàng được cải thiện. Phải thấy lượng tiền mà NHNN tung ra mua ngoại tệ là tiền không kỳ hạn, nó khác tái cấp vốn, vì tái cấp vốn còn có thời hạn thu về.
Từ đây vốn cho nền kinh tế đã tăng lên đáng kể.
Thưa ông có mâu thuẫn gì không khi nói vốn cho nền kinh tế đã tăng lên nhưng tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm lại rất thấp, phải nói là thấp nhất so với cùng kỳ những năm trước?
- Tăng trưởng tín dụng 7 tháng qua hơn 7,5% so với cuối năm ngoái. Số liệu thống kê này không phải hoàn toàn chính xác. Vừa qua có hiện tượng luồn lách để chạy các qui định của NHNN, trong hạch toán kế toán của các ngân hàng thương mại có nhiều con số biến tướng, nên số liệu tổng hợp không còn chính xác như trước đây. Mức tăng trưởng tín dụng trên, vì thế, chỉ có tính tham khảo.
Nhìn vào số tham khảo, so với chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay, hoạt động tín dụng còn dư địa rất lớn. Trung bình tăng trưởng tín dụng những tháng còn lại phải trên 2%/tháng.
Dư địa đó có ý nghĩa như thế nào khi thực trạng tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng khác nhau? Một số ngân hàng đã hết hạn mức tăng, số khác lại còn nhiều.
- Đúng thế. Có tổ chức tín dụng đang thừa vốn, nhưng đã sử dụng hết hạn mức. Có ngân hàng còn room cho vay, lại thiếu vốn. Có ngân hàng còn vốn, còn hạn mức nhưng không muốn cho vay thêm vì thấy rủi ro quá. Những ngân hàng còn hạn mức, thiếu vốn, muốn tăng trưởng tín dụng cũng không dễ vì huy động từ dân cư phải trả lãi suất cao để cạnh tranh, vay liên ngân hàng thì bị vướng các qui định của NHNN. Với những qui định hiện nay, vốn đang nơi thừa nơi thiếu và không điều hòa được. Tới đây nhiệm vụ của chúng tôi là đưa ra các biện pháp trung hòa lượng tiền này.       
Thưa ông sự điều hòa vốn liệu có đồng nghĩa với giảm lãi suất?
- Mức tăng trưởng tín dụng 20% đã được đưa vào nghị quyết của Chính phủ và không ngân hàng nào, dù lớn hay nhỏ, được vượt mức đó. Do đó không nhất thiết là các tổ chức tín dụng phải huy động quá nhiều vốn trong giai đoạn hiện nay, và không cần thiết phải đẩy lãi suất tiết kiệm lên. Sẽ có những biện pháp điều tiết vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu. Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những năm tiếp theo cũng sẽ là vấn đề được đặt ra.
Khi không cần nâng lãi suất đầu vào để huy động vốn bằng mọi giá, cớ gì ngân hàng cho vay lãi suất cao? Mối quan tâm của tổ chức tín dụng không phải mặt bằng lãi suất cao thấp, mà là chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra. Theo tính toán của NHNN trong nhiều năm qua, chênh lệch lãi suất huy động - cho vay ở mức 2,5 – 3%/năm là thích hợp. Huy động 14%/năm, cho vay 17 - 19%/năm hoàn toàn nằm trong khả năng của tổ chức tín dụng. Đây là lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, còn cho vay các loại hình dịch vụ khác thuộc phạm vi thỏa thuận giữa người vay và bên cho vay, nó có thể cao hơn.     
Nếu cứ để lãi suất cao, các ngân hàng cũng không thể cho vay ra được.
Tăng dự trữ bắt buộc có phải là một trong những biện pháp sẽ được NHNN áp dụng để điều hòa vốn?
- Đó là một trong những giải pháp có thể áp dụng. 
Lâu nay dư luận thường đề cập đến các biện pháp hành chính trong điều hành tiền tệ, trong đó có trần lãi suất. Thưa ông trần lãi suất huy động sẽ sử dụng đến bao giờ?
- Giảm lãi suất là đòi hỏi thực tiễn của nền kinh tế và nó phù hợp, xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp, của tổ chức tín dụng, của người dân.
Cuộc sống đôi khi cũng cần phải có biện pháp hành chính. Áp dụng biện pháp hành chính vì chúng ta chưa tìm ra được các công cụ mang tính kinh tế mà việc sử dụng cho phép đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng biện pháp hành chính là cực chẳng đã và chỉ trong thời hạn ngắn. Trần lãi suất huy động là một giải pháp hành chính, sức sống của nó không thể dài được. Khi thị trường ổn định, nhất định sẽ bỏ trần lãi suất.
Ông nói lãi suất liên ngân hàng đã giảm và ổn định nhưng lãi suất huy động từ dân cư vẫn còn cao. Vì sao thưa ông?
- Chức năng của thị trường liên ngân hàng là điều hòa vốn cho các tổ chức tín dụng. Vừa qua chức năng  này bị triệt tiêu vì có những qui định bất cập. Hàng loạt qui định ban hành trong thời gian qua phải được xem xét lại để dòng vốn được luân chuyển theo qui luật nước chảy chỗ trũng và trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
Một phần của các qui định bất cập trên nằm ở thông tư 13 và 19. Vậy chúng ta có điều chỉnh hai thông tư này?
- Nhiều năm trước chúng ta thiếu gạo vì ngăn sông cấm chợ, nhưng khi ta tạo ra được một thị trường liên thông, giá gạo trở nên bình ổn. Thị trường vốn cũng vậy. Chúng ta đã sử dụng một số biện pháp hành chính, nếu ta không kịp thời điều chỉnh nó, hoặc tháo gỡ nó thì bất cập ngày càng lan rộng. Thông tư 13 và 19 nhất định sẽ phải sửa đổi.
Liên quan đến lãi suất, đang có những quan điểm trái ngược nhau về lãi suất tiết kiệm. Một bên cho rằng lãi suất tiền gửi phải thực dương để đảm bảo lợi ích người gửi, bên kia không đồng tình. Nếu được lựa chọn, ông đứng ở bên nào, thưa Thống đốc?        
- Chưa có ai, chuyên gia hay viện nghiên cứu nào phân tích vì sao tăng trưởng tín dụng năm nay lại được Nghị quyết 11 ấn định là 20%. Tôi cho rằng con số đó phù hợp với mức độ tích lũy của nền kinh tế hiện khoảng 20% GDP/năm.
Định hướng lâu dài lãi suất tiền gửi không thể thực dương. Nó vô lý. Anh có tiền nhàn rỗi gửi, ngân hàng giữ hộ anh. Ngân hàng trả cho người gửi một mức lãi suất nhất định vì ngân hàng có thể sử dụng tiền gửi đó để kinh doanh. Ở các nước người dân mở tài khoản, ngân hàng giữ hộ tiền, ngân hàng không phải là kênh đầu tư. Nếu người dân muốn kinh doanh vốn, phải đầu tư ở thị trường chứng khoán. 
Hiện nay nhiều người đặt vấn đề lãi suất thực dương, người gửi tiền thậm chí mặc cả lãi suất với ngân hàng. Do lạm phát cao, chúng ta đã tăng lãi suất để giảm nhu cầu tín dụng, để người dân gửi tiền vào ngân hàng thay vì tìm kiếm dự án đầu tư, làm ăn hoặc tìm doanh nghiệp tốt niêm yết để mua cổ phiếu. Lãi suất cao nhằm hút bớt tiền trong lưu thông. Trong điều kiện bình thường, không nhất thiết lãi suất tiền gửi phải cao hơn lạm phát.
 
Nguồn tin: TBKTSG

ĐỌC THÊM