Nếu trước đây, việc bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại các cảng TP HCM diễn ra suốt ngày đêm, thì nay lại im ắng. Quyết định hạn chế xe tải lưu thông vào nội thành từ 6 giờ - 24 giờ gần 1 tháng qua khiến hàng hóa ứ đọng tại các cảng tăng lên từng ngày.
Hàng hóa ứ đọng gia tăng
Theo ông Trần Khánh Lâm, Phó giám đốc cảng Tân Thuận 2, do việc hạn chế xe, cảng đang tồn khoảng 20.000 tấn hàng. Không thể giải phóng được hàng đã khiến các tàu lớn chọn cảng khác để đổ hàng. Điều này khiến Tân Thuận 2 phải cắt giảm nhân viên và giờ làm việc. Lãnh đạo cảng này cho biết, vừa đầu tư 50 tỷ đồng để mua thiết bị và xe cẩu siêu trường, siêu trọng. Tuy nhiên, những thiết bị này đang có nguy cơ “đắp chiếu”. Ngoài ra, mỗi ngày cảng phải trả nợ và khấu hao thiết bị, máy móc hơn 100 triệu đồng. Nhưng thê thảm là hàng nghìn tấn thép do kho chứa đã đầy phải để ngoài trời nhiều ngày bắt đầu hoen gỉ, chủ hàng phản ứng dữ dội.
Hàng nghìn tấn thép tồn tại cảng đã bắt đầu hoen gỉ. Ảnh: Lê Tuấn. |
Cách đó không xa, cảng Lotus rộng hơn 15 ha không còn chỗ trống khi các thùng container đang chất đống. Mặc dù hàng hóa tại cảng khá nhiều, nhưng không khí làm việc lại nhàn nhã, các xe bốc dỡ hàng làm việc lấy lệ. Theo lãnh đạo cảng Lotus, mỗi tháng cảng tiến nhận bình quân 100.000-150.000 tấn hàng, nay do xe ra vào nhận hàng hạn chế, nên cảng đang tồn khoảng 100.000 tấn hàng. Ông Dương Thanh Khang, Phó giám đốc khai thác cảng Lotus cho biết, trong vài ngày tới, nếu không giải phóng được hàng, cảng buộc phải ngưng tiếp nhận tàu.
Bể kế hoạch cuối năm
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM và Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn đã có văn bản kiến nghị Sở GTVT TP HCM thay đổi phương án lưu thông để giúp doanh nghiệp cũng như các cảng bớt thiệt hại. Bởi ùn ứ hàng hóa khiến chủ hàng cõng thêm nhiều phí phát sinh, như phí lưu kho bãi khoảng 30.000 đồng/container/ngày, phí vận tải tăng 10 - 15%, phạt do chậm giao hàng... Không những thế, việc hàng hóa, nguyên liệu ách tại cảng khiến kế hoạch sản xuất kinh doanh mùa cao điểm cuối năm đảo lộn.
Ông Nguyễn Văn Hiền, đại diện Công ty Thép Việt Thành (Bình Chánh) kể khổ: 6.000 tấn thép của công ty chúng tôi kẹt tại cảng hơn 10 ngày qua đã khiến đơn hàng của công ty xuất đi Campuchia và trong nước bị trễ. Không chỉ thiệt hại lớn bởi thiếu nguyên liệu sản xuất, công nhân nghỉ việc vẫn phải trả lương, mà chúng tôi đang bị đối tác phàn nàn vì thất tín.
Trước thực trạng này, Sở GTVT TP HCM đã làm việc với lãnh đạo các cảng về vướng mắc trên, để báo cáo thành phố tìm biện pháp tháo gỡ. Nhưng hàng hóa ùn ứ tại cảng hiện vẫn chưa thể giải tỏa.
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, đề xuất cần điều chỉnh quy định thời gian cấm xe tải lưu thông với các tuyến đường ra vào nội đô, cho phép xe chạy từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Chung, sau 22 giờ, giao thông đã thông thoáng, xe tải lưu thông ít ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Ngoài ra, thành phố cũng nghiên cứu cho xe tải được lưu thông trên tuyến liên cảng: xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Tất Thành và ngược lại trong khung từ 9-16 giờ hàng ngày, vì hầm Thủ Thiêm đã kết nối đại lộ Đông Tây.
Ngoài ra, tuyến Trần Xuân Soạn (đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Rạch Ông, quận 7) hằng ngày một khối lượng hàng hóa rất lớn từ các cảng Vict, Bến Nghé, Khánh Hội phải lưu thông đến các bến bãi hàng dọc bờ sông. Nhưng việc hạn chế lưu thông ảnh hưởng lớn đến tiến độ trung chuyển hàng hóa về miền Tây qua đường này. Ông Chung đề xuất, với đường này, không nên hạn chế thời gian lưu thông.
Để kéo giảm ùn tắc giao thông, theo Quyết định 66 của UBND TP HCM, từ 6 - 24 giờ hằng ngày, cấm tất cả các loại xe tải có trọng tải hơn 2,5 tấn hoặc tổng tải trọng trên 5 tấn lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố theo hướng cầu Sài Gòn - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Tất Thành và ngược lại, để vào ra cảng Sài Gòn và một số cảng thuộc quận 4 và quận 7. Đồng thời hạn chế lưu thông với các phương tiện vận tải ở các tuyến đường vành đai như Nguyễn Văn Linh, Xa lộ Hà Nội, liên tỉnh lộ 25B, QL1A... Tất cả các phương tiện muốn vào cảng phải qua cầu Phú Mỹ (quận 7). |