Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thông tin xung quanh dự án mỏ sắt Thạch Khê

 Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam đã có kiến nghị đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê. TKV cũng đã có công văn đề nghị Chính phủ cho sớm đưa dự án trở lại hoạt động.

Trước kiến nghị liên quan đến đề xuất dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) cho biết, về giải pháp kỹ thuật công nghệ khai thác mỏ, phương án vận tải, thị trường tiêu thụ, năng lực tài chính của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), hiệu quả kinh tế dự án và đánh giá tác động môi trường… đã được các cơ quan thẩm định có đủ năng lực, kinh nghiệm trong nước và nước ngoài khẳng định đảm bảo tính khả thi; kết quả thẩm định dự án điều chỉnh đã được Chính phủ chấp thuận. Do vậy, dự án đủ điều kiện để có thể tiếp tục triển khai.

Thi công bóc đất cát mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam đã có kiến nghị đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện dự án này. Cùng đó, TKV cũng đã có công văn đề nghị Chính phủ cho tái khởi động và sớm đưa dự án trở lại hoạt động ổn định.

TIC thông tin, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học trong và ngoài nước thời gian qua cho thấy, mỏ sắt Thạch Khê có điều kiện khai thác thuận lợi, với hệ số bóc đất thấp. Mỏ có trữ lượng lớn khoảng 540 triệu tấn, hàm lượng 59,8% sắt, đủ điều kiện cho luyện kim. Đồng thời, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở sản xuất phôi thép trong nước, giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài.

Mỏ này được khai thác bằng phương pháp lộ thiên với đáy mỏ hai cấp được áp dụng phổ biến trên thế giới. Đồng thời, sử dụng đồng bộ thiết bị khai thác mỏ hiện đại. Các thông số kỹ thuật khai thác đã được tính toán chi tiết và được các tổ chức tư vấn thẩm định có uy tín, kinh nghiệm trong và ngoài nước thẩm định. Kết quả thẩm định khẳng định, đảm bảo khả thi về kỹ thuật, an toàn và đạt hiệu quả.

Về phương án vận tải quặng sắt, vị trí khu mỏ nằm trong khu vực có hệ thống giao thông vận tải tương đối thuận lợi bao gồm cả đường bộ và đường thủy. Trong 3 năm xây dựng cơ bản, tổng khối lượng quặng khai thác không lớn (4,4 triệu tấn) nên tạm thời vận chuyển quặng theo đường bộ. Hiện tại TIC đang triển khai dự án đầu tư cảng biển để kịp thời vận tải bằng đường thủy ngay sau kết thúc xây dựng cơ bản.

 

Quặng sắt mỏ Thạch Khê đã được đưa vào luyện thử nghiệm trên dây chuyền hiện có của một số cơ sở sản xuất phôi thép trong nước như: Công ty cổ phần thép Hòa Phát và Công ty gang thép Thái Nguyên. Kết quả cho thấy, chất lượng quặng hoàn toàn phù hợp với công nghệ; phôi thép sản xuất đạt yêu cầu chất lượng.

Ngoài ra, TIC đã phối hợp với tư vấn nước ngoài để tính toán lựa chọn công nghệ luyện hiện đại (theo tiêu chuẩn các nước G7), sử dụng 100% quặng sắt mỏ Thạch Khê để tiếp tục đầu tư dự án nhà máy luyện phôi thép khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

TIC cũng đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất thép trong nước với tổng nhu cầu từ 5-5,7 triệu tấn/năm (giai đoạn 1) và căn cứ theo nhu cầu thị trường đến năm 2020 ngành thép cần 18 triệu tấn quặng nên với sản lượng khai thác giai đoạn 2 là 10 triệu tấn/năm hoàn toàn có thể tiêu thụ hết để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Liên quan đến hiệu quả kinh tế - xã hội, dự án đạt hiệu quả kinh tế cao, người dân trong diện chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án được ưu tiên đào tạo nghề và được tiếp nhận vào làm việc. Cùng đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 3.500 lao động. Ngoài ra, TIC còn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư công trình an sinh xã hội…; đồng thời, nộp ngân sách trong giai đoạn 1 khoảng 1.500 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2 khoảng 2.800 tỷ đồng/năm.

Về đánh giá tác động môi trường của dự án, các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường đã được các cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Trong thời gian từ năm 2010 đến nay, Tổ giám sát môi trường đã định kỳ kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của dự án với tần suất tối thiểu 2 lần/năm.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo phục hồi môi trường của dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê điều chỉnh đã nêu rõ các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến môi trường. Đồng thời, đưa các giải pháp xử lý tránh tác động xấu đến môi trường từ giai đoạn thực hiện dự án đến kết thúc cả đời dự án.

Chẳng hạn như đối với vấn đề tháo khô, thoát nước mỏ, thiết kế đã tính toán lưu lượng nước chảy vào mỏ. Từ đó, đưa ra giải pháp thoát nước phù hợp với từng giai đoạn, đặc biệt với việc áp dụng đáy mỏ hai cấp nên các giải pháp tháo khô, thoát nước mỏ theo thiết kế hoàn toàn khả thi. Đối với đổ thải lấn biển, bãi thải lấn biển được sử dụng cho mục đích chứa chất thải rắn thông thường (cát, đá), không có độc tố gây hại.

Việc đổ thải chỉ được tiến hành khi hoàn thành xây dựng đê chắn theo từng block nên không xảy ra hiện tượng trôi dòng vật liệu làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Mặt khác, bãi thải có diện tích 923 ha, dung tích chứa 171 triệu m3, sẽ khắc phục được nhược điểm khi đổ thải cao trên đất liền.

Dự án sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) được Chính phủ giao Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê; trong đó, TKV làm nòng cốt để chủ trì triển khai dự án. Dự án này do Viện GIPRORUDA (Cộng hòa Liên bang Nga) lập và đã được Bộ Công Thương thẩm định và thông qua thiết kế cơ sở; UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; TIC phê duyệt và thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, TIC đã tạm dừng thực hiện dự án để điều chỉnh một số nội dung liên quan đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.

TIC đã triển khai các thủ tục pháp lý liên quan. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh điều chỉnh, thiết kế kỹ thuật để báo cáo các cấp thẩm quyền. Tuy nhiên, do dự án điều chỉnh có quy mô lớn, nên Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành thực hiện thẩm định dự án điều chỉnh và thiết kế kỹ thuật./.

Nguồn tin: Bnews

ĐỌC THÊM