Ngày 16.3, được biết ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng chủ động bán ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu hợp pháp (công tác, du lịch, học tập, chữa bệnh...) của cá nhân. Sẵn có passport và vé máy bay đi Bangkok (Thái Lan) trong tay, tôi quyết định kiểm chứng thực tế, đến ngân hàng để hỏi mua 1.600 USD. Chỗ bán chỗ không
Tại trụ sở Techcombank trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cô nhân viên giao dịch nghiêm nghị nói: “Ngân hàng đã ngưng bán USD trước tết, đang chờ quyết định mới”.
Cho rằng các ngân hàng nước ngoài thoáng hơn về quy định, tôi ghé vào HSBC trên đường Đồng Khởi, quận 1. Nhân viên ở đây giải thích khách hàng muốn mua USD, ngoài passport và vé máy bay đi nước ngoài còn cần phải có tài khoản HSBC. Đáp ứng đủ các điều kiện trên cũng chỉ mua được tối đa 500 USD/người.
Sẵn có văn phòng Commonwealth bên cạnh, tôi qua hỏi. Cô nhân
viên nhiệt tình bảo: “Ở đây chỉ bán đôla Úc, chứ không bán ngoại tệ nào khác”.
Tại ANZ, nhân viên cũng đòi phải có tài khoản ANZ, và còn tùy vào nguồn tiền mặt có sẵn để bán cho khách. Ngân hàng này cũng sẽ thu phí bán ngoại tệ, tối thiểu là 40.000 đồng. Khi tôi hỏi mua baht Thái thì nhân viên bảo chỉ có thể bán 100 – 200 baht.
Sẵn có tài khoản tại MB bank (ngân hàng Quân đội), tôi tìm đến sở giao dịch trên đường Hai Bà Trưng. Nhân viên phòng thanh toán quốc tế nói: “Anh muốn mua thì đợi em hỏi ý sếp, nhưng sếp đang họp, em sẽ báo lại anh sau qua điện thoại”.
Tôi bèn qua văn phòng AB bank (ngân hàng An Bình) cạnh đó. Nhân viên phòng thanh toán quốc tế sau khi xem qua passport, vé máy bay và hỏi mục đích đi nước ngoài của tôi, đã làm thủ tục bán USD với giá niêm yết: 20.865 đồng/USD, cũng với hạn mức 500 USD/người.
Sau khi hoàn tất giao dịch này, tôi nhận được điện thoại của cô nhân viên MB bank: “Anh tới ngân hàng làm thủ tục mua bán ngoại tệ đi, sếp em đã đồng ý bán cho anh 1.600 USD đúng giá niêm yết...”
Dư dả mới bán cho dân
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM: công văn 2033 do thống đốc mới ban hành hai, ba ngày nay nên có thể chưa thấy ngay hiệu ứng tích cực từ các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM đang tổ chức đi nắm tình hình ở các ngân hàng, có thể đầu tuần sau mới có thông tin. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của người dân cũng còn tuỳ vào trạng thái ngoại hối của từng ngân hàng, một số cần cân đối giữa cung và cầu. Nếu chưa mua được ngoại tệ, các nhu cầu học tập, trị bệnh, du lịch ở nước ngoài cần ngoại tệ có thể thanh toán qua thẻ thanh toán hay tín dụng quốc tế.
Bà Cao Thị Thuý Nga, phó tổng giám đốc ngân hàng Quân Đội (MB): “MB vẫn đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của người dân theo đúng quy định. Tuy nhiên, theo quy định của pháp lệnh ngoại hối thì không phải ai vào ngân hàng mua ngoại tệ cũng được. Muốn mua họ phải chứng minh nhu cầu là có thực và hợp pháp, thí dụ đi công tác nước ngoài phải có quyết định cử đi công tác của cơ quan”.
Ông Bùi Tấn Tài, phó tổng giám đốc ngân hàng ACB: “Người dân đến mua ngoại tệ mà nhu cầu đúng theo quy định và ngân hàng có nguồn cung thì ngân hàng bán. Tuy nhiên, tại thời điểm này lượng ngoại tệ ở ngân hàng cũng không dư dả. Có nguồn thì ngân hàng bán lại do doanh nghiệp là chính, vì đây là những đối tượng luôn cần ngoại tệ. Còn nhu cầu từ cá nhân thì ít hơn nhiều”.
Nguồn: SGTT.VN