Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có ý kiến về kế hoạch, tiến độ tái triển khai dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất. Theo đó, ưu tiên đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án; nếu sau tháng 6.2015 mà nhà đầu tư chưa có động tĩnh thì mới xử lý thu hồi giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT).
Mặc dù cam kết tiến độ thực hiện dự án theo GCNĐT điều chỉnh lần 3 là đến tháng 10.2012 sẽ hoàn thành về xây dựng nhưng đến nay dự án phần lớn vẫn là đất bỏ hoang.
Theo báo cáo của nhà đầu tư (công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam), đến tháng 10.2014 chỉ mới có 42 triệu USD vốn đã góp để thực hiện dự án. Vốn đã thực hiện đầu tư hơn 745 tỉ đồng. Trong lúc đó, chi phí của ngân sách nhà nước đã bỏ ra đền bù, GPMB là hơn 175 tỉ đồng.
Tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc tạm dừng dự án trong thời gian vừa qua là để tập đoàn JFE nghiên cứu và hợp tác đầu tư nên khi JFE rút đi thì chủ đầu tư tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết để tiếp tục triển khai dự án.
Cụ thể các mốc được xác định: trình hồ sơ, thủ tục điều chỉnh GCNĐT trước 31.12.2014; bắt đầu tiến hành thi công lại dự án vào tháng 6.2015. Nếu đến các mốc thời điểm trên mà nhà đầu tư không đáp ứng thì sẽ có báo cáo, xin ý kiến để quyết định thu hồi GCNĐT của Guang Lian.
Tỉnh này kiến nghị tập trung vào việc hỗ trợ nhà đầu tư và cho rằng điều kiện để thu hồi dự án là chưa đảm bảo chắc chắn ‘do các nguyên nhân khách quan trong thời gian vừa qua’.
Trong lúc đó, quỹ đất đã giao chiếm trên 73% tổng diện tích đất của dự án này nhưng sau 8 năm vẫn để ‘đắp chiếu’. Nhà đầu tư không thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quy định tại GCNĐT đã cấp, đến thời điểm này chỉ mới góp được 42 triệu USD/600 triệu USD vốn theo quy định. Không những vậy, chủ đầu tư còn vi phạm một số quy định của luật Doanh nghiệp năm 2005.
Dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất được bộ KH-ĐT cấp GCNĐT vào tháng 9.2006. Sau 4 lần điều chỉnh GCNĐT, cuối năm 2010, chủ đầu tư tiếp tục đòi điều chỉnh lần thứ 5 để tăng quy mô, công suất của dự án lên 7 triệu tấn; tăng diện tích dự án và tăng vốn điều lệ lên 900 triệu USD; điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 4,5 tỉ USD nhưng không được chấp thuận.
Hiện, dự án này do 2 công ty Đài Loan làm chủ đầu tư là công ty Tycoons (chuyên về sản xuất ốc vít) và E-United (chuyên về sản xuất thép).
Năm 2012, tập đoàn JFE (Nhật Bản) đến đặt vấn đề hợp tác để cùng thực hiện dự án. Tuy nhiên đến nay, JFE đã chính thức rút khỏi dự án vì cảm thấy không có lãi.
Nguồn tin: Một thế giới