Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/1/2017, đã có trên 1,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên là sự khởi đầu thuận lợi để có thể kỳ vọng thu hút FDI năm 2017 sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Vốn đổ vào công nghiệp chế biến, bất động sản
Trong tháng 1, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 67,1% tổng vốn đăng ký cấp mới với số vốn đăng ký đạt 834,9 triệu USD. Trong khi đó, bất động sản (BĐS) đạt đứng vị trí thứ hai, với 297,4 triệu USD, chiếm 23,9% tổng vốn FDI đăng ký. Các ngành còn lại đạt 111,5 triệu USD, chiếm 9%.
“Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ nhờ vào việc dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN. Trong đó, các ngành tiềm năng phát triển là giáo dục, y tế, công nghệ, thực phẩm, tiêu dùng nhanh….” - ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận xét. Với lĩnh vực BĐS, theo ông Hải, các nhà đầu tư ngoại luôn cho rằng, thị trường nhà ở tại Việt Nam với hơn 90 triệu dân vẫn là miếng bánh hấp dẫn để họ theo đuổi. Đặc biệt, khi một số chính sách về nhà ở đã được tháo gỡ, như cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, khuyến khích đầu tư vào nhà thu nhập thấp... Trong tháng 1 vừa qua, Nghị định về kinh doanh casino, nghị định về cá cược đã được Chính phủ chính thức ban hành cũng sẽ tạo lực hút mạnh đối với vốn FDI trong giai đoạn tới.
Lắp ráp thiết bị điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Theo Nhóm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam sẽ tiếp tục là "ngôi sao sáng" trong khu vực. Những nhận định này dựa trên kỳ vọng về xuất khẩu, chỉ số lạm phát, dòng vốn đầu tư, cam kết hành động quyết liệt của Chính phủ về đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế…
“Trong khi khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một bất lợi, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác” - ông Marios Maratheftis - Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế toàn cầu, Standard Chartered cho biết.
Trên thực tế, Việt Nam đang được đánh giá là một đất nước mở cửa với nhiều hiệp định thương mại đã và đang ký với các nước đối tác. Việt Nam hiện đã là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một cộng đồng được kỳ vọng đưa kinh tế vùng tăng trưởng 7,1%, gia tăng thêm 14 triệu công ăn việc làm vào năm 2025 nếu được quản lý, tận dụng hết ưu thế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trong vòng đàm phán với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Mặc dù nhỏ hơn TPP nhưng RCEP lại kết nối 3 thị trường đông dân nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN.
Thu hút chưa đồng đều
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, các khó khăn, thách thức cũng được đưa ra: Dòng vốn FDI của các đối tác lớn trong toàn cầu có xu hướng giảm; Cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt và theo các chuyên gia, sức cạnh tranh của môi trường đầu tư mỗi nước sẽ quyết định thành tựu thu hút đầu tư của nước đó.
Đối với Việt Nam, các tổ chức quốc tế đánh giá, những khó khăn nội tại của nền kinh tế đã tồn tại nhiều năm vẫn cần tiếp tục được khắc phục: Nguồn nhân lực chất lượng cao, đã qua đào tạo còn thiếu; Cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn yếu kém so với nhiều nước trong khu vực; Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Thực tế, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa khắc phục được các tồn tại từ năm 2014 chuyển sang. Điển hình như, số lượng DN Việt Nam đạt tiêu chuẩn sản xuất, cung cấp sản phẩm cho các DN FDI như Samsung, Canon... vẫn còn rất thấp so với yêu cầu của các nhà đầu tư. Các DN Việt Nam chỉ mới tham gia được vào các khâu gia công phụ kiện đơn giản.
“Chúng ta cần có sự bài bản hơn trong thu hút, quản lý FDI” - GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài nhận xét. Đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế và triển khai áp dụng nghiêm hệ thống quy định các yêu cầu bắt buộc về công nghệ, chuyển giao công nghệ, thu hút, đào tạo kỹ năng cho người lao động. Đồng thời giảm thiểu những mặt hạn chế, tiêu cực như nhập khẩu nhiều nhưng không chú trọng sản xuất mà chỉ tập trung vào gia công, lắp ráp và khai thác thị trường nội địa là chủ yếu; lợi dụng kẽ hở về chính sách, pháp luật của Việt Nam để thực hiện hành vi chuyển giá, kê khai lỗ hoặc lợi nhuận thấp để chuyển lợi nhuận về nước, không có đóng góp hoặc đóng góp rất thấp vào nguồn ngân sách Nhà nước của Việt Nam.
Thu hút vốn FDI trong giai đoạn đến năm 2020 phải được điều chỉnh theo hướng chú trọng nhiều hơn đến hiệu quả thu hút và nâng cao chất lượng đầu tư, tận dụng tối đa nguồn FDI để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và hiệu quả, thực hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Hạn chế tối đa những dự án FDI sử dụng công nghệ thấp, có khả năng tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, sinh thái.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 sẽ đạt 6,6%. Mức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất và xây dựng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong năm 2017 và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khoảng 10 tỷ USD, riêng đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam có thể tăng 12% so với năm 2016.
Nguồn tin: KT&ĐT