Sau 30 năm thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nguồn vốn FDI trở thành một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế FDI bộc lộ nhiều hạn chế. Đánh giá khách quan về kết quả và những tồn tại để có phương hướng đề xuất nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế FDI trong thời gian tới là việc làm cần thiết.
FDI và vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau 30 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực FDI đã ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong nền kinh tế Việt Nam.
Tính đến nay, cả nước đã tiếp nhận trên 25.690 dự án FDI đến từ 127 quốc gia và vùng lãnh thổ, với vốn đăng ký (còn có hiệu lực) là 322,9 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng hơn 170 tỷ USD. Khu vực FDI hiện nay đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư cho xã hội và 20% GDP của cả nước.
Các số liệu thống kê quá trình phát triển nền kinh tế Việt Nam từ năm 2000 đến nay cho thấy, quy mô nền kinh tế của nước ta đã lớn gấp nhiều lần, trong đó khu vực FDI góp phần ngày càng nhiều hơn về: Vốn đầu tư, thu ngân sách nhà nước, GDP, xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK), việc làm, thu nhập...
Theo đó, từ 1991 đến nay, vốn FDI thực hiện đã gia tăng nhanh chóng, trong giai đoạn 1991 - 2000 đạt 19,462 tỷ USD, bình quân 1,95 tỷ USD/năm. Giai đoạn 2001-2010 đạt 58,497 tỷ USD, bằng 3 lần thập niên trước đó và bình quân 5,85 tỷ USD/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2016 đạt 84 tỷ USD, bằng 4,55 lần giai đoạn 1991-2000 và 1,43 lần 10 năm trước đó, bình quân 12 tỷ USD/năm.
Đóng góp của FDI vào ngân sách ngày càng tăng, từ 2,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên khoảng 14,2 tỷ USD trong 10 năm từ 2001-2010. Tới năm 2011, khu vực FDI nộp ngân sách khoảng 3,5 tỷ USD; năm 2012 là 3,98 tỷ USD; 5,8 tỷ USD năm 2015 và 6 tỷ USD năm 2016.
FDI cũng đã góp phần quan trọng vào XK của Việt Nam. Những năm gần đây, XK của khu vực FDI chiếm trên 70% tổng kim ngạch XK của cả nước với các mặt hàng chủ lực là hàng công nghiệp công nghệ cao. Trong năm 2017, xuất siêu của khu vực FDI đã bù đắp được nhập siêu của khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước và tạo ra giá trị xuất siêu 2,7 tỷ USD của nền kinh tế Việt Nam.
...
Một số vấn đề đặt ra
Bên cạnh những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của Việt Nam, thực tiễn cũng cho thấy, vẫn còn với những tồn tại, hạn chế trong khu vực FDI tạo ra những tác động ngoài mong muốn đối với kinh tế - xã hội, bao gồm:
- Hiệu quả đầu tư không cao so với tiềm năng và thế mạnh của DN FDI: Vì mục tiêu lợi nhuận, FDI thường đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao như: khai thác tài nguyên nhiên nhiên, gia công, lắp ráp sản phẩm sử dụng nhiều lao động.
Như vậy, chỉ khai thác thế mạnh, mà không tạo được sự phát triển lan tỏa ra các ngành, làm mất cân đối trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu vùng kinh tế của Việt Nam.
Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn là những mặt hàng truyền thống: Dệt may, giày dép, túi xách, lâm khoáng sản, kể cả điện thoại, máy tính cũng là những ngành sử dụng nhiều lao động.
- Chuyển giao công nghệ chưa như kỳ vọng: Hầu hết các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam là từ các nước châu Á, có công nghệ và kỹ thuật lạc hậu, các nước Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc có công nghệ tiên tiến, hiện đại lại chiếm tỷ trọng nhỏ.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, 80% DN FDI có công nghệ trung bình, 14% công nghệ thấp và lạc hậu, 6% là công nghệ cao. Bên cạnh đó, các DN FDI đầu tư công nghệ thấp, sai địa điểm, sai mục đích, công suất sử dụng thấp so với mức tối đa cho phép, trình độ người lao động thấp, không có khả năng tiếp thu và vận hành công nghệ hiện đại.
...
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả vốn FDI
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Nâng cao hiệu quả thu hút FDI, chú trọng liên kết chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi đối với các dự án FDI có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với DN trong nước. Cụ thể:
Thứ nhất, cần tiếp tục thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng trong lĩnh vực này bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Phải xác định rõ thu hút đầu tư nước ngoài vừa là thời cơ, cũng vừa là thách thức, đồng thời vừa đấu tranh, vừa hợp tác... từ đó mới phát huy nội lực và nâng cao khả năng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, định hướng hoạt động của các DN FDI cho phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đối với những ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế, như nông sản và các sản phẩm sử dụng nhiều lao động, nên đầu tư nhiều hơn.
Một số mặt hàng ta không có lợi thế, như: Xi măng, thép, đường, giấy thì không nên đầu tư để xây dựng mới, mà chỉ củng cố những dự án đã có để sử dụng hết công suất, đặc biệt là khâu cung ứng nguyên liệu.
Khuyến khích các DN FDI sản xuất hàng xuất khẩu, đồng thời khai thác tối đa thị trường nội địa để thay thế hàng nhập khẩu...
...
Bài viết chi tiết mời độc giả xem trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 7/2018.
Nguồn tin: Tài chính