Từ tháng 3 đến nay, giá thép xây dựng luôn là điểm nóng trong dư luận. Nếu tính từ 1/3 đến nay, người ta ước tính cứ 2-3 ngày giá thép lại tăng từ 300 đến 500 ngàn đồng/ tấn.
Tổng cộng trong vòng 5 tuần, từ ngày 1/3- 6/4, giá thép tăng tới 4,2 triệu đồng/ tấn. Mức tăng như thế chỉ có thể sánh với mức tăng giá nửa đầu năm 2008 khi giá thép ngót nghét 20 triệu đồng/ tấn. Hiện nay, giá thép từ 16,6- 17 triệu đồng/ tấn vẫn còn thấp hơn đỉnh của năm 2008. Tuy nhiên, cái tốc độ tăng trong một tháng như thế khiến dư luận hốt hoảng. Đặc biệt, trong lúc giá thế giới có tăng nhưng cũng còn xa so với mức tăng của giá thép trong nước, trong khi cung thép cảtrong và ngoài nước đều không thiếu.
Vì sao giá thép lại tăng đến như vậy? Trong gần một tháng qua, nhiều chuyên gia cũng đã tìm cách trả lời câu hỏi này để từ đó “kê toa” đặc trị cho giá thép. Có thế kể ra mấy nguyên nhân. Trước hết, giá thép và phôi thép trên thị trường thế giới đã tăng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Giá phôi thép chào bán tại Việt Nam (giá CIF) đầu năm chỉ 490- 520 USD/ tấn, giữa tháng 3 tăng lên 540- 590 USD/ tấn. Giá thép phế đầu năm chào là 370- 380 USD/ tấn tới giữa tháng 3 tăng lên 390- 430 USD/ tấn. Tính bình quân mức tăng này chiếm11,7- 13%. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nước ta mới chỉ chủ động được 50% quặng, 30% thép phế, 60% phôi, còn lại phải nhập khẩu. Trong cơ cấu giá thành thép, nguyên vật liệu chiếm tới 95- 97%, còn 3-5% là chi phí quản lý, công suất. Với tỷ lệ cao như vậy thì khi giá thép trên thế giới tăng, giá thép trong nước sẽ tăng là điều dễ hiểu.
Thứ hai, giá thép tăng còn là do một loạt yếu tố đầu vào khác như điện, tỷ giá, lãi suất ngân hàng… tăng.Tuy nhiên, các yếu tố ấy có làm tăng giá lên cũng chỉ hơn chục phần trăm chứ tăng như tên lửa thăng thiên trong 5 tuần qua thì ắt hẳn phải có những lý do khác. Cung cầu mất cân đối chăng? Chẳng phải. Vì hoàn toàn dư thừa thép phục vụ các nhu cầu trong nước. Quý I vừa qua, ngành Thép bán ra 1220 ngàn tấn thép. Riêng tháng 3 là thép giá tăng mạnh thì mức tiêu thụ lên 560 ngàn tấn, tăng 88% so với tháng 3/2009 và bằng 1,7 lần mức tiêu thụ bình quân hàng tháng trước đây (320 ngàn tấn/ tháng). Trong khi đó, ngay từ đầu tháng 3, VSA khẳng định nguồn phôi dự trữ đủ sản xuất trong tháng 3 và tháng 4 với 430- 450 ngàn tấn, tồn kho thép cũng còn khoảng 300.000 ngàn tấn.
Như vậy, quan hệ cung cầu không có vấn đề gì nên chuyện tăng giá chỉ ở khâu sản xuất và tiêu thụ.
Nhiều ý kiến chỉ ra giá thép tăng do có một phần sản xuất. Việc giá thép, phôi thép thế giới tăng thời gian gần đây khiến các nhà sản xuất thép trong nước luôn điều chỉnh giá theo mức tăng của thế giới. Từ 15/3- 23/3, nhiều doanh nghiệp trong VSA liên tục tăng giá. TCty Thép điều chỉnh giá 4 lần, Công ty Thép Thái Nguyên điều chỉnh 5 lần, Công ty Kim Khí Hà Nội điều chỉnh 4 lần… Do điều chỉnh giá dày đặc như vậy nên nhà máy cũng chỉ giao hàng cho các đại lý một cách dè dặt, cầm chừng, nhỏ giọt. Nhiều đại lý phản ảnh do phải mua đuổi, bán đuổi nên có lúc nhận được tin nhắn về nhận hàng còn ngập ngừng thì bên bán phán luôn: “Hàng không nhiều đâu, giá còn lên nữa, không lấy thì hết”. Cùng với thông tin về giá thép thế giới tăng được khuyếch đại, cách bán hàng nhỏ giọt cũng gây ra tâm lý bất an. Mức tiêu thụ tăng vọt trong tháng 3 vừa qua đâu phải do nhu cầu xây dựng tăng đột biến hay đây là kết quả của cuộc chạy đua mua thép vì sợ giá lên, hay là cách găm hàng đầu cơ giá của các đại lý. Có thể nói rằng, thép đã bị làm giá bởi cách điều chỉnh giá, lối bán ra cầm chừng và các tác động tâm lý.
Có ý kiến phê phán rằng, doanh nghiệp nhập phôi thép lúc giá thép thấp nhưng vẫn tính giá lúc cao để nâng giá lên. Chúng tôi lại cho rằng, doanh nghiệp mua được hàng lúc rẻ bán được lúc đắt là bình thường. Đó là cơ may của doanh nghiệp. Nếu không thế, người ta phân tích dự đoán, dự báo làm gì. Các doanh nghiệp bỏ tiền tỷ ra mua những bản phân tích ấy làm gì.
Việc mua được phôi lúc rẻ và tính giá phôi lúc cao vào giá bán của doanh nghiệp thép không đáng phê phán nhưng cần phê phán và rút kinh nghiệm về cung cách điều chỉnh giá dày đặc, bán hàng cầm chừng, tạo tâm lý bất an trong xã hội. Trò đó thúc đẩy việc đầu cơ, tăng giá.
KTĐT