Đề xuất tổ chức tín dụng được thu phí 2% so với tỷ giá chuyển khoản niêm yết khi bán ngoại tệ cho cá nhân được nhiều ngân hàng thương mại tán thành. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng việc thu phí như vậy là không công bằng và chỉ là giải pháp ngắn hạn. Đông Á là ngân hàng đầu tiên lên tiếng cam kết bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng.
Eximbank cũng cho biết hiện đã bán ngoại tệ cho cá nhân có nhu cầu. Theo đó, cá nhân đến nước nào thì ngân hàng sẽ bán loại tiền của nước đó. Trong trường hợp mua đôla Mỹ tiền mặt để đi nước ngoài, nếu chứng minh được nhu cầu sử dụng ngoại tệ hợp lý thì ngân hàng sẽ giải quyết.
Hiện nay những ngân hàng trên cam kết bán ngoại tệ cho người dân đều chưa thu thêm bất kỳ một khoản phí nào. Tuy nhiên, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, nếu ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được thu thêm phí đối với ngoại tệ thì ngân hàng sẽ dễ thở hơn nhiều. Theo ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á thì việc cho phép ngân hàng thu phí mua bán ngoại tệ là cần thiết vì tiền mặt nằm trong ngân hàng không sinh lời song ngân hàng vẫn phải dự trữ nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngoại tệ cho khách hàng. Mặt khác, bên cạnh các chi phí giao dịch, kiểm đếm, thủ tục… ngân hàng phải chịu lỗ khi trong thời gian qua đã thoả thuận mua lại nguồn USD từ doanh nghiệp với giá cao hơn niêm yết, ngoài ra còn phải mất tiền nhập USD với số lượng lớn, chi phí kiểm ngân...
Ở phía bán ra, hợp pháp hoá việc thu phí sẽ gỡ khó cho ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề ngược lại là người dân có ngoại tệ, muốn bán cho ngân hàng, thì có được ngân hàng trả phí 2% không? Đây là câu hỏi khá nhiều người dân quan tâm vì theo họ nếu không tách bạch câu chuyện này người dân sẽ thiệt thòi. Hiện người dân khi mua thì phải mua giá cao, còn bán thì phải chấp nhận bán giá thấp cho ngân hàng. Phần thua thiệt đang đẩy cho người dân.
Tìm hiểu thực tế tại một số quầy thu đổi ngoại tệ, trong vài ngày qua, lượng ngoại tệ người dân bán cho ngân hàng chưa có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân, theo chủ các đại lý này cho biết, đó là hiện người dân đang chọn kênh gửi tiết kiệm để chờ có chính sách cụ thể rồi mới tính toán việc có bán hay không loại ngoại tệ cho ngân hàng. Theo giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại nhà nước, hiện tại ngân hàng này cũng giải quyết cho người dân mua ngoại tệ với mục đích chính đáng, nhưng do nguồn cung không lớn nên số lượng bán ra cũng hạn chế. Hiện tại ở chi nhánh của vị này, việc người dân đến bán ngoại tệ cũng hầu như không có.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng vấn đề thu bao nhiêu thì hợp lý, bởi vì họ cho rằng mức thu phí 2% là quá cao và cũng không nhất thiết cố định một mức trần phí như vậy. Trong trường hợp cung cao, cầu thấp, ngân hàng có thể điều chỉnh phí cho phù hợp. Các ngân hàng có thể cạnh tranh để có mức phí thấp nhất mà người dân chấp nhận được. Ở chiều ngược lại, ngân hàng cũng phải có chính sách hợp lý để người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng. Được như thế, người dân sẽ không cần giao dịch ở chợ đen.
Nguồn: SGTT.VN