TT (TP.HCM) - Sáng 31-3, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá kết quả tích cực của quý 1-2009 đã tạo ra khả năng phát triển cho các quý sau, có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc, quý 1-2009 nền kinh tế nước ta là một trong 12 nước vẫn có tăng trưởng dương (3,1%). Thủ tướng chỉ đạo mục tiêu chung trong thời gian tới vẫn tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế; vừa duy trì, vừa phấn đấu để sớm khôi phục đà tăng trưởng; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn; đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng…
“Hiện đã thấy các dấu hiệu tích cực” - Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với các nhận định kết quả kinh tế quý 1-2009 là tích cực. Phó thủ tướng đề nghị giữ mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5-5,5%. Về giải pháp, cần triển khai nhanh các chủ trương liên quan đến tín dụng tiêu dùng và sản phẩm mở rộng tín dụng tiêu dùng; làm các chính sách về tiền lương; thông tin tốt hơn về tổng thể gói giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, phục hồi đà tăng trưởng với tổng mức trên 8 tỉ USD…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: các chính sách mới thuộc quyền của Chính phủ trong vòng mười ngày đầu tháng 4 sẽ ký ban hành. Theo Thủ tướng, phải làm khẩn trương. Thủ tướng cũng thống nhất kiến nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng GDP năm 2009 khoảng 5%.
Một trong những nội dung được thảo luận trong ngày làm việc thứ hai của phiên họp Chính phủ là kích cầu cho nông thôn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung cho phát triển nông nghiệp, đảm bảo nông dân trồng lúa có lãi 30%. Theo Thủ tướng, phát triển nông nghiệp mang ý nghĩa rất lớn là tạo nền tảng ổn định xã hội và đây cũng là thị trường lớn cho công nghiệp.
Thủ tướng nhắc Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn tính toán, đưa các loại thức ăn chăn nuôi vào danh mục các mặt hàng kiểm soát giá, vì việc này liên quan đến chi phí đầu vào của nhiều nông dân. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất kích cầu cho nông thôn, nông dân với giải pháp cho vay ưu đãi để trang sắm các loại nông cụ, cơ giới hóa nông nghiệp.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng phân tích: với chủ trương phát hành thêm 20.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, cộng với số đã phát hành sẽ nâng nguồn vốn này lên khoảng 64.000 tỉ đồng. Ông lưu ý nguồn vốn này phải tập trung cho các mục tiêu giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nhà ở cho sinh viên… Riêng khoản ngân sách 20.000 tỉ đồng tạm ứng thêm từ tiền nhàn rỗi của ngân hàng, Phó thủ tướng cho rằng cần ưu tiên cho việc giải quyết vốn đối ứng ODA; bổ sung cho các mục tiêu giáo dục, y tế…
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với kiến nghị mở rộng diện hỗ trợ lãi suất nhằm tạo điều kiện duy trì sản xuất, giải quyết việc làm. Tất cả các khoản tín dụng đầu tư, tín dụng lưu động… cần được hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, việc bảo lãnh tín dụng cần mở rộng hơn, nhất là đối với các khoản tín dụng nhập khẩu máy móc, thiết bị, chuyển đổi công nghệ… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với kiến nghị mở rộng diện hỗ trợ lãi suất (mức 4%/năm) đối với các khoản vay đầu tư thay vì chỉ hỗ trợ lãi suất cho phần vốn vay lưu động như đã quyết.
(Tuổi trẻ Online)