Shi Zhengrong được biết đến là “ông vua mặt trời” khi trở thành người đàn ông giàu thứ 5 tại Trung Quốc vào năm 2006. Chưa đầy 3 năm sau, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán New York của ông - Suntech - đã trở thành nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, mỗi năm sản xuất lượng pin mặt trời đủ để cung cấp cho 1 triệu ngôi nhà ở Mỹ.
Đối với các nhà sản xuất đang chật vật tại Mỹ và Đức, Suntech là một trong những cỗ máy khổng lồ của Trung Quốc với sức tàn phá khủng khiếp. Cỗ máy này đã đổ ào ạt vào thị trường thế giới các sản phẩm siêu rẻ, đẩy hàng loạt đối thủ vào cảnh khốn đốn, thậm chí phá sản.
Thế nhưng, cái kết bất ngờ đã xảy ra vào tháng 3/2013 khi Suntech nộp đơn xin bảo lãnh phá sản. Từ mức vốn hóa thị trường 16 tỉ USD vào thời kỳ đỉnh điểm, Công ty giờ chỉ còn trị giá khoảng 180 triệu USD. “Ông vua mặt trời” cũng bị truất ngôi vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị và đang bị điều tra.
Suntech nói riêng, ngành năng lượng mặt trời nói chung là ví dụ điển hình cho tình trạng thừa cung tại nhiều ngành, lĩnh vực của Trung Quốc. Và đây đang là một mối đe dọa lớn cho nước này.
Báo động đỏ
Từ ngành hóa chất, xi măng, thép cho đến TV màn hình phẳng đều bị thừa cung. Và điều này đang giảm mạnh lợi nhuận của các doanh nghiệp và đe dọa gây thêm bất ổn cho nền kinh tế Trung Quốc. “Không chỉ là lĩnh vực công nghệ sạch, mà còn cả các ngành như thép, đóng tàu cũng bị thừa cung”, Hank Paulson, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nhận xét.
Hơn 50% nhà sản xuất nhôm của Trung Quốc đang hoạt động thua lỗ. Trong khi đó, theo một khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp Trung Quốc, ngành xi măng chỉ mới sử dụng 2/3 công suất vào năm ngoái. Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 50% sản lượng thép và nhôm và khoảng 60% xi măng của thế giới nhưng điều đáng nói là sản lượng mới vẫn gia tăng mặc cho kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Sức hấp thu yếu ớt trong khi thừa cung lớn đã dẫn đến cái chết của Suntech và trong tương lai không xa sẽ có thêm nhiều số phận tương tự. Li Junfeng, chuyên gia cố vấn chính sách năng lượng cấp cao tại cơ quan kế hoạch nhà nước của Trung Quốc, ví von ngành năng lượng mặt trời như một bệnh nhân đang phải sống nhờ máy trợ thở và cho biết cần phải xóa sổ ít nhất phân nửa công suất của ngành này.
Tình trạng thừa cung hiện nay có một nguyên nhân chủ yếu. Đó là chính sách trợ cấp hào phóng của Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là của các chính quyền địa phương, trong suốt thập kỷ qua. Đối với những ngành sử dụng nhiều lao động, đa số các công ty đều không hề tận dụng được lợi thế chi phí giảm nhờ quy mô lớn.
“Chúng tôi khám phá ra rằng trợ cấp chiếm tới khoảng 30% sản lượng công nghiệp. Hầu hết các công ty chúng tôi nghiên cứu đều có thể bị phá sản nếu không có trợ cấp”, Usha Haley, Giáo sư Quản trị và Giám đốc Trung tâm Robbins về Kinh doanh và Chiến lược Toàn cầu, Đại học West Virginia (Mỹ), nhận xét.
Tình trạng thừa cung còn có một nguyên nhân khác. Đó là các công ty đã lập kế hoạch đầu tư và tăng trưởng với niềm tin rằng Chính phủ sẽ không bao giờ để cho tăng trưởng kinh tế xuống dưới mức 8% hoặc 9%. Niềm tin này đã được củng cố khi chính quyền Bắc Kinh đã đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bằng cách tung ra gói kích thích kinh tế tới 650 tỉ USD.
Tham vọng lớn, thất vọng nhiều
Suốt thập kỷ qua, Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là chính quyền các địa phương, đã hào phóng trợ cấp cho các công ty con cưng với tham vọng đưa chúng trở thành các tập đoàn toàn cầu. Nhưng tham vọng này đã không thực hiện được. Ngành thiết bị di động chẳng hạn.
Cách đây 10 năm, chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu đưa các tên tuổi lớn trong nước như Panda, Konka và Ningbo Bird trở thành kẻ thống lĩnh thị trường thế giới. Khi đó, các chuyên gia phân tích đã dự đoán những nhà sản xuất giá rẻ này sẽ so kè được với Nokia, Ericsson và Motorola. Thế nhưng, cho đến nay, ngay cả tại Trung Quốc, không một công ty nào trong số các công ty này trở nên quen thuộc với người dân.
Hiện nay, những công ty được trợ cấp nhiều đang nằm trong danh sách bị rủi ro nhất như các hãng xe Chery, BYD và Geely. Bởi lẽ, tình trạng thừa cung trong ngành ôtô đang rất đáng báo động. Geely chẳng hạn, đã có tới hơn phân nửa lãi ròng trong năm 2011 đã đến từ trợ cấp.
Với việc tăng trưởng có xu hướng chậm lại ở mức 7,5% hoặc thấp hơn, chính phủ mới của Trung Quốc càng quyết tâm hơn trong việc giải quyết tình trạng thừa cung.
“Chúng tôi sẽ ra sức thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển và thay đổi cơ cấu kinh tế. Chúng tôi sẽ nghiêm cấm việc phê duyệt dự án mới trong những ngành thừa cung và tuyệt đối sẽ ngừng xây dựng các dự án vi phạm quy định”, Zhang Gaoli, Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế, cho biết.
Nói dễ hơn làm. Bởi lẽ, không phải bây giờ mà ngay từ nhiều năm nay, chính phủ Trung Quốc đã tìm mọi cách để giải quyết vấn đề này nhưng không mấy thành công. Lý do là gặp phải rào cản từ phía các chính quyền địa phương, vốn vẫn muốn bảo vệ những “đứa con” của mình.
Trong ngành thép chẳng hạn, những nỗ lực trước đó nhằm chỉnh đốn ngành thép đã không thành công vì không thể đóng cửa các nhà máy thép vì chúng đã tạo ra khối lượng lớn công ăn việc làm và là nguồn thu thuế của các chính quyền địa phương đang kẹt vốn.
“Rất khó để tìm ra một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề thừa cung của Trung Quốc. Bạn không biết phải đóng cửa công ty nào. Bạn chọn những công ty đang thua lỗ hay gây ô nhiễm nặng nề hay đang vi phạm các quy định của ngành và buộc chúng phải đóng cửa. Điều đó cực kỳ khó”, ông Zhang Xiaogang, người đứng đầu Anshan Iron & Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ tư Trung Quốc, nhận xét.
Để cứu các công ty khỏi đổ vỡ, chính quyền địa phương lại tiếp tục trợ cấp và tạo thành một vòng luẩn quẩn. “Họ cứ trợ cấp mà không quan tâm đến việc trợ cấp đó có mang lại kết quả hay không. Vì thế, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi họ cứ trợ cấp mãi cho sự thiếu hiệu quả đó. Và cứ thế, tăng trưởng lại đi xuống”, John Vice, Phó Chủ tịch General Electric, nhận xét.
Nguồn tin:Nhịp Cầu Đầu Tư