Liệu chính sách thuế xuất nhập khẩu “đảo như rang lạc” trong ngành thép chỉ trong vòng vài tháng nay là dấu hiệu của quản lý linh hoạt, hay là bằng chứng về thiếu tầm nhìn của cả Nhà nước và doanh nghiệp? Câu trả lời có thể ở vế thứ hai.
Xuất ngược phôi thép
Đầu quý 2 năm nay, các cảng biển ở Hải Phòng và TP.HCM trở nên quá tải bởi hàng đống những lô hàng phôi thép nhập khẩu, mà các doanh nghiệp là chủ, không chịu thông quan. Lý do: giá phôi thép bán trong nước chỉ ở mức 800 – 850 USD/tấn, bằng với thép thành phẩm, trong khi giá của nguyên liệu này ở thị trường quốc tế đã lên tới 1.000 – 1.200 USD/tấn. Tình trạng vênh giá ở thị trường bên ngoài bắt nguồn từ những lo ngại quá mức của ngành thép toàn cầu đối với những tín hiệu của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Nhưng, với những doanh nghiệp nhập khẩu, lời giải bài toán này thật đơn giản: xuất ngược!
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với các nhà sản xuất phôi thép trong nước trong giai đoạn này. Họ tìm cách xuất khẩu phôi, thay vì “găm” hàng chờ khách. Ví dụ, công ty thép Đình Vũ đã bán phôi sang Thái Lan, Philippines với giá hời hơn. Trong khi đó, Đình Vũ lại nhận được từ những khách hàng truyền thống như thép Việt – Úc, thép Việt – Hàn, thép Hoà Phát và thép Việt – Ý, các công văn thông báo ngừng mua phôi thép. Các công ty thép này, đã phải cắt giảm sản lượng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ, và những dấu hiệu trầm lắng của thị trường bất động sản mới xuất hiện lúc đó.
Sự năng động, hay đúng hơn là sự phản ứng tích cực theo cơ chế thị trường của các doanh nghiệp này, tiếc thay, đã bị đả phá và ngăn cản bởi chính những đối tác ngành thép của họ. Hiệp hội Thép Việt Nam đã vội vàng kiến nghị Nhà nước tăng thuế xuất khẩu, nhằm để cho sản xuất thép trong nước không bị ảnh hưởng do thiếu phôi. Ngay lập tức, bộ Công thương và Tài chính đã lên tiếng ủng hộ. Thuế xuất khẩu phôi thép đã được tăng lên 10% vào cuối tháng 6.2008, rồi 20% vào giữa tháng 8.2008 từ mức chỉ 2% trước đó.
Kết cục của câu chuyện trong ngành thép hôm nay giống hệt đoạn kết của câu chuyện không xuất khẩu gạo cách đây nửa năm. Giá phôi thép trên thế giới đã rơi tự do từ 1.115 USD/tấn vào đầu tháng 7.2008 xuống còn 320 USD/tấn vào đầu tháng 11/2008. Cho dù thuế xuất khẩu phôi thép đã được điều chỉnh xuống 5% hiện tại, và dự kiến xuống 0% sau cuộc họp giữa các bộ và hiệp hội Thép được tổ chức đầu tuần này, thì cơ hội tăng lợi nhuận đã bị bỏ lỡ, trong khi ngành thép đang bắt đầu những dấu hiệu của khủng hoảng thừa.
Khủng hoảng thừa?
Theo hiệp hội Thép Việt Nam, hiện còn tồn kho khoảng 400.000 tấn thép thành phẩm và 500.000 tấn phôi. Tuy vậy, hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội lại dự báo một con số lớn gấp hơn ba lần. Theo hiệp hội này, lượng thép các loại đang tồn đọng tới 3 triệu tấn, trong đó khoảng 1 triệu tấn là thép tấm lá, còn lại là thép xây dựng, phôi thép và thép phế liệu. Cho dù những con số thống kê này khác nhau, nhưng có điểm chung: nó cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép đang khó khăn đến mức nào. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã dự báo, khoảng một nửa trong số 500 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép hiện nay không vượt qua nổi giai đoạn này, và thậm chí một phần trong đó có thể phá sản.
Hiện tại, giá thép cuộn và thép cây sản xuất trong nước đang ở mức 13,5 – 13,7 triệu đồng/tấn (chưa có thuế giá trị gia tăng), là không thể cạnh tranh với những sản phẩm tương ứng nhập từ Trung Quốc, bán ở mức 14 triệu đồng/tấn (đã tính thuế giá trị gia tăng). Hiệp hội Thép, như những lần trước, lại xin Nhà nước tăng thuế nhập khẩu thép lên 25%, từ mức 8% hiện nay. Nếu được chấp thuận, rõ ràng, người tiêu dùng trong nước, hơn ai hết, sẽ lãnh đủ. Điều này sẽ trầm trọng hơn, khi chính các doanh nghiệp sản xuất thép gần đây đã “bắt tay nhau” giữ giá thép.
Tăng thuế xuất khẩu phôi, rồi lại giảm; hạ thuế nhập khẩu thép, rồi lại tăng – rõ ràng những chính sách cho ngành thép đang có vấn đề, xét ở góc độ quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Nó chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm. Nhìn rộng hơn, nó đi ngược lại cam kết mở cửa thị trường và hội nhập mà Việt Nam đeo đuổi. Liệu thị trường sẽ như thế nào khi những dự án đầu tư nước ngoài cực lớn như Tata, Posco,… với tổng công suất tới 40 triệu tấn/năm sẽ đi vào hoạt động trong một vài năm tới (trong khi nhu cầu trong nước chỉ ở mức 10 triệu tấn/năm trong năm 2007)? Và liệu bản thân các doanh nghiệp ngành thép có dự báo được nhu cầu khi thị trường bất động sản luôn bất ổn như hiện nay, trong khi họ không bao giờ được biết danh sách các dự án đầu tư công mà Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước phải cắt giảm? Những câu hỏi này, và nhiều câu hỏi khác, rõ ràng, chưa được trả lời cho ngành kinh tế quan trọng này.
(VnMedia)