Hôm qua, trong khi các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH) thì ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhiều chuyên gia kinh tế ngồi lại bàn về những dư địa chính sách thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2018 và những năm tiếp theo. Chủ đề này có thể nói rằng đã rất cũ, nhưng thật tiếc là nó vẫn mang nguyên tính thời sự.
Giải ngân đầu tư công: Không thể tiếp tục chậm trễ
Tăng trưởng quý III ở đâu ra 7,46%?, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đặt câu hỏi. Rồi ông tự trả lời: Vẫn là đóng góp của khoáng sản (dù tính chung 3 quý thì giảm nhưng quý sau vẫn cao hơn quý trước - PV); nông nghiệp; công nghiệp chế tạo với một vài sản phẩm như thép, hàng điện tử và khu vực đầu tư nước ngoài. “Năm tới những yếu tố này có còn không? Nếu không thì bù đắp ra sao?”. Tự thân cách đặt vấn đề của này có lẽ đã hàm ý những điểm tựa cho tăng trưởng năm nay đều không mang tính bền vững. Tuy nhiên, Viện trưởng CIEM khẳng định rằng: “Vẫn còn nhiều dư địa cho đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Cụ thể, dư địa chính sách tài khóa, theo TS. Nguyễn Đình Cung, không phải ở tăng thu để giảm bội chi và nợ công mà phải giảm chi thường xuyên để tăng đầu tư và giảm nợ công. PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho biết, giai đoạn 2012 - 2016, tốc độ tăng chi đầu tư phát triển chỉ đạt 6,5%/năm, trong khi tốc độ tăng chi thường xuyên là 14%. “Tỷ trọng chi thường xuyên tăng hơn 10 điểm phần trăm trong giai đoạn 2005 - 2015. Điều này cũng có nghĩa khó cắt giảm thâm hụt ngân sách giai đoạn tới hơn, bởi chi thường xuyên khó cắt giảm hơn chi đầu tư phát triển”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cảnh báo.
Trong bối cảnh nhu cầu của địa phương đang rất lớn mà nguồn lực ngân sách có giới hạn, TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân bổ nguồn lực quốc gia một cách hợp lý. Trước mắt, nên dành nguồn lực cho những nơi đang có năng suất cao, có khả năng tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đối với những nơi không có khả năng phát triển các hoạt động kinh tế thì nguồn lực chỉ tập trung cho các vấn đề an sinh xã hội. Theo TS. Huỳnh Thế Du, nên theo nguyên tắc tập trung có trọng điểm để làm cho cái bánh lớn lên trước khi tính đến việc chia bánh.
Một dư địa nữa mà TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng “rất lớn” chính là nâng cao hiệu lực quản lý, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư công. “Phải tháo bỏ ngay các vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, không thể tiếp tục chậm trễ như hai năm gần đây”, ông nói.
Cùng với đó là tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân trong nước. Ông cho biết, hiệu quả của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam rất cao, thậm chí gấp tới 3 lần so với doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nếu tính theo tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư. “Ngay từ đầu năm, chúng ta đặt yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải có cái thiện về hiệu quả tài chính để tạo áp lực, trách nhiệm và động lực cho họ”, Viện trưởng CIEM hiến kế.
Nuôi dưỡng doanh nghiệp
Ở góc độ doanh nghiệp, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, các chính sách nên bảo đảm chữ tín và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kinh doanh. “Tư tưởng phải lấy bớt khi ai đó thành công nên cố thu được nhiều ngân sách càng tốt thay vì nuôi dưỡng, khuyến khích những người thành công đang rất nặng nề”, ông nhận xét.
Đi sâu vào các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bớt ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu và thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước.
Cùng với đó là tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các biện pháp như giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí hậu cần, giảm các chi phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc… Ông đặc biệt nhấn mạnh việc không tăng lương theo mệnh lệnh hành chính. Và nếu tăng thì không quá tốc độ tăng năng suất lao động theo thỏa thuận của người lao động và chủ sử dụng lao động.
Một câu chuyện quan trọng khác là tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “mỗi năm doanh nghiệp chỉ chịu kiểm tra không quá 1 lần” và thay đổi thái độ và mục tiêu kiểm tra theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp tuân thủ đúng luật pháp thay vì chủ yếu để xử phạt doanh nghiệp.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, hiện các loại chi phí nhiên liệu, cầu đường, bốc xếp tại cảng, chi phí phát sinh do tắc nghẽn giao thông đường bộ, các khoản thanh toán không chính thức… đã góp phần làm tăng chi phí logistics.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam đang phải chịu chi phí vận chuyển quá cao, chiếm 30 - 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Ông Lê Duy Hiệp cho rằng, nếu không có những thay đổi tích cực và giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, thì gánh nặng của các chi phí không chính thức bên cạnh các chi phí logistics sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành hàng hóa, và là rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí chuỗi giá trị hàng hóa và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Nguồn tin: Tài chính