Tiêu chuẩn về thép xây dựng của Việt Nam cần sớm được điều chỉnh để ngăn chặn các trường hợp gian lận thương mại |
Theo “tố cáo” của Hiệp hội Thép Việt Nam, một số doanh nghiệp đang có hành vi gian lận thương mại trong nhấp khẩu thép để trốn thuế. Đối phó với tình hình, Bộ Tài chính đã điều chỉnh mức thuế nhập khẩu mặt hàng thép hợp kim (có chất Bo). Quyết định này đang gây tranh cãi.
Lắt léo
Ngày 17/3/2009, ông Vũ Thành Long - Giám đốc công ty Thép Thành Long (Cty Thành Long), có văn bản (số 54-09/STL) gửi Thủ tướng Chính phủ khiếu nại việc hải quan (HQ) Lạng Sơn điều chỉnh mức thuế nhập khẩu (NK) các lô hàng thép của doanh nghiệp này trong năm 2009.
Ông Long cho biết, tính đến ngày 13/2/ 2009, Cty Thành Long đã mở 17 tờ khai NK 28.839 tấn thép. Theo khai báo của doanh nghiệp đây là thép hợp kim, được ưu đãi với mức thuế NK là 0%, do đó họ chỉ phải nộp thuế GTGT khoảng 17,2 tỷ đồng (số liệu trong bài được làm tròn).
Tuy nhiên, đến ngày 28/2/2009 (sau 15 ngày nhận được lô hàng cuối cùng) công ty bất ngờ nhận được quyết định quyết định truy thu thuế của HQ Lạng Sơn cho 11 tờ khai mở từ ngày 10/1/2009 đến 20/1/2009 với số tiền truy thu khoảng trên 5,5 tỷ đồng và quyết định ấn định thuế cho 6 tờ khai từ ngày 7/2/2009 đến 13/2/2009 với số tiền thuế NK trên 6,5 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế NK truy thu lên tới trên 12,1 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cục HQ Lạng Sơn cho biết: 17 tờ khai NK thép nói trên của Cty Thành Long được HQ Lạng Sơn chia thành 2 loại. Một là 11 tờ khai NK mở trước 2/2/2009. Với 11 tờ khai này, HQ Lạng Sơn căn cứ vào QĐ 123/QĐ-BTC (QĐ123) của Bộ Tài chính. Theo quy định tại quyết định này thì mặt hàng thép hợp kim (có hàm lượng Bo >= 0,0008% thuộc mã hàng hoá 7227900010) có thuế NK ưu đãi là 5% thay vì 0% như đã tính toán khi cho thông quan thực tế trước đó.
Điểm đáng bàn và cũng là căn cứ để Thành Long khiếu nại chính là thời điểm hiệu lực của văn bản. QĐ 123 được Bộ Tài chính ký ngày 26/1/ 2008, sau đó 22 ngày (ngày 18/1/2009) mới được đăng công báo. Theo quy định sau 15 ngày đăng công báo (tức là ngày 2/2/2009) QĐ 123 mới chính thức có hiệu lực. Nhưng lắt léo (và cũng là điểm làm cho doanh nghiệp khốn đốn) là ở chỗ văn bản này lại có quy định hồi tố - nghĩa là áp dụng với các tờ khai mở từ ngày 1/1/2009. Và 11 tờ khai NK đã “rơi” vào thời điểm “éo le” này. Doanh nghiệp bị truy thu tới 5,6 tỷ đồng trong bối cảnh hàng hóa NK đã thông quan và bán hết. Thành Long chỉ là một trong 3 doanh nghiệp sẽ bị truy thu thuế với tổng số tiền truy thu lên tới khoảng 50 tỷ đồng. Kiện lên Thủ tướng, Cty Thành Long cho rằng doanh nghiệp đã NK hàng hóa trong thời điểm QĐ 123 chưa có hiệu lực, việc truy thu như vậy là áp đặt.
Trao đổi với với chúng tôi, ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho rằng, liên quan đến vấn đề hiệu lực của các văn bản pháp luật có một số điểm trong thực tế chưa được Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp pháp luật giải quyết thấu đáo. Vẫn còn có cách hiểu khác nhau về một số quy định cụ thể hướng dẫn thi hành trong các văn bản. Tuy nhiên ông Sơn cũng cho rằng việc ban hành các văn bản - trong đó có các quy định hướng dẫn thực hiện - cần làm sao để doanh nghiệp có thể thực hiện đúng, không bị đặt doanh nghiệp vào thế bất lợi.
Không đề cập đến trường hợp khiếu nại cụ thể của Cty Thành Long, ông Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc quy định có tính chất hồi tố (áp dụng thời điểm trở về trước khi văn bản có hiệu lực) trong văn bản chỉ được thực hiện trong điều kiện thật cần thiết (ví dụ như ngăn chặn hành vi gian lận). Trong WTO, có quy định các quy định dự định thực hiện phải được thông báo công khai trước khi thực hiện 60 ngày. Ông Huỳnh cũng đồng tình quan điểm cho rằng, các văn bản quy định phải đảm bảo tính minh bạch và không gây thiệt hại cho người thực hiện.
Có gian lận không?
Tuy nhiên, vụ việc của Cty Thành Long không dừng ở đó. Cùng với một số doanh nghiệp khác, Cty Thành Long đang đối mặt với một thực tế khác nghiệt ngã hơn. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cáo buộc tới các cơ quan chức năng và Thủ tướng, các doanh nghiệp này có hành vi “gian lận trốn thuế” trong việc NK thép. Theo VSA, một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật trốn thuế bằng cách NK thép có thêm ít chất Bo khai báo thành thép hợp kim. VSA khẳng định thép có thêm chất Bo thực chất chỉ là thép thông thường (có thuế NK 15%) chứ không phải thép hợp kim (thuế NK ưu đãi là 0%).
Tuy nhiên, theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 7446-1:2004) loại thép có chứa hàm lượng nguyên tố Bo từ 0,0008 trở lên là thép hợp kim. Tiêu chuẩn ISO 4948/1-1983 cũng quy định thép có chứa hàm lượng nguyên tố Bo từ 0,0008% trở lên là thép hợp kim. Theo Biểu thuế XNK, biểu thuế NK ưu đãi, mặt hàng thép với hàm lượng Bo từ 0,0008% trở lên thuộc loại “thép hợp kim khác” mã 7221.90.00.10. Mặt hàng này trước khi có QĐ123 được hưởng mức thuế NK ưu đãi 0% (QĐ 123 điều chỉnh tăng 5%). Xét “án tại hồ sơ” thì doanh nghiệp không làm gì sai. Bởi thực tế thời điểm doanh nghiệp nhập khẩu và khai báo mặt hàng, mặt hàng thép (có thêm chất Bo) theo các quy định về tiêu chuẩn thép của Việt Nam là thép hợp kim; mà Biểu thuế NK, thuế NK thì quy định “thép hợp kim” (mà 7227) có mức thuế ưu đãi 0% (từ 2-2-2009, theo QĐ 123 thuế NK 5%).
Tại thời điểm này, doanh nghiệp không vi phạm quy định của hải quan trong việc khai báo và áp mã thuế NK đối với mặt hàng thép (có thêm hàm lượng chất Bo này). Mặt khác việc ra quyết định truy thu một khoản tiền thuế lớn (ước gần 50 tỷ đồng) không chỉ “giết” doanh nghiệp mà còn đặt cơ quan quản lý vào thế “khó” (treo một khoản nợ thuế lớn). Thực tế không truy thu nổi đã từng diễn ra không chỉ đối với riêng một mặt hàng này.
Bằng công cụ thuế (ấn định mức 5% với thép có Bo), Bộ Tài chính rõ ràng không xử lý triệt để được hành vi tận dụng khoảng hở của pháp luật của doanh nghiệp. Một chuyên gia luyện kim bình luận, tăng thuế với thép có Bo, doanh nghiệp rất có thể xoay sang nhập thép có Mn - Si hay một chất nào đó khác để được hưởng thuế suất NK ưu đãi! Để ngăn chặn gian lận, việc đầu tiên cần làm chính là sớm ban hành tiêu chuẩn mới của Việt Nam.
Bộ Tài chính đã có công văn chỉ đạo hải quan trên toàn quốc áp dụng thuế nhập khẩu là 15% như thép xây dựng đối với các loại thép cuộn chứa chất Bo, dù có bất cứ xuất xứ từ đâu. Sau đó, doanh nghiệp cần khai báo đầy đủ về kết quả thành phần, đặc tính cơ lý hóa và mục tiêu sử dụng của sản phẩm. Nếu kết quả là thép hợp kim, phục vụ đúng mục đích chế tạo sản phẩm cơ khí thì được hoàn thuế, nếu là thép chỉ bán cho công trình xây dựng thì sẽ vẫn giữ mức thuế 15%. |