Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thuế – phí "đè nặng" doanh nghiệp khoáng sản?

 Với mức đóng góp ngân sách chưa tới 2% doanh thu từ ngành tài nguyên (trừ dầu khí), các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản đang phải “gánh” gần 15 loại thuế – phí khác nhau cùng cách tính khá phức tạp.

Phải chăng có sự quan liêu khi tạo ra “khoảng cách” giữa chủ trương trên giấy với thực tiễn của ngành khai khoáng hiện nay.

Luật Khoáng sản đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch nhưng thực tế triển khai vẫn chưa như kỳ vọng. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về khoảng cách giữa những chủ trương quy định trên giấy và thực tiễn thi hành của ngành khai khoáng.

Thực tế hiện nay, các DN khai thác khoáng sản đang phải chịu gần 15 loại thuế – phí khác nhau, với cách tính thu thuế – phí tương đối phức tạp. Trong khi ngành tài nguyên (ngoài dầu khí) chỉ đóng góp vào ngân sách có 0,9 – 1,1% doanh thu. Thậm chí, nhiều địa phương phản ánh số tiền này không đủ cho chi phí quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

 

Luật Khoáng sản được ban hành năm 2010 nhưng tới năm 2014 mới có văn bản hướng dẫn song lại giới hạn khoáng sản nên số lượng mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá không nhiều. Tại địa phương tính tới tháng 6/2016, có 7/52 tỉnh thành có kế hoạch đấu giá với tổng giá trị khoảng 39 tỷ đồng, còn Trung ương chưa triển khai.

Phí “không chính thức” cao

Liên quan đến cấp phép, Luật Khoáng sản 2010 quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản song không quy định rõ các tiêu chí lựa chọn DN qua đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là DN có đủ khả năng thực hiện.

Ngoài ra, quy định hiện nay không yêu cầu công khai thông tin của quá trình cấp phép DN đăng ký cấp phép cũng như DN được lựa chọn cấp phép,nên mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh. Nhiều DN đã phải trả những khoản phí không chính thức để có được giấy phép khai thác.

Ngay cả khi các quy định đấu giá được kỳ vọng sẽ đưa vào áp dụng đại trà để giảm thiểu cơ chế “xin – cho” nhưng tới nay, những trường hợp thực hiện đấu giá vẫn là con số khiêm tốn.

Đồng thời, liên quan đến hoạt động quản lý thu, nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản thường được đánh giá chưa tương xứng với quy mô khai thác. Bộ Tài chính cho biết, ngành tài nguyên (ngoài dầu khí) chỉ đóng góp vào ngân sách 0,9 – 1,1% doanh thu. Thậm chí, nhiều địa phương phản ánh số tiền trên không đủ cho chi phí quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Vì vậy, tại hội thảo “Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực hiện”, ông Nguyễn Minh Đức, Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá pháp luật Việt Nam về khoáng sản tương đối tốt, song thực thi tương đối kém.

Để chứng minh nhận định, ông Đức cho biết, hiện có khoảng 15 loại với cách tính thu thuế – phí khá phức tạp. “Khi chúng ta áp dụng quá nhiều khoản thu với cách tính phức tạp, hiển nhiên nguồn thông tin và cách tính sẽ không chính xác”, ông Đức nhận định.

Thậm chí, khi được hỏi có phải trả khoản phí không chính thức? Câu trả lời của các DN khoáng sản luôn là có và thường cao hơn các DN khác, từ 2% trở lên.

Ngoài ra, ông Đức cho biết thêm, dù DN tiếp cận thông tin tốt hơn nhưng phải có mối quan hệ với cơ quan Nhà nước để có thông tin. Do “sếp có mối quan hệ với cơ quan Nhà nước nên biết được” – đây là câu trả lời của một DN khai thác khoáng sản.

Về đấu giá, theo ông Đức, mỗi mỏ khai thác phải tổ chức đấu giá, trừ khi được ủy quyền, nhưng thực tế mỏ được đấu giá rất thấp, cơ quan trung ương không tổ chức được đấu giá mỏ và DN xin đấu giá rất ít.

Dẫn tới, quy định phải lấy ý kiến cấp phép dự án khoáng sản thông qua ba vòng có sự tham gia của người dân khu vực trước khi cấp phép hoạt động, cấp phép đầu tư, lập báo cáo tác động môi trường không đạt được nên hầu hết người dân không được lấy ý kiến.

Thất thu thuế vì “ăn đầu ngọn”

Liên quan tới vấn đề vấn đề này, Ts. Nguyễn Tiến Chỉnh – Chủ tịch Hội khoa học công nghệ mỏ Việt Nam – cho biết, Luật Khoáng sản được ban hành năm 2010 nhưng tới năm 2014 mới ban hành văn bản hướng dẫn nhưng lại giới hạn khoáng sản nên số lượng mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá không nhiều.

Thực trạng đấu giá được ông Chỉnh cho biết, tại địa phương tính tới tháng 6/2016, có 7/52 tỉnh thành có kế hoạch đấu giá với tổng giá trị khoảng 39 tỷ đồng, còn Trung ương chưa triển khai.

Nguyên nhân là do hồ sơ đấu giá không đủ năng lực tài chính, DN cần có thêm chuyên môn thăm dò khai thác khoáng sản. Ngoài ra, việc thu phí tham gia đấu giá khá cao, 10 – 12 triệu đồng/hồ sơ và phí đặt cọc 11 – 15% giá trị khởi điểm, khiến DN gặp khó về tài chính nên không đấu giá.

Tiếp đến là vấn đề thuế – phí trong lĩnh vực khoáng sản, ông Lê Ái Thụ – Chủ tịch Hội địa chất kinh tế Việt Nam – cho biết, theo quy định tại Luật Khoáng sản, khoáng sản là tài sản quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân, như vậy thu thuế vào ngân sách để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề thu lúc nào, phục vụ lúc nào, dân không hề biết.

“Thực thi của Luật vẫn mang khẩu hiệu nhiều hơn. Thậm chí, thu ngân sách hiện hành đang dẫn tới thất thoát tài nguyên nhiều hơn, vì mối quan hệ thu ngân sách với tài nguyên không được xác định theo cơ sở khoa học”, ông Thụ chia sẻ.

Theo ông Thụ, quy định pháp luật rất tốt khi Nhà nước khuyến khích dự án đầu tư khai thác gắn chế biến để có giá trị và hiệu quả cao hơn. Song những quy định sau đó không đưa ra được vấn đề vì thu ngân sách theo kiểu tăng thu trên một đơn vị sản phẩm khiến DN phải chi thêm tiền và mất khả năng đầu tư, để lại tổn thất trong lòng đất.

“DN phản ánh không có khả năng đầu tư chế biến để đưa ra sản phẩm cao hơn, do năng lực tài chính của DN không đủ; nguyên nhân là vì khả năng đầu tư vào công nghệ chiều sâu bị ảnh hưởng bởi tiền cấp quyền phải nộp. Lượng tiền đáng lẽ đầu tư vào mỏ khai thác tốt hơn đang phải nộp vào ngân sách. Đồng tình là phải thu, nhưng nhiều DN bị thiệt và không có khả năng đầu tư. Cách tính toán thu “ăn đầu ngọn” như vậy, dẫn tới thất thu nhiều hơn là tăng thu”, ông Thụ cho biết. Do vậy, ông Thụ cho rằng cần làm rõ thuế – phí có hợp lý hay không?

Đồng quan điểm, đại diện Liên minh Khoáng sản Việt Nam đặt câu hỏi về khoản thu ngân sách khoáng sản tăng lên trong những năm gần đây mà không được rõ lý do. Dù vẫn biết thuế tài nguyên tăng lên, nhưng cần giải thích rõ tăng thế nào lại không thấy. Thậm chí, với những DN khoáng sản ở miền núi cao, địa hình kém phát triển, ngoài khoản thu thuế của Nhà nước còn có các khoản thu khác như sửa chữa hạ tầng, ủng hộ địa phương,… và những khoản thu này thật khó minh bạch và công khai.

Đặc biệt, có ý kiến cho rằng DN nào càng minh bạch thì càng thua lỗ và thiệt thòi. Vì vậy, đại diện Vụ chính sách thuế (Tổng cục Thuế Việt Nam) kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nhằm minh bạch hoạt động khoáng sản, để các DN tham gia nhìn thấy môi trường pháp lý và thông tin minh bạch, để những DN “núp bóng” và hoạt động “kinh tế ngầm” phải minh bạch.

Ông Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất Việt Nam

Chính sách, quy định pháp luật phải phù hợp với đối tượng điều chỉnh (khoáng sản), nhất là các chính sách tài chính trong lĩnh vực khoáng sản. Đồng thời, pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan luật khác (môi trường, đất đai, nước, tài chính, tài nguyên môi trường biển…) phải đồng bộ, không chồng chéo, cát cứ.

Ông Nguyễn Tiến Chỉnh, Chủ tịch Hội khoa học công nghệ mỏ Việt Nam

Cần hoàn thiện chính sách tài chính thuế (thuế – phí) theo hướng ưu tiên khai thác tận thu tối đa tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và hải quan. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên theo nguyên tắc xem xét không thu phí cấp quyền khai thác mỏ mà gộp vào thuế tài nguyên với mức thuế suất phù hợp theo cơ chế thị trường và giá trị tô mỏ.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Thiết chế pháp lý khoáng sản tương đối minh bạch nhưng về quy hoạch thì việc lập và sửa đổi thiếu minh bạch. Thông tin khoáng sản DN tiếp cận từ quan hệ rất nhiều, trong khi cơ chế đấu giá hoàn toàn thất bại.

Nguồn tin: NDH

ĐỌC THÊM