Hãng thép đua nhau tăng giá
Trong 3 tháng đầu năm, giá thép liên tục giảm, nguồn thép ngoại với giá rẻ tràn về cạnh tranh quyết liệt với hàng nội. Mới đây, Chính phủ cho phép tăng thuế suất nhập khẩu thép và phôi thép nhằm không để giá thép trong nước giảm thêm, gây thiệt hại cho các DN sản xuất thép trong nước.
Đối với loại thép cuộn có chứa chất bo thuế suất từ 0% tăng lên 10%; thuế nhập khẩu phôi thép từ 5% lên 8%. Ngoài ra, mặt hàng thép cũng được Nhà nước giảm 50% thuế GTGT để ổn định giá cả. Tuy nhiên, việc điều chỉnh các loại thuế không được các nhà sản xuất, kinh doanh chia sẻ nhằm ổn định giá cả thị trường, nhiều DN còn tìm cách đẩy giá lên.
Ngày 20-4, Tổng Công ty Thép VN tiếp tục điều chỉnh giá thép tăng thêm 100.000 đồng/tấn trong khi trước đó, chỉ khoảng tuần lễ, giá thép cũng đã tăng 150.000 đồng/tấn. Thép cuộn giao tại nhà máy lên 9,9 triệu đồng/tấn, thép cây 10,6 triệu đồng/tấn. Tương tự, các công ty sản xuất thép Vinakyoei, Pomina... cũng đã tăng giá bán 150.000 đồng/tấn.
Giá thép xây dựng trên thị trường TPHCM đã lên đến 11 triệu đồng/tấn. Ảnh: H.THÚY |
Một số DN còn cho biết khả năng cuối tháng này hoặc đầu tháng tới sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá thêm 150.000 đồng/tấn... Do giá đầu nguồn tăng nên giá thép trên thị trường TPHCM trong 2 tuần qua đã tăng 3 đợt, tổng cộng tăng từ 700.000 đồng- 800.000 đồng/tấn, lên khoảng 11,1 triệu đồng/tấn.
Lãnh đạo một công ty sản xuất thép tại TPHCM giải thích: Sở dĩ giá thép tăng là do giá phôi thép trên thế giới đang tăng trở lại, hiện lên đến 400 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với tháng trước; nguồn thép phế liệu hiện nay cũng rất khó tìm mua. Trong khi đó, gần đây các công trình xây dựng lớn đã hoạt động lại nhiều hơn.
Thị trường phía Bắc đang có hiện tượng thiếu hàng, do nhu cầu thép tăng cao nên một số nhà máy rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất... Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, với giá phôi thép khoảng 400 USD/tấn, cộng với chi phí sản xuất, chi phí bán hàng là 100 USD, giá thành một tấn thép cũng chỉ khoảng 9 triệu đồng.
Như vậy, nhà sản xuất bán ra khoảng 9,2 triệu- 9,4 triệu đồng/tấn là đã có mức lãi hợp lý. Thế nhưng giá thép đang được nhiều hãng bán đến 9,9 triệu- 10,6 triệu đồng/tấn, lãi tới 1,8 triệu đồng/tấn.
Tìm đủ cách đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên
Một trong những nguyên nhân thời gian qua nhiều hộ chăn nuôi đã phải chuyển nghề là do giá thức ăn chăn nuôi quá cao, người chăn nuôi lỗ lã. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu hầu hết các loại nguyên liệu chính dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi bằng 0%. Một số nguyên liệu bổ sung cũng được giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống còn 2%...
Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh, cho biết thực tế giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới đã giảm mạnh từ cuối năm 2008 nhưng giá thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn còn rất cao. Hiện giá thức ăn cho gà vẫn còn từ 180.000 đồng- 200.000 đồng/bao, thức ăn cho heo từ 150.000 đồng- 170.000 đồng/bao (25 kg). Gần đây, giá mặt hàng này lại đang có chiều hướng tăng lên.
Theo giới chăn nuôi, sở dĩ giá thức ăn chăn nuôi không giảm được là do tính cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng này rất thấp. Hầu hết các cơ sở sản xuất lớn đều do DN nước ngoài chi phối. Cũng giống như thị trường sữa, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi luôn tìm đủ mọi cách để đẩy giá lên với lý do là họ đưa thêm nhiều chất bổ sung với giá thành cao. Tuy nhiên, trên thực tế, họ có đưa vào hay không chỉ có họ biết mà thôi.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, cho biết giá khô dầu hiện nay chỉ còn 375 USD/tấn, giảm 55 USD/tấn so với tháng trước. Giá thức ăn chăn nuôi đang có chiều hướng tăng là do giá heo, gà gần đây tăng mạnh, các nhà sản xuất thức ăn đẩy giá lên theo.
(Người Lao Động)