Khi Bộ Tài chính đề xuất nâng tỷ lệ thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ mức 10% lên 12%, nhiều chuyên gia cảnh báo cần phải xem xét quyết định này một cách cẩn trọng vì thuế GTGT có bản chất lũy thoái, tức đánh vào người có thu nhập thấp nhiều hơn người có thu nhập cao.
Rất nhiều mô hình kinh tế lý thuyết chỉ ra rằng so với hệ thống thuế dựa trên thuế thu nhập, hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ, mà ở đây thuế GTGT là một biến thể, có nhiều ưu điểm hơn hẳn. Nó đơn giản và dễ thu hơn, tạo ra nguồn thu cho Nhà nước ổn định hơn, ít tạo ra quyền lực ban phát cho chính quyền hơn, và có ảnh hưởng tiêu cực ít hơn tới tăng trưởng. Tuy nhiên, hệ thống thuế này vẫn vấp phải sự phản đối vì nó bị gán cho cái mác lũy thoái (regressive) chứ không phải là lũy tiến (progressive) như hệ thống thuế thu nhập. Sự thật có phải như vậy không?
Vì sao thuế tiêu thụ lại thường bị hiểu là thuế lũy thoái?
Thuế tiêu thụ thường bị coi là lũy thoái vì người có thu nhập thấp thường phải chi tiêu hầu hết khoản thu nhập của mình, trong khi đó người có thu nhập cao chỉ phải bỏ ra một phần để chi tiêu.
Chẳng hạn, với cùng mức thuế tiêu thụ 10%, người có thu nhập 5 triệu đồng và phải chi tiêu hết sẽ phải đóng thuế 0,5 triệu đồng; người có thu nhập 10 triệu đồng, chi tiêu 8 triệu đồng sẽ phải đóng thuế 0,8 triệu đồng; còn người có thu nhập 20 triệu đồng, chi tiêu 12 triệu đồng, sẽ phải đóng thuế 1,2 triệu đồng. Nếu quy đổi sang thuế thu nhập thì người có thu nhập 5 triệu đồng phải đóng thuế 10%, người có thu nhập 10 triệu đồng phải đóng thuế 8%, còn người có thu nhập 20 triệu đồng chỉ phải đóng thuế có 6%.
Trong khi đó, với hệ thống thuế thu nhập lũy tiến thì người có thu nhập 5 triệu đồng sẽ không phải đóng thuế; có thu nhập 10 triệu đồng phải đóng thuế 10%; còn có thu nhập 20 triệu đồng thì sẽ phải đóng thuế trung bình 12,5% (nếu như mức thuế từ 10-20 triệu đồng là 15%).
Một cách nhìn khác
Tuy nhiên, cách nhìn vấn đề thu nhập, chi tiêu, và nộp thuế tại một thời điểm như trên có thể là phiến diện. Nếu nhìn dưới góc độ hành vi tiêu dùng và cả cuộc đời thì tình thế sẽ khác. Mỗi người dân, mỗi gia đình đều mong đợi tương lai tốt hơn, cho chính bản thân mình và con cái của mình. Vì thế, ngoại trừ những người có mức thu nhập quá thấp, không thể tiết kiệm, đa số những người/hộ gia đình có thu nhập thấp ở thời điểm hiện tại sẽ có xu hướng tiết kiệm để chi tiêu sau này.
Bảng dưới đây minh họa điều đó. Khi còn trẻ, một người có thu nhập 5 triệu đồng sẽ cố gắng tiết kiệm 1 triệu đồng và chỉ chi tiêu 4 triệu đồng. Cũng với người này, khi trưởng thành, có thu nhập cao hơn, chẳng hạn 10 triệu đồng, sẽ có thể có mức chi tiêu 8 triệu đồng từ thu nhập hiện tại và 1 triệu đồng từ tiết kiệm và chỉ tiết kiệm thêm 2 triệu đồng cho sau này. Đây là giai đoạn mà anh ta sẽ phải xây dựng gia đình, chăm sóc con cái... nên phải chi tiêu nhiều. Khi về già, thu nhập chỉ còn bảy 7 triệu đồng, anh ta sẽ không chỉ chi tiêu hết số tiền này mà còn cả số tiết kiệm trước đó nữa. Trong trường hợp này, tỷ lệ thuế lần lượt theo giai đoạn sẽ là 8%, 9% và 12,9%. Đối với những người giàu có hơn, chẳng hạn như được thừa kế từ bố mẹ, mức chi tiêu trong giai đoạn trẻ có thể còn cao hơn mức thu nhập, và do vậy tỷ lệ chịu thuế trong giai đoạn đầu có thể sẽ cao hơn đáng kể so với người có thu nhập thấp.
Những phân tích trên cho thấy thuế tiêu thụ ít mang tính lũy thoái hơn rất nhiều nếu nhìn dưới góc độ hành vi tiêu dùng và trong đời người. Người có thu nhập thấp không hẳn sẽ phải chịu nhiều thuế hơn so với người có thu nhập cao.
Bằng chứng thực tế
Trong những năm qua, các nước châu Âu và một số nước khác thuộc nhóm OECD đã đi tiên phong trong việc áp dụng hệ thống thuế GTGT. Đa số các quốc gia này đều áp dụng thuế suất GTGT tương đối cao so với các quốc gia khác trên thế giới, và đều tăng tỷ lệ trong những năm vừa qua, trung bình ở mức 19,2% vào năm 2016 so với mức 17,8% vào năm 2005. Điều khá ngạc nhiên là, những quốc gia được xem như là mẫu hình của nhà nước phúc lợi như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch đều áp dụng mức thuế GTGT rất cao, lên tới 24-25%. Điều ngạc nhiên nữa là những quốc gia này áp dụng tỷ lệ cao gần như ngay từ rất sớm chứ không phải như một số nước rơi vào hoàn cảnh có nguy cơ vỡ nợ như Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Hy Lạp.
Việc những quốc gia mẫu hình về nhà nước phúc lợi - tức những quốc gia luôn quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng hơn ở những quốc gia phát triển khác như Mỹ hay Anh - áp dụng thuế suất GTGT rất cao từ rất sớm cho thấy họ không quan ngại việc áp dụng thuế tiêu thụ sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng.
Những nghiên cứu thực nghiệm công phu gần đây ở các nước OECD ngày càng khẳng định mạnh mẽ hơn điều này. Cụ thể, báo cáo nghiên cứu “The distributional effects of consumption taxes in OECD countries” (2014) tại 20 nước OECD, dựa trên dữ liệu thu nhập gia đình của các hộ dân cư tại các quốc gia này, cho thấy thuế tiêu dùng hầu như không có tính lũy thoái nếu tính theo tỷ lệ chi tiêu của hộ dân, thậm chí ở một số quốc gia lại có tính lũy tiến, trái ngược với cái nhìn thông thường.
Ngụ ý nào cho Việt Nam?
Thuế GTGT đã được chính thức áp dụng ở Việt Nam kể từ năm 1999. Kể từ đó, tỷ trọng đóng góp của loại thuế này vào trong tổng mức thu thuế ngày càng tăng. Nếu như vào năm 2005, thuế GTGT chỉ mới đóng góp 23,9% thì đến năm 2016 con số này đã lên tới 35,7%. Nếu nhìn rộng ra với các loại thuế tiêu thụ khác như thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường thì tỷ lệ đóng góp của nhóm thuế tiêu thụ trên tổng mức thu thuế đã lên tới 49,4% vào năm 2016.
Nếu như tới đây Bộ Tài chính tăng mức thuế cũng như mở rộng quy mô đối tượng hàng hóa chịu thuế GTGT thì chắc chắn con số trên sẽ nhanh chóng vượt qua mức 50%. Điều này có nghĩa là nguồn thu thuế của Việt Nam sẽ dựa đa phần vào thuế tiêu thụ chứ không phải là thuế thu nhập (hoặc các loại thuế trực thu khác).
Để có được một quyết định chính xác, nhận được sự ủng hộ rộng rãi, Bộ Tài chính hoặc tốt nhất là Quốc hội, nên phối hợp với một tổ chức nghiên cứu độc lập, tiến hành một nghiên cứu toàn diện và đầy đủ đánh giá tác động của thuế GTGT trong thời gian vừa qua đối với đời sống của các nhóm dân cư và tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Quốc hội quyết định có tiếp tục dịch chuyển mạnh hơn nữa nguồn thu thuế từ các loại thuế thu nhập sang thuế tiêu thụ hay không.
Nguồn tin: KTSG