Các công ty được hưởng lợi là những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng tự chủ phôi thép, trong khi những doanh nghiệp không sở hữu nhà máy phôi và phải mua ngoài toàn bộ sẽ bị thiệt hại đầu tiên.
Sau khi Bộ Công thương có Quyết định 862 ngày 7/3/2016 về việc áp dụng các biện pháp bảo hộ tạm thời trước sự cạnh tranh của các sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc vào Việt Nam, các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định rằng, chỉ các doanh nghiệp sản xuất thép tự chủ trong nước mới được hưởng lợi.
Theo Quyết định 862, mức thuế tự vệ dành cho phôi thép là 23,3% và thép dài là 14,2% trong thời hạn tối đa 200 ngày, trong khi Bộ Công Thương tiến hành điều tra cáo buộc Trung Quốc bán phá giá thép vào thị trường Việt Nam.
Mặc dù mức thuế tự vệ đã được ban hành nhưng không ít quan điểm cho rằng, động thái này mới chỉ đem lại cho doanh nghiệp sản xuất phôi trong nước thêm 200 ngày đỡ khó khăn. Về dài hạn, áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất luyện và cán thép trong nước vẫn rất lớn.
Công ty chứng khoán Bản Việt nhận xét, công ty hưởng lợi lớn từ quyết định này là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vì HPG tập trung vào kinh doanh các sản phẩm thép dài. Năm 2015, HPG đã gặp áp lực lớn từ thép nhập khẩu khi giá bán trung bình giảm 16%, chủ yếu do cạnh tranh từ thép Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa.
Công ty này đã giả định giá bán sản phẩm trung bình của HPG sẽ tiếp tục giảm 10% trong năm 2016. Với quyết định của Bộ Công thương, Bản Việt sẽ đánh giá lại giả định giá bán trung bình năm 2016 trong báo cáo sắp tới của HPG.
Hiện tại, mức thuế suất nhập khẩu phôi thép hợp kim từ Trung Quốc là 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN -Trung Quốc (ACFTA), thuế nhập khẩu các loại phôi thép không hợp kim đang ở mức 5% - 10% và thuế nhập khẩu thép dài từ Trung Quốc phổ biến ở mức 15%.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc áp thuế đồng nhất giữa phôi thép hợp kim và không hợp kim sẽ xóa bỏ tình trạng lách luật của Trung Quốc khi trộn thêm yếu tố Bo, Crom vào phôi thép nhằm hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi dành cho thép hợp kim.
Với việc áp thuế tự vệ thương mại, chắc chắn lượng hàng nhập khẩu sẽ giảm xuống. BVSC đánh giá các công ty được hưởng lợi là những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng tự chủ phôi thép, bao gồm HPG, VIS, POM, TIS, DNY, do giảm bớt lo ngại về phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, những doanh nghiệp không sở hữu nhà máy phôi và phải mua ngoài toàn bộ như VGS sẽ bị thiệt hại đầu tiên khi thuế nhập khẩu phôi tăng lên và không còn tận dụng được lượng phôi giá rẻ nhập khẩu như trước.
Theo BVSC, Công ty hưởng lợi lớn từ quyết định này cũng chính là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với các nguyên nhân kể trên.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp, lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ tăng lên với tốc độ tính bằng lần so với cùng kỳ năm trước, mà đặc biệt, thời điểm cuối năm 2015, giá phôi thép Trung Quốc chào bán sáng Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 259 USD/tấn, khi các doanh nghiệp tại Đại lục đẩy mạnh bán hàng tồn kho nhằm thu hồi vốn, giảm vốn vay…
Trong khi đó, ở thị trường trong nước, trước thông tin các nhà sản xuất phôi kiến nghị Bộ Công thương áp thuế tự vệ thương mại, các nhà nhập khẩu gồm các công ty thương mại, công ty không có khâu luyện phôi đã tranh thủ nhập phôi về khiến lượng nhập khẩu tăng đột biến.
Cũng trong thời gian này, lượng tồn kho phôi ở các doanh nghiệp sản xuất cũng tăng bất thường so với lượng tồn kho thường kỳ. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất phôi cho biết, chính sách thuế tự vệ thương mại với phôi thép và thép dài đã gỡ khó cho doanh nghiệp và bảo vệ sự phát triển bền vững của ngành thép trước những yếu tố khó lường từ thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu ngành thép như quặng, phế, thép cán nóng đã tăng trở lại khoảng 20%. Điều này đồng nghĩa với việc những doanh nghiệp nào có lời khi giá nguyên liệu giảm thì càng hưởng lợi khi giá nguyên liệu tăng nhờ lượng hàng tồn kho nhất định trong quy trình sản xuất.
Nguồn tin: ĐTCK