Nguyên nhân một phần là do toàn cầu hóa không được phân chia đồng đều giữa các khu vực và các nền kinh tế, dẫn tới nhiều khu vực trên thế giới có xu hướng phản đối tự do hoá thương mại.
Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia mới nổi lần lượt áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm nhập khẩu. Nguồn: Internet
Quay lưng với tự do thương mại
Bảo hộ thương mại là sự áp đặt một số tiêu chuẩn thuộc các lĩnh vực như chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ hay việc áp thuế suất nhập khẩu cao đối với mặt hàng nhập khẩu nào đó để bảo vệ ngành sản xuất trong nước
Bảo hộ thương mại có những ưu điểm sau: Giảm bớt sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu; Tăng sức cạnh tranh của nhà sản xuất trên thị trường nước ngoài; Bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, giúp họ tăng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa; Điều tiết cán cân thanh toán quốc tế và quốc gia, sử dụng hợp lý nguồn ngoại tệ thanh toán của mỗi nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, thì bảo hộ thương mại có các nhược điểm sau:
Khiến hàng hoá kém đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và chất lượng cũng như giá cả đắt đỏ hơn so với tự do thương mại, gây thiệt hại cho người tiêu dùng;
Ảnh hưởng đến phát triển thương mại quốc tế, gây ra sự cô lập kinh tế của một nước trong xu thế toàn cầu hoá;
Gây tình trạng trì trệ của kinh doanh nội địa, càng bảo hộ mạnh thì ngành công nghiệp càng kém linh hoạt, khiến hoạt động đầu tư và kinh doanh không còn hiệu quả.
Trong bối cảnh thế giới tăng trưởng chậm lại, đã có nhiều biện pháp bảo hộ được các quốc gia sử dụng như: thúc đẩy sản xuất hàng công nghiệp, thắt chặt quy định về tỷ lệ nội địa hoá và trợ giá hàng xuất khẩu. Nguyên nhân một phần là do toàn cầu hóa không được phân chia đồng đều giữa các khu vực và các nền kinh tế, dẫn tới nhiều khu vực trên thế giới có xu hướng phản đối tự do hoá thương mại và tình trạng mất việc làm diễn ra khắp nơi, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu.
Dễ dàng nhận thấy số lượng biện pháp bảo hộ thương mại ngày càng tăng lên. Theo báo cáo của WTO, từ ngày 1/1/1995 đến 31/12/2015, trên thế giới đã có 311 vụ khởi xướng áp dụng biện pháp tự vệ. Trong 5.448 vụ phòng vệ thương mại trên thế giới thì chống bán phá giá chiếm 4.757 vụ. Thậm chí, các quốc gia G20 từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2016 đã áp dụng 145 biện pháp mới về hạn chế thương mại, phần lớn là các biện pháp chống bán phá giá.
Làn sóng bảo hệ thương mại nổi lên khá mạnh kể từ động thái như Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ý định rút khỏi NAFTA. Đồng thời, Anh đang hoàn tất các thủ tục rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cùng với những biện pháp bảo hộ thương mại của một số nước khác. Điều này dẫn tới nguy cơ chiến tranh thương mại, ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế các nước và trên thế giới.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn đề cao chủ nghĩa bảo hộ, chú trọng bảo vệ quyền lợi của Mỹ hơn là các hiệp định thương mại tự do. Ông Donald Trump từng nói: “Những thoả thuận thương mại này đúng là một thảm hoạ”. Dường như Mỹ đã hoàn toàn bỏ qua các nguyên tắc đã được Mỹ ký kết trước đó về thương mại tự do, mà chỉ tập trung vào việc đảm bảo việc làm cho người Mỹ và kêu gọi các công ty lớn quay trở lại Mỹ làm ăn.
Một ví dụ điển hình gần đây là tranh chấp về mức thuế về Mỹ áp đặt lên sản phẩm đồ gỗ từ Canada và vụ hãng Boeing (Mỹ) nộp đơn kiện thương mại chống lại đối thủ Bombardier (Canada). Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 13/9 của Viện Bertelsmann, có trụ sở tại Guetersloh (Đức), chính sách “Nước Mỹ trên hết” có thể làm giảm 2,3% GDP hàng năm của Mỹ trong dài hạn.
Gần đây, Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia mới nổi lần lượt áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm thép từ Hàn Quốc. Và Trung Quốc quyết định áp mức thuế chống bán phá giá từ 37,3%-46,3% đối với mặt hàng thép tấm mạ điện nhập khẩu từ Nhật Bản, Liên minh châu Âu...
Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ những biến động của thị trường, các nước Đông Á đã có những biện pháp bình ổn kinh tế ngắn hạn. Hàn Quốc tiến hành tăng chi tiêu của chính phủ, Trung Quốc điều chỉnh giá trị đồng Nhân dân tệ và Nhật Bản cũng cho biết đang cân nhắc những biện pháp tương tự nếu giá trị đồng Yên tiếp tục tăng.
Phản ứng của các nước châu Á có phần âm thầm, còn châu Âu bày tỏ rõ ràng sự lo ngại về Brexit. Người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), ông Martin Wansleben chia sẻ, nhiều doanh nghiệp nước này đang bắt đầu chuyển hướng đầu tư ra khỏi nước Anh nhằm đề phòng các rào cản thương mại gia tăng sau Brexit. Các doanh nghiệp Đức lo lắng Brexit sẽ có tác động tiêu cực lớn, khiến nạn quan liêu gia tăng, thời gian giải quyết hành chính, cộng thêm việc kiểm soát biên giới gắt gao hơn, dẫn đến chi phí cao hơn.
Việt Nam cần sẵn sàng biện pháp đối phó
Ở Việt Nam, doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại nhiều hơn, trong đó phần lớn là vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Điều này đặt nặng trách nhiệm lên các doanh nghiệp Việt Nam. Bối cảnh đó đòi hỏi sự phối hợp giải quyết từ phía Chính phủ và doanh nghiệp, cụ thể:
Một là, doanh nghiệp phải quen dần với xu thế phòng vệ thương mại, vì xu thế bảo hộ ở các thị trường nhập khẩu là rõ ràng. Tuy nhiên, theo điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với 1.000 doanh nghiệp, thì có đến 63% doạnh nghiệp có nghe nói về phòng vệ thương mại nhưng không hiểu sâu.
Hai là, các doanh nghiệp cần cải tiến sản xuất theo hướng đầu tư công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, để đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường nhập khẩu. Điều này vô cùng quan trọng, trong khi đây vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam.
Ba là, chủ động tìm kiếm thị trường mới. Việt Nam cần nghiên cứu và tìm kiếm các thị trường mới cân đối trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lớn và có xu hướng bảo hộ thương mại.
Bốn là, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần theo dõi tình hình, dự báo kịp thời, nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích dân tộc, đồng thời thích ứng với xu hướng mới của thế giới.
Nguồn tin: Tài chính