Mặc dù hoạt động xuất khẩu của nước ta sang thị trường Lào vẫn duy trì được sự tăng trưởng qua tương đối ổn định nhưng xét tổng quan về quan hệ thương mại giữa hai nước lại đang có chiều hướng giảm.
Biểu đồ trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào kể từ năm 2013 đến quý I/2017,
đơn vị tính "triệu USD". Biểu đồ: T.Bình.
Mất mốc “tỷ USD”
Nhìn kết quả thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2011, tổng giá trị kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Lào mới dừng ở con số 734 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 274 triệu USD, nhập khẩu từ nước bạn lượng hàng hóa trị giá 460 triệu USD.
Nhưng đến năm 2013, tổng giá trị kim ngạch thương mại giữa hai nước đã lên 1,091 tỷ USD. Trong đó, Lào vẫn duy trì được ưu thế xuất siêu với con số thặng dư 245,7 triệu USD.
Dấu mốc “tỷ USD” được duy trì trong vòng 3 năm liên tiếp (2013, 2014 và 2015). Trong đó, năm 2014 đạt con số cao nhất là 1,287 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu từ Lào là 802 triệu USD và xuất khẩu của Việt Nam sang nước bạn đạt 485 triệu USD.
Bước sang năm 2015, trị giá kim ngạch bắt đầu có chiều hướng đi xuống. Dù vẫn giữ được tổng trị giá trên một tỷ USD nhưng kết quả cả năm đã giảm 166 triệu USD so với năm trước đó (chỉ còn đạt 1,121 tỷ USD).
Và kết thúc năm ngoái, quan hệ ngoại thương giữa hai nước đã bị rời khỏi dấu mốc “tỷ USD” được thiết lập từ 3 năm trước, khi kim ngạch chỉ còn đạt 823 triệu USD.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự đi xuống này là kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Lào liên tục giảm.
Cụ thể, từ con số 802 triệu USD của năm 2014, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nước bạn giảm xuống 587 triệu USD vào năm 2015 và chỉ còn đạt 345,3 triệu USD vào năm ngoái.
Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm (từ 2014 đến 2016), kim ngạch nhập khẩu từ Lào giảm 456,7 triệu USD, tương đương sự sụt giảm lên đến 57%.
Xét về số lượng mặt hàng, hàng hóa nhập khẩu từ Lào còn khá khiêm tốn và đơn điệu với 5 nhóm chủ yếu: Ngô; quặng và khoáng sản khác; phân bón; gỗ, sản phẩm gỗ; kim loại thường.
Nhìn vào sự biến động về hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào thời gian qua dễ dàng nhận thấy sự phụ thuộc lớn vào một số ít mặt hàng (nhất là ở chiều nhập khẩu từ Lào chủ yếu phụ thuộc vào mặt gỗ, sản phẩm gỗ). Chính vì vậy, khi các nhóm hàng này có sự thay đổi về kim ngạch sẽ tác động rất lớn đến kim ngạch thương mại chung giữa 2 nước.
Cơ hội xuất khẩu của Việt Nam
Trong bối cảnh quan hệ ngoại thương giữa hai nước có dấu hiệu đi xuống, chúng tôi nhận thấy vẫn có những dấu hiệu lạc quan. Đó chính là sự tăng trưởng nhất định của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Lào. Sự tăng trưởng cả về trị giá kim ngạch lẫn chủng loại hàng hóa.
Nếu như năm 2011, Việt Nam mới có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Lào thì đến năm 2016 con số này nâng lên thành 17 nhóm hàng. Trong đó, năm 2016 có 7 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên. Lớn nhất là sắt thép đạt 76 triệu USD; kế đến là xăng dầu đạt 61,5 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 50,5 triệu USD…
Mặt khác, xét về trị giá kim ngạch, so với thời điểm năm 2011, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào năm 2016 tăng trên 74%, tương đương con số tăng thêm 204 triệu USD.
Kết quả xuất khẩu của Việt Nam sang Lào nói riêng và quan hệ thương mại giữa hai nước nói chung còn khiêm tốn so với tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu hàng trăm tỷ USD mỗi năm của nước ta hiện nay, nhưng với một thị trường tương đối nhỏ như Lào những sự chuyển biến như đề cập ở trên cũng rất đáng ghi nhận.
Trong quý I/2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 236 triệu USD, trong đó nước ta xuất khẩu 135 triệu USD và nhập khẩu 101 triệu USD.
Kết quả trên có sự giảm nhẹ khoảng 13 triệu USD) so với cùng kỳ 2016, bởi trong khi kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng 2 triệu USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu lại giảm 15 triệu USD.
Nguồn tin: Hải quan