Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tiền của ngân hàng đang chảy về đâu?

Doanh số giao dịch trên thị trường mở (OMO) giảm mạnh, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 25% không phải quá nặng nhọc với các ngân hàng. Mua trái phiếu Chính phủ không còn động lực vì lãi suất thấp, trong tình trạng dư vốn khả dựng, các ngân hàng sẽ xử lý đầu ra như thế nào?

Doanh nghiệp vớ được “thượng đế xịn”

Từ đầu năm đến nay, sự chuyển động của dòng vốn trên thị trường có hai điểm chú ý là các tổ chức tín dụng tích cực mua vào trái phiếu Chính phủ và gần đây, hoạt động của họ khá gắn bó với các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trong 7 tháng qua, Chính phủ khá thành công trong các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ nhờ vào lực lượng nòng cốt ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại). Doanh số mua vào của họ lên tới 43 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm dần thì các ngân hàng thương mại đã không còn mặn mà với chúng. Chẳng hạn, trong các phiên đấu thầu sơ cấp trái phiếu kho bạc ngày 2/7 kỳ hạn 5 năm, khối lượng trúng thầu chỉ đạt 950 tỷ đồng, lãi suất thắng thầu 10,4%/năm; kỳ hạn 3 năm trúng thầu 550 tỷ đồng, lãi suất thắng thầu 9,8%/năm.

Tương tự, ngày 15/7, kỳ hạn 5 năm trúng thầu 550 tỷ đồng, lãi suất 10,3%/năm; ngày 29/7, kỳ hạn 5 năm trúng thầu 350 tỷ, lãi suất thắng thầu 10,4%/năm và kỳ hạn 3 năm trúng thầu 300 tỷ đồng, lãi suất 9,8%/năm.

Gần đây nhất (26/8), kỳ hạn 3 năm không có giao dịch, kỳ hạn 5 năm chỉ trúng thầu 400 tỷ đồng, lãi suất 10,4%/năm. Trong ngày 26/8, trái phiếu kỳ hạn 3 năm đã thất bại vì lãi suất trần thấp hơn lãi suất nhà đầu tư yêu cầu (9,8% so với 11%).

Có một điểm đáng chú ý là ngay cả thời điểm trái phiếu Chính phủ đang lên ngôi cho đến gần đây, đã xuất hiện một xu hướng khác là ngân hàng thương mại quan tâm nhiều hơn đến trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 3 năm. Khoảng thời gian đầu quý 2/2010, ANZ đã “quản lý chính” và “dựng sổ duy nhất” (theo cách gọi của ANZ) cho Tổng công ty Sông Đà phát hành thành công 1.500 tỷ đồng, lãi suất 15% cố định trong năm đầu tiên và lãi suất các năm tiếp theo được thả nổi theo mức lãi suất tiền gửi trung bình 12 tháng của 4 ngân hàng lớn nhất cộng thêm 4%.

Tiếp  đó, ngân hàng này cũng làm như vậy với Tập đoàn Hòa Phát để doanh nghiệp này phát hành 800 tỷ đồng, lãi suất năm đầu cố định ở 14,5%/năm, lãi suất các năm tiếp theo tương đương lãi suất tiền gửi 12 tháng trung bình của 4 ngân hàng lớn nhất cộng thêm lãi biên 3,5%/năm.

Cùng đó, EVN phát hành 2.000 tỷ đồng, Vinaconex phát hành 1.000 tỷ đồng; Vincom phát hành 1.000 tỷ đồng lãi suất 16%/năm cho năm đầu do một ngân hàng quốc doanh tư vấn và mua luôn.

Gần đây nhất (16/8/2010), Vinalines cũng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, thời hạn 3 năm, lãi suất 14,5%/năm đầu tiên, thời gian còn lại là lãi suất tiết kiệm bình quân 12 tháng cộng thêm 3,5%.

Có  một điểm chú ý, là hầu hết các vụ  phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây được những người có trách nhiệm trong ngành ngân hàng hé lộ rằng: ngân hàng thương mại đã mua số trái phiếu trên nhưng khi hỏi ngân hàng thương mại thì họ không muốn đề cập đến, nếu hỏi kỹ, họ chỉ thừa nhận vai trò “tư vấn”, “bảo lãnh”. Ngay cả như ANZ cũng chỉ dùng cụm từ “quản lý chính” hay “dựng sổ duy nhất” mà không nói rõ ai mua, mua bao nhiêu… trong các thương vụ nêu trên.

Giải thích vấn đề này, cán bộ đầu tư một ngân hàng thương mại nhà nước cho rằng, trước đây ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ vừa  được trả lãi suất 12,3%/năm, vừa được giao dịch trên thị trường OMO với mức lãi suất 7% - 8% để rút tiền ra đầu tư tiếp nên ít ngân hàng từ chối cơ hội “lãi đơn, lãi kép” này.

Còn nay, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm, cơ hội đó không còn nên có vẻ như dòng tiền từ ngân hàng đang lúng túng, và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chỉ là một trong những chuyển động đáng chú ý, mặc dù sự chuyển hướng này đã xuất hiện từ trước đó.

Được và mất

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng thừa nhận, chính các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ đã “làm khó” việc hạ lãi suất thị trường. Bởi lẽ, khi ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu Chính phủ có lãi suất cao, tức là họ có thêm đầu ra với khả năng sinh lời cao so với cho vay ra thị trường.

Đó là những bất cập tạm thời mà Ngân hàng Nhà nước buộc phải chấp nhận. Nhưng giả định Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất OMO lên thì sẽ bị lên án lập tức, vì đó là cửa thanh khoản và cửa làm ăn của các ngân hàng thương mại, hơn thế, Chính phủ sẽ rất khó phát hành trái phiếu.

Có một sự trùng hợp khá thú vị: song hành với chủ trương hạ lãi suất và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh thì xu hướng ngân hàng “kết bạn” với trái phiếu doanh nghiệp cũng rõ nét hơn. Nhìn vào thực tế này, có người liên tưởng rằng, rất có thể Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang có sự kết hợp.

Cụ thể: cùng với việc siết lại kỷ cương, hạn chế buôn bán vốn vô tội vạ trên thị trường 2 và hạ lãi suất trái phiếu Chính phủ thì ngân hàng thương mại sẽ buộc phải hạ lãi suất, nhất là trong điều kiện họ dư vốn khả dụng như hiện nay? Nếu vậy, có lẽ các cơ quan này nên xem lại những động thái của mình đã đạt hiệu quả đến đâu.

Tạm quên đi những toan tính (nếu có) của các cơ quan quản lý, một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện đang nổi lên những lo ngại xung quanh vấn đề ngân hàng thương mại mua trái phiếu doanh nghiệp, mà đầu tiên là khẩu vị rủi ro.

Thực tế, thời điểm quý 2/2010 cho đến nay, lãi suất cho vay trên thị trường vẫn phổ biến ở mức cao mà các ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất như trên là quá hời, nhất là trong bối cảnh đường cong lãi suất ở Việt Nam còn lệch pha: lãi suất trung dài hạn rẻ hơn cho vay ngắn hạn.

Vị chuyên gia trên phân tích: nhưng đó là sự tính toán gắn liền với hiện tại và với điều kiện doanh nghiệp đẩy được hàng hóa ra thị trường để thu được thặng dư thật về cho mình, còn tương lai thì chưa biết thế nào. Theo ông, với lãi suất tới 15%/năm hoặc có thể cao hơn vì còn phụ thuộc vào lạm phát, tình hình vĩ mô chưa ổn định, “sức khỏe” doanh nghiệp còn nhiều vấn đề thì các ngân hàng đang chấp nhận khẩu vị “rủi ro cao để có lãi cao còn hơn an toàn mà lãi suất thấp”.

Vấn  đề tiếp theo, ai cũng hiểu rằng, chỉ doanh nghiệp lớn, có “máu mặt” mới phát hành được trái phiếu doanh nghiệp, còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không. Và như vậy, mục tiêu phủ lãi suất thấp lên toàn bộ nền kinh tế vẫn chưa phải những gì có thể nhìn thấy. 

Nguồn: vneconomy

ĐỌC THÊM