Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tiến gần mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%

 Tốc độ tăng trưởng GDP quý III tiếp tục đà bứt phá của quý II. Theo ông Dương Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), nếu kinh tế quý IV tiếp tục đà tăng trưởng của quý III thì Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay.

Theo ông, nhân tố nào dẫn đến GDP quý III tiếp tục bứt phá?

Với đà tăng trưởng 6,28% của quý II, tăng 1,13 điểm phần trăm so với quý I, chúng tôi cũng đã dự báo từ trước tốc độ tăng trưởng GDP của quý III tiếp tục đột phá. Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng của quý III với mức tăng 7,46% không nằm ngoài dự đoán, vì đây là hệ quả tất yếu của quý II.

Nhân tố tác động tới tăng trưởng của quý III là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng cao, đạt mức 16,63%, đặc biệt là nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sắt thép thô tăng 39,99%; thép thanh, thép góc tăng 23,32%; phân urê tăng 16,22%; phân hỗn hợp (NPK) tăng 24,63%; điện thoại di động tăng 14,27%; thủy, hải sản chế biến tăng 12,51%... đã làm giảm mức độ ảnh hưởng của ngành công nghiệp khai khoáng dầu thô, khí đốt thiên nhiên bị giảm.


Ông Dương Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).

Nhân tố thứ hai là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng mạnh. Đây là hệ quả của hoạt động du lịch đạt tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, đặc biệt là du lịch lữ hành quốc tế.

Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đón khoảng 9,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016. Hoạt động du lịch tăng trưởng đã kéo theo hoạt động thương mại và hàng loạt dịch vụ khác tăng theo như dịch vụ lưu trú, ăn uống, nhà hàng, khách sạn, vận tải, vui chơi, giải trí…

Nhân tố thứ ba là hoạt động xuất - nhập khẩu tăng trưởng ngoài dự đoán, trong đó, xuất khẩu tăng 19,8%, gấp 3 lần mục tiêu đặt ra. Ngoài ra, còn các nhân tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP quý III rất ấn tượng nữa là tốc độ tăng trưởng tín dụng; số lượng doanh nghiệp thành lập mới; đầu tư thêm vốn; đầu tư của khu vực có vốn nước ngoài, cả đầu tư mới, bổ sung tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần.

Với những kết quả quý III đã đạt được, ông có tin rằng, năm 2017 sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%?

So với quý I, GDP quý II tăng trưởng cao hơn 1,13 điểm phần trăm; quý III so với quý II tăng thêm 1,18 điểm phần trăm. Giả sử tất cả các nhân tố nêu trên trong quý IV không có thay đổi đột biến, tốc độ tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,31% thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% hoàn toàn thực hiện được.

Tuy nhiên, đã xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý IV. Vì vậy, có thể mạnh dạn dự đoán, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ vượt 6,7% - đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ông có lạc quan quá không?

Không hề lạc quan quá, mà dự đoán kinh tế quý IV tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao và cả năm có khả năng vượt, ít nhất là đạt 6,7% hoàn toàn có cơ sở. Ngoài các nhân tố thuận lợi nêu trên, quý IV còn xuất hiện thêm nhiều nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, Chính phủ vừa quyết định tiếp tục miễn thị thực nhập cảnh đối với 5 quốc gia châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha đến ngày 30/6/2018, nên hoạt động du lịch tiếp tục tăng tốc, nhiều khả năng năm nay Việt Nam sẽ đón 13-14 triệu lượt khách quốc tế, thay vì khoảng 10 triệu lượt của năm 2016. Hoạt động du lịch tăng tốc là nhân tố thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, vận tải, khách sạn, nhà hàng… tăng trưởng mạnh.

Thứ hai, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống thêm 0,5%, đồng thời tăng trưởng tín dụng đạt 21-22% thay vì 18% như mục tiêu ban đầu. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm, tăng trưởng tín dụng được nới rộng, vốn sẽ đổ vào nền kinh tế, tập trung cho sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng.

Thứ ba chính là việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang khẩn trương rà soát để loại bỏ giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh không cần thiết; giảm tối đa các loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp.

Hiện Bộ Tài chính đã giảm hàng loạt các loại phí, lệ phí và đang rà soát cắt giảm thêm các loại phí, lệ phí khác; Bộ Công thương vừa công bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh; các bộ ngành, địa phương khác cũng đang ráo riết thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh không cần thiết, là động lực để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp mới, mở rộng hoạt động kinh doanh.

Cho dù có nhiều thuận lợi, nhưng cơn bão số 10 vừa qua chắc chắn tác động không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay?

Năm nào Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung cũng bị bão lũ, hạn hán, chứ không riêng gì năm nay.

Cơn bão số 10 (bão Doksuri) đổ vào các tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình vừa qua đúng là có tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng không nhiều, vì chỉ có lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản của 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng, trong khi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của 4 tỉnh miền Trung chỉ chiếm khoảng 6% giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của cả nước.

Việc thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 21 - 22% thay vì 18% nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo ông, đây có phải là giải pháp mạo hiểm vì tăng tín dụng sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát?

Nếu tăng trưởng tín dụng ở mức 21 - 22% thì nền kinh tế có thêm khoảng 600.000 tỷ đồng trong 4 tháng cuối năm. Khi quyết định tăng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tính đến khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong 4 tháng cuối năm, kiểm soát nợ xấu và sử dụng linh hoạt các chính sách điều hành tiền tệ để hút tiền từ thị trường nhằm kiểm soát lạm phát.

Hàng hóa trên thị trường rất dồi dào do sản xuất trong nước và nhập khẩu 9 tháng đều tăng cao, nhất là nhập khẩu hàng hóa tăng 23,1%, cho dù cầu đầu tư, tiêu dùng trong quý IV có tăng thì cung vẫn đủ khả năng đáp ứng cầu.

Vì vậy, theo tôi, dù có nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh học phí, viện phí, tăng giá xăng dầu theo đúng thị trường thì vẫn bảo đảm mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm nay ở mức dưới 4% như Quốc hội đặt ra.

Tuy nhiên, do tăng trưởng năm 2017 đạt khoảng 6,7%, chỉ số giá GDP khoảng 4%, mức tăng về lượng và giá của hàng hóa và dịch vụ khoảng trên 11%, điều này sẽ gây áp lực kiểm soát lạm phát ngay từ quý đầu của năm 2018.

Nguồn tin: ĐTCK

 

ĐỌC THÊM