Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.
Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã có thể tự sản xuất nhiều loại mặt hàng thép.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn nhập khẩu một lượng lớn thép không gỉ. (Ảnh minh họa)
Trước đó, ngày 5/9/2014, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan. Đến ngày 29/4/2016, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1656/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất của vụ việc.
Căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, sau một năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, một hoặc nhiều bên liên quan đến vụ việc có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương ra quyết định tiến hành rà soát trên cơ sở bên đề nghị cung cấp các bằng chứng chứng minh sự cần thiết phải thực hiện rà soát.
Cục Quản lý cạnh tranh thông báo chính thức tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia. Các doanh nghiệp và bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu rà soát áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo mẫu hồ sơ yêu cầu rà soát.
Phạm vi đề nghị rà soát có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở phạm vi hàng hóa thuộc đối tượng áp thuế; biên độ bán phá giá đối với một hoặc một số doanh nghiệp cụ thể; thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Theo thống kê, lượng sắt thép nhập khẩu các loại tháng 1/2017 đạt 1,23 triệu tấn giảm 14,9% so với cùng tháng 1/2016 với trị giá 664 triệu USD, tăng 21,5%. Việt Nam nhập khẩu sắt thép các loại chủ yếu từ các quốc gia: Trung Quốc đạt 679 nghìn tấn, giảm 23,1%; Hàn Quốc đạt hơn 175 nghìn tấn, tăng 27,6%... so với cùng kỳ năm trước.
So với cùng kỳ 2016, sản lượng sắt thép nhập khẩu giảm tới 224.048 tấn, tương đương mức giảm khoảng 25%, tuy nhiên tổng giá trị kim ngạch lại tăng 34 triệu USD, tương đương mức tăng 11%.
Như vậy, mức giá sắt thép nhập khẩu trung bình từ Trung Quốc trong tháng 1 vừa qua đạt 505 USD/tấn, tăng khoảng 48% so với mức giá trung bình của tháng 1/2016 (chỉ đạt 342 USD/tấn).
Nguồn tin: Xây dựng