"Năng lực dự báo của chúng ta kém, nhưng dự báo chính xác không phải dễ. Thế giới cũng dự báo sai. Không ai dự báo đúng về giá dầu, cũng như không ai dự báo được khủng hoảng kinh tế ở Mỹ. Vấn đề bức thiết là phải tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, mặc dù không hề đơn giản. Hiệp hội Thép cần có hành động đúng... Không phải cứ hè nhau giữ giá thép cao, mà nhanh chóng bán hàng ra để lấy tiền về". Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đưa ra giải pháp, nhằm hiến kế cho ngành Thép từng bước thoát khỏi cơn khủng hoảng.
Ngân hàng cần đưa mức lãi suất về 8%/năm
Lượng phôi và thép thành phẩm ế đọng còn chừng 1 tỷ USD, nhân lên với lãi suất, nhiều DN đang khóc dở mếu dở. Ngay trong tháng 11, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ngồi với nhau, tìm hướng tháo gỡ về vốn cho các DN.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA lạc quan: Trên 10 ngân hàng thương mại đã hứa tiếp tục hỗ trợ vốn, tài chính cho DN. Điều các ngân hàng chắc chắn thực hiện được ngay là sẽ giãn nợ, cho trả lãi chậm, giảm bớt áp lực về thời gian trả nợ đối với các DN, đồng thời xem xét để "bơm" ngoại tệ cho DN mua nguyên liệu giá rẻ.
Ông Cường khẳng định, được sự tiếp sức từ các ngân hàng thương mại, DN thép sẽ giảm được phần nào gánh nặng và sự căng thẳng trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, ông Đinh Huy Tam, Tổng thư ký VSA cho rằng: "Từ tháng 7/2008, mức tiêu thụ thép trên thị trường đã giảm tới 1/3 so với thường lệ. Trong khi đó lãi suất ngân hàng lại rất cao. Lãi thực mà DN phải vay có thời kỳ vượt trên 20, 21%. Sau nhiều lần hạ lãi suất cơ bản, hiện tại mức lãi cho vay đã giảm xuống 11%. Tuy vậy, lãi thật mà DN phải trả vẫn lên tới 13, 14, thậm chí 15% một năm. Cách hiệu quả nhất là Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc, định hướng và có chế tài cho hệ thống ngân hàng thương mại đưa mức lãi suất về 8% một năm như trước đây. Đấy mới là mức lãi suất cho vay hợp lý nhất".
DN ngành thép cần trợ giúp để vượt qua khủng hoảng. |
Bản thân VSA và Hiệp hội Ngân hàng cũng đồng thanh kiến nghị Nhà nước có biện pháp ưu đãi hơn về lãi suất cho các DN thép trong thời điểm này.
Cần chính sách đẩy mạnh đầu tư và kích cầu tiêu dùng
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nhấn mạnh: "Bán hàng ra lúc giá cao và nhập hàng vào lúc giá xuống thấp hơn, là cách thức bảo toàn được về lượng mà vẫn có cơ hội thu lãi. Các DN nên tính toán uyển chuyển, hơn là hè nhau giữ giá, nâng giá".
Ông Trương Đình Tuyển còn đề xuất: "Hỗ trợ ngành thép, Nhà nước cần có ngay các biện pháp kích cầu. Điều quan trọng là đẩy mạnh đầu tư vào các công trình có hiệu quả, giải tỏa nhanh những điểm nghẽn tăng trưởng. Ví như tiếp tục hoàn thiện các công trình xây dựng dở dang, nhất là các tuyến giao thông, đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Như thế sẽ đẩy mạnh tốc độ tiêu thụ sắt, thép, xi măng, tạo đà kích thích tiêu dùng".
Cùng chung quan điểm với nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, đại diện nhiều DN ngành thép tha thiết đề xuất Chính phủ tiếp tục đầu tư vào các công trình trọng điểm, nâng cao năng lực đầu tư vào hệ thống hạ tầng cơ sở.
Theo dõi diễn biến từ thị trường thế giới
Diễn biến thị trường thép trong nước và thế giới vẫn còn phức tạp. Vài ngày qua, giá thép đã nhích lên, tốc độ tiêu thụ cũng khả quan hơn nhưng các DN đang đối mặt với mối nguy từ thị trường thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Trung Quốc là nơi tiêu thụ 1/3 sản lượng thép của toàn thế giới, nên bất cứ biến động nhỏ nào từ thị trường này cũng lập tức tác động tới toàn cầu.
Trong khi đó, theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, chính sách thuế của Trung Quốc lại khá linh hoạt, uyển chuyển, thực sự là công cụ hỗ trợ DN hiệu quả.
VSA đã có nhiều đề xuất với Bộ Công Thương, kiến nghị Bộ Tài chính quan tâm nhiều hơn nữa, phù hợp với diễn tiến đầy biến động của thị trường để DN có chỗ dựa, đối phó với thép giá rẻ đến từ các nước láng giềng