Những tin tức kinh tế từ Mỹ và Trung Quốc là tâm điểm của kinh tế thế giới trong tuần. Kinh tế Mỹ tiếp tục có tuần "lừng chừng", chưa rõ lĩnh vực nào sẽ là lực đẩy kinh tế Mỹ đi lên trong thời gian tới.
Ảnh minh họa |
Vấn đề tốc độ tăng trưởng bị suy giảm nếu xét về hiện tượng thì giống nhau nhưng bản chất của sự suy giảm lại khác nhau. Mỹ suy giảm vì "kinh tế u ám một cách bất thường".
Trong khi đó Trung Quốc giảm một cách "chủ đích" nhằm hạn chế sự phát triển "quá nóng" của nền kinh tế.
Sự chuyển động "cùng pha" của kinh tế hai quốc gia được thể hiện như sau:
Mỹ: Các chỉ số kinh tế không mấy lạc quan tiếp tục được công bố, theo đó GDP của Mỹ trong quý II giảm xuống còn 2,5%, so với mức 2,7% trong quý 1.
Một trong những nguyên nhân làm suy giảm kinh tế Mỹ thời gian qua đó là tỷ lệ thất nghiệp cao và sự yếu kém của thị trường nhà ở.
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra bàn thảo nhằm đưa mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại như thời kỳ đầu năm, và một trong số đó do Quĩ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra, đó là khuyến khích tiêu dùng.
Xã hội Mỹ là xã hội tiêu dùng, nước Mỹ là một trong những nước nhập khẩu hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới. Do vậy giải pháp khuyến khích tiêu dùng có thể gọi là giải pháp hợp lý cho nước Mỹ trong thời điểm hiện nay.
Về luật Cải cách phố Wall, chính quyền Liên Bang cam kết triển khai sớm và chuyển hoá Bộ luật dài hơn 2.000 trang này bằng những quy định tài chính cụ thể và rõ ràng.
Tuy nhiên cũng có nhiều quan điểm cho rằng Bộ luật Cải cách phố Wall chưa giải quyết được những vấn đề căn bản trong giới tài chính ngân hàng, đó là chế độ lương thưởng cho các nhà quản lý các tổ chức tài chính, ngân hàng. Chính điều này đã gây phản ứng mạnh trong dư luận Mỹ giai đoạn sau khủng khoảng.
Đối với chính quyền của Tổng thống B.Obama luật Cải cách phố Wall có nhiệm vụ chính là cải tổ hệ thống ngân hàng và ngăn chặn các cuộc khủng khoảng trong tương lai.
Hiện nay còn quá sớm để kết luận các phê phán nêu trên cũng như hiệu quả của Bộ luật này trong đời sống kinh tế Mỹ.
Trung Quốc: Không một nền kinh tế lớn nào có thể tăng trưởng liên tục ở mức hai con số liên tục trong thời gian dài, Trung Quốc cũng ở trong trường hợp đó.
Theo số liệu được công bố rộng rãi, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 của Trung Quốc đang giảm dần từ quý I đến quý III năm nay, theo đó GDP quý I của đạt 11,9%, quý II là 10,3%, và quý III được dự báo chỉ còn 9,2%.
Như vậy kinh tế của Trung Quốc trong năm 2010 có khả năng tăng trưởng khoảng 9,5%.
Tuy tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu giảm dần nhưng kinh tế Trung Quốc năm 2010 vẫn phát triển mạnh nhất trong các trung tâm kinh tế và rất nhiều khả năng sẽ vượt kinh tế Nhật Bản để chiếm vị trí thứ hai sau Mỹ.
Khác với mọi năm, năm 2010 Trung Quốc đã thực hiện nới lỏng chính sách tỷ giá. Đây có thể gọi là sự kiện lớn về kinh tế.
Về hình thức, điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để kinh tế trung Quốc tái cơ cấu, tái điều chỉnh theo hướng cắt giảm chi phí, hoàn thiện hệ thống quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm...
Nếu các nội dung điều chỉnh nêu trên được thực hiện, kinh tế Trung Quốc nói chung và xuất khẩu nói riêng vẫn có cơ hội tăng trưởng, Trung Quốc vẫn là "siêu cường" về thặng dư thương mại và dự trữ ngoại tệ.
Vấn đề đối với Trung Quốc hiện nay không phải tốc độ tăng trưởng suy giảm. Vấn đề tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ với USD, vấn đề bất động sản mới là điều đáng quan tâm nhất.
Về tỷ giá, nước Mỹ luôn theo sát và có phản ứng kịp thời nếu có diễn biến bất lợi. Sự quan tâm của nước Mỹ được thể hiện không chỉ ở cấp chính quyền, Quốc Hội Mỹ cũng quan tâm đến tỷ giá khi chuẩn bị tổ chức các phiên điều trần vào tháng 9 tới.
Đối với thị trường bất động sản, đất ở các thành phố lớn ở Trung Quốc đều lên giá và "cơn sốt" này được hình thành từ cuối năm 2009.
Bất động sản tăng giá luôn gắn với chính sách tiền tệ mở rộng cùng với gói kích thích kinh tế. Do vậy việc điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ có tác dụng ngăn chặn sự phát triển quá nóng của bất động sản. Đây có thể là giải pháp phù hợp.
Tăng trưởng hoặc suy giảm là điều không tránh khỏi trong phát triển kinh tế. Mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế cần đánh giá đúng thực chất những vấn đề gặp phải để có các giải pháp phát triển kinh tế cho phù hợp.
Nguồn: Tamnhin