Kinh tế khó khăn, đầu tư công cắt giảm, lãi suất cao khiến chi phí đầu vào cao trong khi lượng tồn kho lớn càng khiến ngành thép chồng chất khó khăn. Mới đây, Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết thông tin về khả năng thép Việt bị áp thuế chống bán phá giá tại một số thị trường xuất khẩu. Thép giảm giá, vẫn ế Ông Nghi cho biết, hiện lượng tồn kho sản phẩm thép của các DN đến thời điểm này còn khoảng 350.000 tấn, giảm so với 2 tháng trước khoảng 150.000 tấn, do DN lo ngại tiêu thụ giảm nên đã chủ động giảm mức sản xuất. Điều đáng nói là trong khi lượng tồn kho tăng, tiêu thụ chậm thì từ nay đến cuối năm vẫn có thêm nhiều nhà máy thép ra lò. Ít nhất có khoảng 5 dự án thép công suất nhỏ, trong đó có tới 4 dự án công suất 250.000 tấn của các DN tư nhân tại Đà Nẵng, Bình Dương sẽ đi vào hoạt động, tăng nguồn cung cho thị trường khoảng 1,5 triệu tấn/năm nữa.
9 tháng đầu năm nay, tình hình tiêu thụ thép khá khó khăn. Hầu hết các DN sản xuất thép đều hoạt động dưới công suất thiết kế, nhưng tiêu thụ vẫn giảm mạnh. Do nhu cầu thép không tăng, giá nguyên liệu và sắt thép phế trên thị trường thế giới tăng và đứng ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 20-30% khiến chi phí sản xuất tăng cao. Do vậy, trong nhiều tháng qua, các DN sản xuất thép đã phải thực hiện các giải pháp như tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển và các chi phí khác cho đại lý... để kích cầu tiêu thụ thép, nhưng tình hình vẫn không mấy sáng sủa. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN Nguyễn Tiến Nghi cho biết, mức tiêu thụ sụt giảm mạnh nhất trong tháng 6, chỉ có 298.000 tấn thép được bán khiến các DN âm vốn nặng. Tới tháng 8, nhiều DN đã phải giảm mạnh giá bán thép từ 100.000-300.000 đồng/tấn (chưa kể tăng chiết khấu cho đại lý) thì lượng tiêu thụ mới nhích lên được khoảng 483.000 tấn/tháng. Nhưng đến tháng 9, khi giá thép tăng trở lại thì lượng tiêu thụ lại quay đầu giảm, còn 381.000 tấn, giảm 102.000 tấn so với tháng 8.
Lượng cung thép quá lớn khiến tiêu thụ sản phẩm này gặp khó khăn. Ảnh: Giang Huy
Quá dư thừa thép
Các chuyên gia ngành thép cảnh báo, để xảy ra tình trạng dư thừa thép hiện nay có nguyên nhân được dự báo từ trước do tình trạng mất cân đối cung- cầu thép. Hiện cả nước có tới 462 DN sản xuất thép, chưa kể còn 32 dự án thép nằm ngoài quy hoạch đã được các cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong số này, hơn 20 dự án là địa phương cấp sai thẩm quyền, không lấy ý kiến các bộ quản lý ngành. Tình trạng 1 địa phương có tới 5-7 dự án thép được cấp phép khá phổ biến.
Trong bối cảnh thị trường trong nước ảm đạm, hướng mở cho các DN ngành thép để giảm tồn kho là tìm thị trường XK, nhưng việc XK cũng không dễ dàng. Mới đây, Hiệp hội Thép đã ra lời cảnh báo các DN về khả năng bị kiện bán phá giá ống thép vào thị trường Mỹ. Sản phẩm thép cán nguội của Việt Nam cũng đã bị nước NK Indonesia đâm đơn kiện vì giá bán thấp hơn sản phẩm cùng loại tại nước họ.
Trước những khó khăn trên, VSA đã có 6 kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý những vấn đề cần giải quyết của ngành thép trong những tháng cuối năm 2011. Trong đó, yêu cầu các địa phương cần khẩn trương chấn chỉnh việc cấp phép đầu tư các dự án thép; kiên quyết thu hồi giấy phép các dự án không có trong quy hoạch và không thực hiện các thủ tục quy định đầu tư mà Chính phủ đã ban hành. Hiện các dự án sản xuất thép xây dựng, ống thép, thép cán nguội, thép mạ kim loại và tôn phủ màu đã dư thừa công suất gần gấp đôi so với nhu cầu, nên kiên quyết không cấp thêm giấy phép đầu tư ít nhất cho 5 năm tới. Ưu tiên các dự án đầu tư các nhà máy thép sản xuất các sản phẩm thép VN còn phải NK với số lượng lớn như thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép chế tạo... để góp phần giảm nhập siêu.
Nguồn tin: Laodong