Năm 2014, dự báo tiêu thụ thép có thể tăng từ 7 đến 10% nhưng giá thép sẽ ít thay đổi. Khuyến cáo của các cơ quan chức năng đưa ra là các doanh nghiệp cần tìm đường xuất khẩu khi bài toán cân đối cung- cầu vẫn nặng về phía cung.
Tại Hội nghị Phổ biến Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu do Bộ Công Thương tổ chức sáng 25-3, ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, năm 2013 là năm kinh tế khó khăn nhưng ngành thép vẫn có tăng trưởng, sản lượng sản xuất tăng 12,32% so với năm 2013.
Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các mặt hàng đều đang duy trì tình trạng sản xuất thấp hơn rất nhiều so với công suất thiết kế. Ví dụ như, sản xuất phôi công suất thiết kế là 8.890.000 tấn nhưng trên thực tế mới sản xuất 5.583.000 tấn, sản xuất gang mới chỉ bằng 29,87% so với công suất thiết kế, sản xuất tôn mạ bằng 60,51% (công suất thiết kế là 3.900.000 tấn, sản xuất thực tế là 2.360.000 tấn).
Năm 2014, VSA nhận định rằng, thị trường thép sẽ có nhiều triển vọng khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi. Thế nhưng, hàng loạt khó khăn vẫn còn đeo bám ngành thép, trong đó phải kể đến sự mất cân đối giữa năng lực sản xuất và khả năng tiêu thụ của thị trường, đặc biệt là áp lực từ thị trường thép Trung Quốc.
Mặt khác, ở trong nước, nhiều nhà máy thép đi vào hoạt động (Thái Trung, Hòa Phát, Pomina) nên mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên.
Do vậy, VSA khuyến cáo, các doanh nghiệp chủ động đầu tư chiều sâu, tiết kiệm nguyên – nhiên vật liệu năng lượng nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm; không đầu tư mới những sản phẩm có năng lực sản xuất đang dư thừa, hợp tác giữa các đơn vị thành viên trong việc ổn định thị trường.
Một biện pháp quan trọng để tăng tiêu thụ thép được các cơ quan chức năng khuyến nghị đó là tìm thị trường để xuất khẩu.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho hay, trong khó khăn ngành thép vẫn có cơ hội để XK thép bởi có những mặt hàng thị trường thế giới vẫn thiếu và thiếu theo từng thời điểm. Điều quan trọng là doanh nghiệp tìm đúng thị trường, cơ hội, kẽ hở để “chen” vào.
Ví dụ như mặt hàng ống thép, nhiều nơi thừa nhưng vẫn có doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ ống thép nhỏ tuy không nhiều. Hoặc như Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, năm 2013 vẫn xuất khẩu rất tốt mặt hàng tôn mạ màu và trong năm 2014, doanh nghiệp này vẫn đặt mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu.
Từ những tín hiệu này, có thể thấy, việc cơ cấu lại thị trường cũng như chủng loại hay nói cách khác là nhạy bén với thị trường là một cách mà các doanh nghiệp cần hướng tới.
Nguồn tin: Haiquan