Lượng thép tiêu thụ tháng 2 giảm hơn 40% so với tháng 1- đây là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam- tại buổi họp Tổ điều hành thị trường trong nước (26/2).
Ông Nguyễn Tiến Nghi cũng cho biết: Hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) phải ngừng sản xuất và một số DN khác sản xuất không liên tục. Với tình hình nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất và giá bán như hiện nay phần lớn các DN sản xuất thép bị lỗ.
Lượng thép tồn kho tăng
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam: Sản lượng thép xây dựng tháng 2 ước đạt 260.000 tấn, giảm 770.000 tấn so với tháng trước và giảm 83.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Hai tháng đầu năm 2013 ước đạt 597.000 tấn, giảm 31.500 tấn so với cùng kỳ năm 2012.
Về tiêu thụ tháng 2, ước đạt 250.000 tấn, giảm 153.000 tấn so với tháng trước và giảm 139.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. 2 tháng đầu năm ước đạt 653.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Ngoài ra, lượng thép thành phẩm tồn kho là 320.000 tấn, tăng 40.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012.
Theo ông Nghi, việc tiêu thụ chậm có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhu cầu thị trường bất động sản vẫn đóng băng. Thứ hai, do kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán tương đối dài, thị trường tuy đã khởi động lại nhưng vẫn còn khá èo uột.
Bên cạnh đó, lượng thép nhập khẩu các loại trong tháng 2 cũng giảm mạnh, đạt 500.000 tấn, giảm 35% so với tháng trước và giảm 29% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là bước đầu khởi động của năm, nhưng con số này cũng được đánh giá là không cao.
"Đầu ra" bí nhưng "đầu vào" lại tăng
Tuy còn khó khăn về đầu ra, nhưng giá nguyên liệu trên thị trường thế giới lại tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ trong tháng 2, như giá thép phế hàng container loại HMS ½ 80:20 tại thị trường Đông Nam Á đang dao động ở mức 420 - 430 USD/tấn CFR Đông Nam, tăng khoảng 10-20% USD/tấn so với tháng 1.
Tại Việt Nam thép phế được chào bán ở mức 425 - 435 USD/tấn CFR, giá phôi nguồn ở Nhật giao động ở mức 590- 595 USD/tấn CFR, tương đương so với cuối tháng 1.
Tuy vậy, nhưng giá thép bán lẻ tại một số địa phương vẫn ổn định so với tháng trước và giá bán hiện nay tại khu vực miền Bắc giao động từ 16- 17,8 triệu đồng/tấn, khu vực miền Nam có giá từ 16,5- 18,0 triệu đồng/tấn. Với tình hình sản xuất và giá bán như hiện nay thì phần lớn các DN sản xuất thép bị lỗ. Vì giá phôi dao động từ 12,3- 12,8 đồng/tấn, trong khi đó giá thép khoảng 13,500- 14 triệu đồng/tấn (chưa tính VAT).
Phôi thép trong nước đáp ứng đủ sản xuất
Cũng theo ông Nghi, lượng phôi thép chuẩn bị cho sản xuất thép tháng sau là 480.000 tấn, giảm 40.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012.
Hiện nay tình hình sản xuất phôi trong nước công suất đã tăng đáng kể, nếu các nhà máy chạy hết công suất thì đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ thép trong nước. Trong khi hiện nay phần lớn các DN chỉ nhập thép phế chứ không còn nhập phôi thép. Như năm 2012 vừa qua, các DN nhập khoảng 3,5 triệu tấn thép phế, khả năng dự báo năm 2013 lượng nhập thép phế sẽ tăng lên.
Cũng theo ông Nghi, trước Tết Nguyên Đán có xảy ra một việc không như mong muốn, do văn bản Thông tư liên tịch số 34 của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra, bắt đầu có hiệu lực và thực hiện từ 1/1/2013. Do đó, một số DN nhập khẩu thép phế rất mắc, bởi vì, nếu để nguyên thì một số điều trong thông tư sẽ gây rất khó khăn cho các DN nhập khẩu thép phế, thậm chí sẽ làm cho họ lợi dụng quy định về Hải Quan và sẽ gây rất nhiều khó khăn trong vấn đề nhập khẩu. Vì thế Hiệp hội Thép kiến nghị Tổ điều hành Thị trường trong nước đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên- Môi trường xem xét điều chỉnh lại một số quy định trong Thông tư này để tháo gỡ vướng mắc trong khâu nhập khẩu thép phế liệu.
Nguồn tin: Công thương