Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tiêu thụ thép quý I tăng trưởng mạnh, lực đỡ chính đến từ nội địa

Việc thúc đẩy các dự án đầu tư công và áp thuế chống bán phá giá tạm thời thép Trung Quốc giúp hỗ trợ việc bán hàng của các doanh nghiệp thép trong quý I.

Tiêu thụ thép quý I tăng trưởng mạnh

Ngành thép bất ngờ bứt tốc trong tháng 3, kéo theo kết quả chung trong quý I khởi sắc. Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bán hàng thép thành phẩm trong tháng 3 tăng 26% lên 3 triệu tấn.

 Số liệu: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Trong đó, thép cán nóng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất với 48%, tiếp đến là thép xây dựng. Đây là một trong những tháng hiếm hoi kể từ năm ngoái đến nay ghi nhận việc bán hàng tăng trưởng hai con số trong bối cảnh nhu cầu thị trường nội địa yếu và thương mại bất ổn. 

Tính chung trong quý I, các doanh nghiệp đã tiêu thụ được 7,5 triệu tăng 12% so với cùng kỳ. Sản lượng trong quý I đạt hơn 7,46 triệu tấn tăng 6%. Như vậy, trong quý I, các nhà máy không những tiêu thụ hết số lượng thép đã sản xuất mà còn dùng cả lượng hàng tồn kho từ trước đó. 

Thị trường nội địa vẫn đang thể hiện tốt vai trò làm trụ đỡ cho các doanh nghiệp thép. Điều này thể hiện qua việc mặc dù xuất khẩu giảm mạnh tới 37% trong quý I nhưng kết quả bán hàng chung vẫn tăng trưởng mạnh.

 Số liệu: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Trong đó, xuất khẩu thép cán nóng giảm tới 74% xuống còn hơn 198.000 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu trong cơ cấu bán hàng ở mức 19%, giảm mạnh so với 34% của cùng kỳ năm ngoái. 

 Số liệu: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Lực đỡ từ thị trường nội địa

VSA nhận định quý I năm nay là một giai đoạn đầy thách thức với ngành thép khi có sự đối lập giữa tăng trưởng nội địa và những khó khăn ở thị trường xuất khẩu. Theo đó, các thị trường có xu hướng tăng cường bảo hộ, điển hình như vụ việc Mỹ tuyên bố áp thuế thép nhập khẩu 25%. 

Trái lại thị trường nội địa quý I ghi nhận những tín hiệu tích cực khi tăng trưởng GDP đạt 6,93%, cao nhật xét trong cùng kỳ 5 năm qua. Chính phủ cũng đang thúc đẩy việc đầu tư các công trình hạ tầng, điển hình như cao tốc bắc - nam, sân bay Long Thành, giúp hỗ trợ việc tiêu thụ thép. 

Bên cạnh đó, việc Bộ Công Thương áp biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời đối với thép HRC và tôn mạ nhập khẩu từ một số nước, đặc biệt là Trung Quốc đã và sẽ giúp thúc đẩy việc bán hàng của các doanh nghiệp thép Việt Nam. 

Ngày 21/2, Bộ Công Thương quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc là từ 19,38% đến 27,83%.

Hơn một tháng sau, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cao nhất là 37,13% đối với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và 15,67% đối với hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc.

Trao đổi với chúng tôi bên lề đại hội cổ đông mới đây, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hoà Phát (Mã: HPG), cho biết việc Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá tạm thời 19,38 - 27,83% đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc đang là lực đỡ rất lớn đối với hoạt động tiêu thụ của tập đoàn. Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu tới 9 triệu tấn HRC từ Trung Quốc, tức gấp 3 lần sản lượng của Hoà Phát, nhưng năm nay con số này chắc chắn sẽ giảm.

Điều này giúp tỷ trọng sử dụng thép HRC của công ty tăng lên. Ngoài ra, cũng có nguồn hàng nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng lượng không đáng kể. 

“Hiện nay, tỷ trọng thép HRC Hoà Phát sử dụng trong các doanh nghiệp tôn mạ đang tăng lên. Năm ngoái, tỷ trọng này là 15 - 20% thì năm nay con số này đã nâng lên 40%”, ông cho biết. 

Bên cạnh doanh nghiệp tôn mạ, Hoà Phát cũng đang thuyết phục các tập khách hàng khác của mình nâng tỷ trọng sử dụng sản phẩm của mình. 

Tập đoàn đạt doanh thu 37.900 tỷ đồng trong quý I, lợi nhuận sau thuế 3.300 tỷ đồng; tăng lần lượt 22 % và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể quý II/2022. 

 Nguồn: Wichart, Hoà Phát (H.Mĩ tổng hợp)

Năm nay, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 25% so với thực hiện năm 2024. Như vậy, tập đoàn đã thực hiện được 22% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau một quý.

Nói thêm về động lực tăng trưởng trong quý I, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết quý đầu năm, tập đoàn đã tăng được thị phần trong nước. Dự án đầu tư công từ đầu năm đang được triển khai mạnh, khác biệt so với cùng kỳ mọi năm. Đối với xuất khẩu, tập đoàn có chủ trương chỉ giữ tỷ trọng dưới 20%. 

“Thị trường nội địa luôn là số 1. Nguyên tắc của chúng tôi là không bao giờ để thiếu hàng ở khách hàng trong nước. Kể cả biên lợi nhuận xuất khẩu có thể tốt hơn nhưng vẫn phải bảo vệ thị trường nội địa vì nếu chỉ lơ là có thể mất luôn thị phần sân nhà”, ông nói. 

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (Mã HSG), cũng cho rằng thị trường nội địa năm nay đóng vai trò quan trò trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn từ sức ép biến động địa chính trị và bảo hộ thương mại. Trong đó, hệ thống phân phối, bán lẻ vật liệu xây dựng, nội thất Hoa Sen Home đóng vai trò là trụ đỡ. 

Ông Vũ cho biết trước đây Hoa Sen xuất khẩu 15.000 - 20.000 tấn mỗi tháng sang Mỹ, còn bây giờ không thể đạt mức này. Thị trường châu Âu cũng rất khó khăn, sản lượng xuất khẩu trước đây 20.000 -30.000 tấn/tháng, bây giờ chỉ còn 15.000 - 20.000 tấn/tháng. Thực trạng này cũng tương tự đối với thị trường Ấn Độ, Malaysia…

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen ví von “những người điều hành doanh nghiệp cũng giống như người chơi cờ, khi thời cuộc thay đổi, ván cờ đã thay đổi thì nước đi cũng phải khác. Bối cảnh hiện nay khôn ngoan nhất là phải quay lại thị trường nội địa và Hoa Sen Home chính là được định hướng để làm điều này. Nếu chỉ duy trì mảng kinh doanh truyền thống thì Tập đoàn Hoa Sen sẽ giảm dần và từ từ biến mất…”.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông ngày 14/4, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kim khí Thành phố Hồ Chí Minh – VNSteel (Mã: HMC), cho biết từ cuối năm 2024 đến nay, chính phủ có nhiều dự án nhằm kích thích các ngành sản xuất liên qua, trong đó có thép. Chính vì vậy trong quý I/2025, hầu như kết quả kinh doanh của các nhà sản xuất thép và làm về thương mại đều tích cực. 

Trong khi đó, xu thế xuất khẩu bị ảnh hưởng rất lớn bởi những biến động thương mại toàn cầu. Do đó, các nhà máy tập trung tiêu thụ trong nước. 

“Rất may, nhờ tín hiệu đầu tư công và chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, dòng vốn FDI đổ về tương đối nhiều . Do đó, xu thế tiêu thụ thép nội địa năm nay có thể sẽ tích cực hơn năm 2024”, ông Quang nhận định. 

Nguồn tin: Vietnambiz

ĐỌC THÊM