Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tiêu thụ thép tăng mạnh: Chưa vội mừng!

Trong lúc thị trường bất động sản, đầu ra chính của ngành thép, chưa có dấu hiệu phục hồi, bất ngờ tiêu thụ thép trong tháng 3 tăng vọt, vượt gần 34% so với tháng trước.

 - Thép tồn kho không lớn

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - khẳng định, lượng thép xây dựng tồn kho ở các công ty tính tới ngày 31/3/2012 đã giảm mạnh, chỉ còn 288.814 tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức tồn kho trung bình (khoảng 400.000 tấn) và giảm trên 100.000 tấn (-30%) so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, số liệu công bố lượng tồn thép xây dựng tháng 3 tăng 59,1% hoàn toàn không đúng.

Xuất khẩu thép đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá

Ngày 27/3/2012, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có quyết định sơ bộ khẳng định có trợ cấp đối với mặt hàng ống thép hàn cacbon mã HS 7306 nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam. DOC quyết định mức thuế suất cho 2 bị đơn bắt buộc của Việt Nam là Công ty Thép SeAH Steel Vina (100% vốn Hàn Quốc tại Đồng Nai) chịu thuế là 0,04% và Công ty thép Hồng Nguyên (Hải Phòng) chịu mức 8,06%. Theo đó, mức thuế suất dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu khác cũng là 8,06%.

Tới đây, Bộ Thương mại Mỹ sẽ cử đoàn sang Việt Nam để kiểm tra thực tế sau đó mới có phán quyết cuối cùng về mức thuế cho mặt hàng ống thép nhập khẩu vào Mỹ. Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị các DN có liên quan cần phối hợp hành động cùng Cục Quản lý cạnh tranh để được hưởng mức thuế suất hợp lý.

Lý do lượng tồn kho thép xây dựng trong tháng 3 giảm mạnh vì tiêu thụ trong tháng 3 đột ngột tăng, đạt 521.000 tấn, vượt 33,94% so với tháng trước và tăng 59,14% so cùng kỳ năm 2011. “Thị trường đang khó khăn, lãi suất vay ngân hàng cao nên các doanh nghiệp không dại gì để tồn kho nhiều, mà phải điều tiết sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế” - ông Nghi nói.

Tiêu thụ khả quan, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Trong tháng 3, sản xuất thép xây dựng đạt 467.172 tấn, mặc dù giảm 3,49% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng lại tăng 36,12% so với tháng trước.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, tháng 3, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép khả quan hơn nhiều so với 2 tháng đầu năm một phần vì bước vào mùa xây dựng, nhu cầu thép đã tăng lên, nhưng phần quan trọng hơn là 2 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ quá thấp (tháng 1 tiêu thụ 233.000 tấn, tháng 2 tiêu thụ 380.000 tấn) nên hàng tồn kho, đặc biệt ở các công ty thương mại, đã giảm đi nhiều. Một nguyên nhân nữa là do hiện nay giá khoáng sản, phế liệu nhập khẩu cho ngành thép đang có xu hướng tăng, dự đoán trước giá thép sẽ lên theo nên các công ty thương mại tranh thủ đẩy mạnh mua vào.

Tuy nhiên, việc bán hàng tăng mạnh trong tháng 3 chưa hẳn do nhu cầu thực sự tăng. Trong nửa tháng 4/2012, tiêu thụ thép đã bắt đầu chậm lại, dự kiến có thể thấp hơn tháng 3 nhưng vẫn có thể ở mức trung bình, trên dưới 400.000 tấn.

Ông Nguyễn Tiến Nghi nhận định: “Xét trên nhiều yếu tố: Trong lúc thị trường xây dựng đang ảm đạm, nguồn vốn các công trình công tiết giảm mạnh, chính sách cho thị trường bất động sản cũng chưa có gì thay đổi nên xu hướng tiêu thụ thép tăng chưa phải bền vững”.

Sản xuất giảm

Theo VSA, tiêu thụ thép tháng 3 tăng mạnh nhưng tính chung quý I/2012, toàn hiệp hội chỉ sản xuất được 1.114.745 tấn, giảm 16,61% so với cùng kỳ năm 2011. Cùng với đó, lượng tiêu thụ trong quý I chỉ đạt 1.144.801 tấn, giảm gần 10% so cùng kỳ năm trước. Giá bán thép xây dựng của một số nhà máy giảm nhẹ trong 2 tháng và tăng lại trong tháng 3 thông qua việc điều chỉnh tăng hoặc giảm mức chiết khấu bán hàng. Hiện, giá thép ở miền Bắc chưa tính thuế VAT khoảng 16,15 đến 16,20 triệu đồng/tấn (Gang thép Thái Nguyên và VPS), còn tại miền Nam là 16,32-17,14 triệu đồng/tấn (Thép miền Nam và Thép Vinakyoei).

Thị trường vẫn rất khó khăn, nhiều nhà máy phải tiết giảm sản xuất, chỉ chạy 50-60% công suất. Một số nhà máy thuộc ngành thép dù đã xây dựng xong nhưng chưa dám đi vào sản xuất, như Nhà máy thép của Công ty Cổ phần thép Thái Trung (tại Thái Nguyên) có công suất 500.000 tấn/năm; 3 nhà máy tại Đà Nẵng của Công ty thép miền Trung công suất 250.000 tấn/năm, Công ty Cổ phần thép Dana- Ý công suất 250.000 tấn/năm; nhà máy của Công ty Cổ phần thép Thái Bình Dương (Thái Bình)….

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, tiêu thụ thép khó khăn, công suất dư thừa, do đó, các doanh nghiệp thép chỉ còn lối thoát là xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của hải quan, tính đến hết tháng 2/2012, tổng lượng thép XK đạt 334.946 tấn, với giá trị kim ngạch gần 300 triệu USD. Trong đó, phôi thép XK gần 29.000 tấn, tăng 769% so với cùng kỳ năm 2011; thép xây dựng đạt 59.298 tấn, tăng 31%; ống thép hàn XK 35.280 tấn, tăng 490%; riêng thép cán nguội chỉ bằng 58% so với cùng kỳ.

Nguồn tin: Công Thương

ĐỌC THÊM