Sức tiêu thụ thép trên thị trường đã tăng đáng kể trong sáu tháng đầu năm, nhưng có một nghịch lý là cho dù sức cầu cao, giá thép lại suy giảm mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp tăng 18,6 %; sản lượng bán hàng tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng giá thép ngày càng giảm mạnh.
Theo công bố của Tập đoàn Hòa Phát tại một buổi gặp gỡ các nhà đầu tư hôm nay, 16-7, sản lượng sản xuất thép xây dựng của doanh nghiệp này đạt 658.000 tấn, sản lượng bán hàng 675.000 tấn, tăng đến 52% so với 6 tháng đầu năm trước. Sản lượng bán ra tăng cao hơn cả sản lượng sản xuất do có một phần hàng tồn kho từ cuối năm 2014 chuyển sang.
Doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm của Hòa Phát đạt 7.740 tỉ đồng, còn lợi nhuận hợp nhất đạt 1.252 tỉ đồng, trong đó thép đóng góp khoảng 78% doanh thu và 70% lợi nhuận. Tỉ suất lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này đạt 16%.
Hòa Phát chiếm 22% thị phần ngành thép Việt Nam. Nhưng liệu kết quả kinh doanh khả quan của một doanh nghiệp riêng lẻ có phản ánh sự phục hồi của các doanh nghiệp ngành thép hay không?
Theo công bố của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất và bán hàng của các thành viên VSA tăng trưởng đáng kể, nhờ thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi hơn trước. Sáu tháng đầu năm, sản xuất đạt 6,45 triệu tấn (tăng 18,6%), sản lượng bán ra đạt 5,46 triệu tấn (tăng 22,2%). Xuất khẩu đạt 846.000 tấn, giảm nhẹ 4,7%.
Bán được nhiều hàng nhưng giá thấp khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Giá thép đã “rơi” đều từ đầu năm đến nay, với mức giảm giá bán bình quân của thép xây dựng là 8% và nay đang đứng ở mức giá khoảng 10,9 triệu đồng/tấn. Giá nguyên liệu gồm cả phôi thép và quặng cũng đã giảm mạnh, nhưng nếu doanh nghiệp quy mô không lớn hay chi phí sản xuất cao thì càng sản xuất hay bán được nhiều thì càng lỗ.
Ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, nói với các nhà đầu tư trong cuộc gặp hôm 16-7 tại Hà Nội rằng “Diễn biến giá thép từ nay đến cuối năm vẫn đi xuống”.
Theo ông Long, tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc- thị trường lớn nhất chi phối sự trồi sụt của ngành thép toàn cầu- đang chựng lại khiến cho lượng thép tiêu thụ giảm mạnh trong khi sản xuất của ngành thép nước này luôn dư thừa. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách “đẩy” lượng thép thừa sang các nước khác, trong đó có Việt Nam với mức giá thấp. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép nội với nhau, cũng như giữa thép nội với thép ngoại càng ngày càng trở nên gay gắt.
Theo ông Long, trong vài năm tới, khi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như Hiệp định tự do liên minh kinh tế Á-Âu hay Hiệp định TPP được thực thi, thuế nhập khẩu thép từ nhiều thị truờng về Việt Nam giảm về mức 0% thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép nội với thép nội, thép nội với thép ngoại sẽ càng khốc liệt.
Nguồn tin: KTSG